Ngân hàng cần chuyển đổi để củng cố nội lực và phát triển bền vững
05:46 | 10/05/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Các ngân hàng cần tập trung vào chuyển đổi để củng cố nội lực và tăng trưởng bền vững trong bối cảnh ngành ngân hàng đang bước vào những giai đoạn phát triển mới.
Trong năm 2018, quá trình tái cơ cấu ngân hàng đã có những dấu hiệu tích cực như nợ xấu giảm dần, một số ngân hàng nhỏ bắt đầu có lãi trở lại, một số ngân hàng lớn đã cán đích chỉ tiêu lợi nhuận của năm. Cùng với đó, năng lực quản trị của các tố chức tín dụng (TCTD) từng bước được nâng cao, tiếp cận với thông lệ quốc tế. Hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các TCTD được tăng cường; chiến lược kinh doanh bước đầu phù hợp với văn hóa rủi ro và khẩu vị rủi ro. Hơn nữa, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng hóa và cải thiện đáng kể về chất lượng. Các dịch vụ cơ bản như huy động, cho vay, cung ứng dịch vụ thanh toán được phát triển đa dạng.
Các dịch vụ phi tín dụng truyền thống (bảo hiểm nhân thọ, ngân quỹ, than toán điện tử… ) được đẩy mạnh. Cơ cấu tài sản có dịch chuyển theo hướng tích cực, dòng vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần. Chất lượng tín dụng được cải thiện. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng giảm xuống dưới 2% cuối năm 2018.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2019 hàng loạt thách thức đặt ra như kinh tế thế giới giảm tốc, căng thẳng thương mại Mỹ Trung... làm cho dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những nền kinh tế vĩ mô không ổn định. Trước những diễn biến của thị trường trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đang có sự điều hành chính sách tiền tệ hợp lý để giúp cho ngành ngân hàng đứng vững trong giai đoạn sắp tới.
Do đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng từ các chính sách linh động, các ngân hàng Việt sẽ lớn mạnh hơn về quy mô vốn, công nghệ và đội ngũ nhân lực, để xứng tầm cùng các ngân hàng trong khu vực châu Á trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều quan trọng là các ngân hàng sẽ cần tăng cường nội lực để vượt qua những thách thức trên con đường phát triển này,
Từ góc độ đại diện một công ty có kinh nghiệm tư vấn cho nhiều ngân hàng cả về chiến lược và hoạt động, ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho rằng các ngân hàng cần tập trung vào hai trọng tâm chính, đó là củng cố năng lực quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua chuyển đổi, trong đó có chuyển đổi số và chuyển đổi nguồn nhân lực.
Ông Long nhấn mạnh, chuyển đổi số không đơn thuần là nâng cao năng lực về công nghệ. Trên hết, đây là một động lực để chuyển đổi các quy trình hoạt động của ngân hàng một cách cơ bản. Ngân hàng có thể tạo nên những thay đổi tích cực như tăng năng suất và tính chính xác của các quy trình; tăng năng lực quản trị rủi ro vận hành và rủi ro tín dụng; giảm tỉ lệ chi phí trên thu nhập. Ngân hàng cũng có thể nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi và mới mẻ hơn thông qua chuyển đổi số.
Chia sẻ thêm, ông Long cho rằng chuyển đổi số liên quan mật thiết tới vấn đề chuyển đổi nguồn nhân lực và đây là một mối quan tâm không chỉ của các ngân hàng Việt mà của cả các ngân hàng trên toàn thế giới: Một khảo sát toàn cầu của PwC cho thấy, gần 80% CEO trong ngành ngân hàng và thị trường vốn quan ngại về tình trạng thiếu hụt kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng cần thiết để đổi mới sáng tạo và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Do vậy, hướng tiếp cận của PwC là lấy con người làm trọng tâm trong quá trình chuyển đổi ngân hàng. Theo đó, ngân hàng cần đào tạo hay tuyển dụng nhân sự có kỹ năng sử dụng công nghệ để phục vụ nhu cầu khách hàng và tăng cường hiệu quả từ tương tác trực tiếp giữa nhân viên và khách hàng. Lãnh đạo ngân hàng cần thảo luận sớm về định hướng phát triển với đội ngũ nhân sự, để họ hiểu được tương lai ngân hàng sẽ hoạt động ra sao và trong tương lai đó, liệu tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng tới việc làm của họ như thế nào. Trên hết, cần xác định mô hình tổ chức, hoạt động phù hợp với năng lực nhân sự và công nghệ được áp dụng.