Ngân hàng Nhà nước giải cứu Vietnam Airlines bằng gói tín dụng 4.000 tỷ đồng
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN đã thông tin về chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines (VNA). Cụ thể, tính tới thời điểm hiện tại đã có 3 ngân hàng SeABank, MSB và SHB đã thông báo sẽ hỗ trợ cho VNA vay vốn với tổng số tiền là 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Trả lời trước báo giới, đại diện của Vietnam Airlines cũng đã xác nhận điều trên. Dự kiến thời gian giải ngân khoản vay sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.
Trước đó, vào cuối năm 2020, Quốc hội đã thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines.
Sau đó, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước ứng vốn ngắn hạn 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% như đã nêu trên. Còn lại 8.000 tỷ đồng sẽ triển khai tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Hy vọng khoản vay này sẽ giúp VNA giải quyết phần nào khó khăn.
Theo ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines thì phương án phát hành cổ phiếu cũng đang ở bước giải quyết các thủ tục pháp lý cần thiết theo quy định. Theo kế hoạch sẽ hoàn tất vào cuối năm 2021.
Đây được coi là những tín hiệu tích cực đối với VNA, khi chỉ trong quý 1/2021 hãng đã lỗ gần 5.000 tỷ đồng - khoản lỗ lớn nhất từ trước đến nay của Vietnam Airlines.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng cho biết, trong 6 tháng đầu năm Vietnam Airlines có thể chứng kiến mức lợi nhuận âm trên 10.000 tỷ đồng. Mã cổ phiếu VNA cũng đã bị đưa vào diện cảnh báo đặc biệt vào ngày 15/4.
Vietnam Airlines cũng đã rao bán 11 chiếc Airbus A321ceo để phần nào cải thiện dòng tiền và cố gắng bù vào những khoản lỗ. Nếu Nhà nước không nhanh chóng can thiệp, rất có thể các chủ nợ sẽ đưa VNA ra tòa để tuyên bố phá sản.
Hiện tại, Vietcombank đang là chủ nợ lớn nhất của Vietnam Airlines, khi đã cho hãng hàng không vay 2.700 tỷ đồng ngắn hạn và 4.800 tỷ đồng dài hạn.
Tiếp đến là BIDV khi VNA sẽ phải thanh toán khoảng 1.100 tỷ ngắn hạn và 1.500 tỷ dài hạn. Các khoản vay ngắn hạn của VNA đều không có tài sản đảm bảo.
Sau đó là một loạt khoản vay nợ các ngân hàng khác như: VietinBank 952 tỷ (ngắn hạn) và 426 tỷ (dài hạn); Techcombank 850 tỷ (ngắn hạn) và 47 tỷ (dài hạn); Eximbank (832 tỷ); MB 501 tỷ (dài hạn) và 370 tỷ (ngắn hạn); Ngân hàng liên doanh Việt Nga (303 tỷ), Ngân hàng Indovina (254 tỷ); VIB (171 tỷ),…
Ngoài ra, Vietnam Airlines còn có các khoản nợ thuê tài chính từ các tổ chức nước ngoài như: Tập đoàn ING (hơn 8.100 tỷ), ngân hàng Citibank (gần 5.800 tỷ), các ngân hàng MUFG (gần 1.700 tỷ), JP Morgan Chase (gần 1.300 tỷ), HSBC (gần 1.200 tỷ), Credit Agricole (225 tỷ) và Công ty TNHH Viettel-CHT (2,6 tỷ).
H.S
Xem thêm: Vietnam Airlines vay nợ hơn 15 nghìn tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng nào?