VietinBank sắp tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để giải quyết hàng loạt vấn đề 'nóng'

Đông Bắc 10:52 | 27/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 vào giữa tháng 10 tới tại Hà Nội.

  

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 vào ngày 17/10 tới, tại Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp ĐHĐCĐ bất thường là ngày 16/9.

Nội dung cuộc họp bao gồm: Bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024-2029 và các vấn đề khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ VietinBank.

 VietinBank sắp tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. Ảnh CTG.

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận của VietinBank gần như đi ngang khi ngân hàng báo lãi sau thuế đạt 10.412 tỷ đồng, tăng 3,14% so với cùng kỳ.

Trước đó, VietinBank cũng đã công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn. Tại nhà băng này, ngoại trừ Ngân hàng Nhà nước nắm giữ hơn 64,46% vốn thì ngân hàng này có 3 cổ đông đang sở hữu tổng cộng gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 21,95% vốn điều lệ.

Cụ thể, MUFG Bank đang nắm giữ hơn 1 tỷ cổ phiếu CTG, tương ứng 19,73% vốn điều lệ ngân hàng. Công đoàn VietinBank nắm giữ 61,6 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 1,15% vốn điều lệ. Người liên quan của Bảo hiểm Prudential cũng sở hữu thêm 2,9 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 0,05% vốn.

Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam sở hữu 57,6 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 1,07% vốn điều lệ. Người liên quan của cổ đông này cũng sở hữu gần 3 triệu cổ phiếu CTG, chiếm khoảng 0,05% vốn ngân hàng.

Vietinbank hiện kinh doanh ra sao?

VietinBank đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với tình hình nợ xấu gia tăng đột biến và dẫn đầu trong nhóm Big4.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank đạt hơn 1,57 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6,66% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, chất lượng nợ vay của ngân hàng đã suy giảm đáng kể: Tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 tăng mạnh 48% so với đầu năm, lên mức 24.645 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng gia tăng từ 1,12% lên 1,56%.

Cơ cấu nợ xấu của VietinBank như sau: Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 33,33%, đạt 3.344 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ tăng gấp 2,85 lần so với cùng kỳ, lên 13.456 tỷ đồng; Nợ có khả năng mất vốn giảm 17%, xuống còn 7.845 tỷ đồng.

Trong nhóm Big4, Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) ghi nhận tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2024 là 29.274 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng ghi nhận mức tăng đáng kể trong tổng số dư nợ xấu, tăng 28% lên thành 28.687 tỷ đồng so với cuối năm trước. Còn Vietcombank có tỷ lệ nợ xấu tăng 32,0% với 16.446 tỷ đồng so với 12.455 tỷ đồng hồi cuối năm 2023...