Ngân hàng Nhà nước sắp 'nới room', những nhà băng nào sẽ được hưởng lợi?
Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động nới room
Theo thông báo ngày 28/8, NHNN sẽ chủ động "nới room" cho các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu thông báo từ đầu năm, dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng. "Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị", thông báo của NHNN cho hay.
Từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ở mức khoảng 15%, đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024. Song, tính đến ngày 26/8/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng tín dụng tiệm cận chỉ tiêu, có những ngân hàng tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm.
Vì vậy, NHNN sẽ tiếp tục chủ động điều chỉnh, nhằm thực hiện yêu cầu của Chính phủ về điều hành tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng nhu cầu tín dụng, kiểm soát lạm phát.
Trong thông báo, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ.
Đặc biệt, cần hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động; đơn giản hóa thủ tục cho vay, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay.
Ngân hàng nào sẽ được nới room?
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 26/8/2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 6,63% so với cuối năm 2023. Với mục tiêu của Chính phủ là 15%, trong 4 tháng còn lại của năm, cần phải đẩy thêm 8,37%, tương đương 1.135.723 tỷ đồng vào nền kinh tế. Để đạt mục tiêu này, một số ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt cần được cấp thêm "room".
Theo VPBankS Research, chính sách nới hạn mức của NHNN sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh hơn nữa trong việc giành room tín dụng và thị phần.
Do đó, chính sách lãi suất sẽ trở nên ưu đãi hơn, có lợi cho người đi vay nhưng có thể đánh đổi bằng biên lãi thuần (NIM) giảm nhẹ cho ngân hàng.
Đặc biệt, các ngân hàng đạt 80% room tín dụng từ đầu năm sẽ được gia tăng room tín dụng 2-2,5% tùy từng ngân hàng.
Theo đó, các ngân hàng như gồm HDBank (HDB), Techcombank (TCB), LPBank (LPB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã hoặc sắp đạt mốc 80% room tín dụng, sau khi được tăng, room tín dụng mới tại các ngân hàng này sẽ ở mức 18-18,7%.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 15% năm nay, trong thời gian còn lại của năm, các ngân hàng sẽ còn phải tăng dư nợ thêm 1,135 triệu tỷ đồng.
Cũng theo dự phóng của chuyên gia phân tích tại VPBankS, nếu các ngân hàng sử dụng được 90% room tín dụng đã được giao từ đầu năm, NHNN không nâng lãi suất điều hành và tăng trưởng GDP đạt 6% thì tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14,83%, gần sát mục tiêu của Chính phủ.