Ngân hàng JPMorgan yêu cầu khách hàng đáp ứng các yêu cầu giảm lượng khí thải
Ngân hàng JPMorgan đã công bố một loạt yêu cầu cắt giảm khí thải nhà kính về trung hạn đối với các khách hàng, trong bối cảnh các ngân hàng cũng gặp áp lực phải điều chỉnh hoạt động tài chính phù hợp với các cam kết chống biến đổi khí hậu.
Ngân hàng này đang yêu cầu các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng điện và công nghiệp ô tô cũng như lĩnh vực dầu khí phải đáp ứng được các mục tiêu giảm cường độ carbon vào năm 2030.
Bà Marisa Buchanan, Giám đốc phát triển bền vững toàn cầu của JPMorgan cho biết: “Chúng tôi đang có những biện pháp để giải quyết lượng phát thải của các khách hàng mà chúng tôi cung cấp dịch vụ tài chính”.
Các mục tiêu giảm khí thải mới mà JPMorgan đặt ra cho khách hàng đã được tổ chức bảo vệ môi trường hoan nghênh
Bà cho biết, các mục tiêu này thể hiện kỳ vọng của ngân hàng rằng các khách hàng của ngân hàng sẽ hoạt động một cách có trách nhiệm và có những bước đi cần thiết để đầu tư vào một tương lai phát thải thấp hơn.
Ngân hàng của Mỹ yêu cầu các nhà sản xuất điện và ô tô giảm lượng khí thải carbon trực tiếp của họ, chẳng hạn như khí thải từ các tòa nhà của doanh nghiệp, khí thải từ những công ty cung cấp năng lượng hoặc các dịch vụ khác cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp.
Ngân hàng cũng yêu cầu các khách hàng trong lĩnh vực dầu khí giảm cường độ phát thải trực tiếp và gián tiếp, cộng với khí thải từ quá trình đốt cháy dầu và khí tự nhiên.
Hiện nay các ngân hàng đang đối mặt với ngày càng nhiều áp lực phải công bố nhiều hơn về tình hình khí thải từ các hoạt động mà ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính.
Từ lâu, JPMorgan nói riêng và cả ngành dịch vụ tài chính rộng lớn hơn đã trở thành mục tiêu của các nhà hoạt động khí hậu. Các nhà hoạt động cho rằng việc ngành dịch vụ tài chính ủng hộ các dự án thải nhiều carbon là đi ngược lại với sự ủng hộ Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Tháng 4/2021, JPMorgan cho biết đã đặt mục tiêu cho vay, đầu tư và cung cấp các dịch vụ tài chính khác lên tới 2,5 nghìn tỷ USD đối với các công ty và dự án chống biến đổi khí hậu và chống bất bình đẳng xã hội trong thập niên tới.
Các mục tiêu giảm khí thải mới mà JPMorgan đặt ra cho khách hàng đã được hoan nghênh bởi ít nhất hai tổ chức bảo vệ môi trường là EDF và CERES.
Ben Ratner, giám đốc cấp cao của EDF cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh việc chuyển sang các mục tiêu tạm thời. Chúng tôi thấy JPM đang bắt đầu hành trình từ cam kết đến tiến bộ”.
Nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, Thỏa thuận Paris 2015 đã đề ra một mục tiêu rất tham vọng là giữ cho mức tăng nhiệt độ trái đất dưới ngưỡng 2°C và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng ở mức 1,5°C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp, như yêu cầu của các quốc gia chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu này, Thỏa thuận cũng nêu rõ: Thế giới phải nhanh chóng giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với mức nhiều nhất có thể. Tiến độ cụ thể được đặt ra là tới giữa thế kỷ này (khoảng sau năm 2050), thế giới phải đạt cân bằng giữa lượng khí phát thải do hoạt động của con người với khả năng hấp thụ của trái đất cùng với công nghệ “thu gom khí thải”.
Thu Thắm
Xem thêm: Tỷ phú Elon Musk chính thức phát động cuộc thi với giải thưởng 100 triệu USD chống biến đổi khí hậu