Ngân hàng tư nhân Việt Nam đầu tiên vào top 500 toàn cầu

10:27 | 13/02/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sau khi được Tạp chí The Asian Banker bình chọn là “Ngân hàng tốt nhất dành cho SME” (Best SME Bank) tại Việt Nam, VPBank vừa được Brand Finance công bố lọt vào danh sách 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu.
Ngân hàng tư nhân Việt Nam đầu tiên vào top 500 toàn cầu - ảnh 1
Giao dịch tại VPBank. Nguồn: Internet. 
Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu. Bảng xếp hạng được Brand Finance, công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, công bố đầu tháng 2 này.

Giá trị thương hiệu của VPBank được Brand Finance định giá 354 triệu USD. Như vậy, kể từ năm 2016 giá trị thương hiệu của VPBank được chính Brand Finance định giá đã tăng 6,3 lần, từ mức 56 triệu USD. Nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng về giá trị thương hiệu, VPBank đã nhảy vọt lên vị trí 361 trong tổng số 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu, dù đây là lần đầu tiên VPBank được đưa vào danh sách này.

Bên cạnh đó, chỉ số xếp hạng thương hiệu (Brand rating) của ngân hàng cũng được xếp loại A trong thang xếp hạng từ D tới AAA+. Và chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index) được Brand Finance chấm 58.76 điểm, trong thang điểm từ 0 – 100.

Việc lọt vào danh sách này của Brand Finance một lần nữa khẳng định VPBank là ngân hàng tư nhân có giá trị thương hiệu lớn nhất tại Việt Nam. Trước đó, tạp chí uy tín Forbes cũng xếp VPBank là doanh nghiệp có giá trị thương hiệu lớn thứ 13 toàn quốc và đứng thứ 4 trong toàn hệ thống ngân hàng, đứng đầu nhóm ngân hàng tư nhân.

Theo Brand Finance, Việt Nam có 4 ngân hàng lọt vào danh sách năm nay, gồm 3 ngân hàng quốc doanh và 1 ngân hàng tư nhân là VPBank. Khu vực ASEAN có 40 ngân hàng lọt vào danh sách, tăng 2 ngân hàng so với danh sách năm 2018.

Lãnh đạo VPBank cho biết, việc nằm trong danh sách 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu là kết quả trong nhiều năm VPBank liên tục nỗ lực cải tiến mô hình kinh doanh, đầu tư vào công nghệ, chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Theo nhận xét của Brand Finance, một thương hiệu mạnh sẽ giúp thu hút thêm nhiều khách hàng, xây dựng lòng trung thành của khách và tạo động lực làm việc tốt hơn cho nhân viên. Nhưng trên hết, thương hiệu tốt sẽ giúp tạo lợi nhuận tốt hơn cho doanh nghiệp. Ở khía cạnh này, rõ ràng sự cải thiện về sức mạnh thương hiệu đã đóng góp không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của VPBank trong những năm qua.

Cũng trong những ngày đầu năm 2019, Tạp chí The Asian Banker đã công bố bình chọn VPBank là “Ngân hàng tốt nhất dành cho SME” (Best SME Bank) tại Việt Nam trong chương trình giải thưởng The Asian Banker Vietnam Country Awards.

Đây là lần thứ hai liên tiếp trong vòng 3 tháng VPBank được các tổ chức quốc tế vinh danh là ngân hàng có dịch vụ tốt nhất dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước đó, vào tháng 11/2018, Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) cũng đã bình chọn VPBank là một trong 3 ngân hàng có dịch vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ tốt nhất châu Á.

Ngân hàng tư nhân Việt Nam đầu tiên vào top 500 toàn cầu - ảnh 2
Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ đã được tiếp cận nguồn vốn của VPBank. 
Liên tục có những sáng kiến tài chính mới, đưa ra các gói giai pháp hỗ trợ phi tài chính và xây dựng một nền tảng số hướng tới các nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ - SME - vốn chưa được các ngân hàng chú trọng, VPBank đã khẳng định vị thế tiên phong hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để có được giải thưởng này, ngay từ  năm 2012, VPBank đã xây dựng chiến lược đồng hành cùng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tính đến nay, VPBank đã phục vụ hơn 75.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 10% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Ngân hàng cũng đã có 81 trung tâm chuyên biệt phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc.

Điều đặc biệt, theo đánh giá của The Asian Banker, các yếu tố đưa VPBank trở thành ngân hàng phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ tốt nhất tại Việt Nam nằm ở sự sáng tạo và tỷ lệ tăng trưởng khách hàng tốt.

Điểm sáng của sự sáng tạo trong phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là sự ra đời của sản phẩm riêng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ. Theo một cuộc khảo sát của IFC, Việt Nam hiện có gần 600.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm 21%. Hơn một nửa trong số doanh nghiệp do nữ làm chủ đó có quy mô siêu nhỏ và thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính.

Ngoài nhu cầu vốn, họ cũng có nhu cầu về việc được nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và mở rộng kinh doanh. Vì thế, giải pháp của VPBank bao gồm cả các hoạt động hỗ trợ phi tài chính và gói sản phẩm tài chính đã được thiết kế phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và dễ dàng được các doanh nghiệp tiếp cận hơn.

Các hoạt động hỗ trợ phi tài chính bao gồm một loạt các sự kiện trò chuyện giữa các chuyên gia và các nữ doanh nhân. Tại những sự kiện này, các nữ doanh nhân được chia sẻ về kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, quản lý dòng tiền. Đồng thời, họ cũng có cả những cơ hội gặp gỡ các doanh nghiệp khác có tiềm năng trở thành đối tác của nhau.

Đến cuối năm 2018, đã có hơn 1.400 doanh nghiệp tham gia các hoạt động hỗ trợ phi tài chính của VPBank. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng đã đóng góp xấp xỉ 18% trong tổng số khách hàng và 26% tổng dư nợ vay đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ của VPBank.

Sự sáng tạo của VPBank nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong năm vừa qua còn thể hiện ở sản phẩm “Tài trợ hóa đơn VAT”. Đây là sản phẩm tài chính giao thoa giữa hình thức vay vốn có tài sản đảm bảo và không tài sản đảm bảo, với thủ tục vay vốn được tinh giản tối đa nhằm giúp các doanh nghiệp có thể lo được nguồn vốn nhanh chóng cho những đơn hàng trong ngắn hạn.

Bên cạnh hai sản phẩm mới kể trên, các gói sản phẩm cho vay tín chấp dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ (micro-SME) tiếp tục được ngân hàng đẩy mạnh. Đây cũng là sản phẩm mang lại sự khác biệt cho VPBank trong phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ, do các sản phẩm này không đòi hỏi phải có tài sản thế chấp – yếu tố được coi là rào cản lớn khiến đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng trong nhiều năm qua.

The Asian Banker cũng đánh giá quá trình chuyển đổi số hóa tại VPBank đã đóng góp đáng kể nâng cao chất lượng dịch vụ của ngân hàng, cũng như tạo ra một sân chơi mới thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ.