Ngành dược toàn cầu dưới sức ép thuế quan: Ai đang thống trị chuỗi cung ứng?

(Ảnh minh họa: Reuters).
Hôm 8/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ mạnh tay áp thuế lên dược phẩm nhập khẩu. “Mức thuế sẽ rất cao, khoảng 200%”, ông Trump cho hay trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng.
Song, vị Tổng thống cũng báo hiệu sẽ cho các công ty từ 12 đến 18 tháng để “sắp xếp lại”, hàm ý đưa hoạt động sản xuất quay trở về Mỹ.
Trong bối cảnh này, bức tranh ngành dược phẩm toàn cầu trở nên rất đáng chú ý.
Châu Âu từ trước đến nay vẫn là trung tâm của ngành dược hiện đại. Tựu chung, Mỹ và châu Âu vẫn là các thị trường dược phẩm lớn nhất trên thế giới. Các công ty của họ là những tay chơi lớn nhất, chi tiêu đậm nhất cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) dược phẩm.
Đại dịch COVID-19 là minh chứng gần đây nhất về sự phát triển của ngành dược phẩm phương Tây. Vắc xin COVID được phê chuẩn và sử dụng rộng rãi đầu tiên trên thế giới là sản phẩm từ sự hợp tác giữa công ty Đức BioNTech và hãng dược Mỹ Pfizer.
Bên cạnh đó, những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang nhanh chóng mở rộng vai trò trong ngành dược phẩm toàn cầu, nhất là trong mảng thuốc generic và hoạt chất dược phẩm (API).
Những nước xuất khẩu nhiều dược phẩm nhất thế giới?
Dưới đây là 10 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu dược phẩm lớn nhất trên toàn cầu, theo dữ liệu từ nền tảng Trade Map. Tổng cộng, 10 nước này đã xuất khẩu khoảng 690,5 tỷ USD dược phẩm ra thế giới trong năm 2024.

Đức
Kể từ ít nhất là từ năm 2005 đến nay, Đức luôn là quốc gia dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu dược phẩm. Ngành này chứng kiến mức tăng trưởng đáng nể 21% trong giai đoạn 2020 - 2021, nhờ nhu cầu dành cho vắc xin chống COVID.
Tính riêng trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dược phẩm của Đức đạt 124,2 tỷ USD, chiếm 13,7% tỷ trọng toàn cầu.
Thụy Sỹ
Thụy Sỹ theo khá sát phía sau với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 110,5 tỷ USD. Thụy Sỹ có lẽ được biết đến nhiều nhất với biệt danh “ngân hàng của thế giới”, tuy nhiên sự thật là nước này cũng có ngành dược phẩm rất phát triển.
Hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Thụy Sỹ đến từ ngành dược, cho nên lĩnh vực này đã trở thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, Thụy Sĩ còn là thị trường chứng khoán hàng đầu châu Âu dành cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực khoa học đời sống, trang Switzerland Global Enterprise cho hay.
Mỹ
Đứng thứ ba trong bảng xếp hạng là Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 vào khoảng 94 tỷ USD. Nhưng mặt khác, Mỹ phải nhập khẩu 212,7 tỷ USD dược phẩm, dẫn đến mức thâm hụt lên tới gần 119 tỷ USD.
Nhìn chung, Mỹ đã mắc kẹt trong tình trạng thâm hụt thương mại dược phẩm suốt hai thập kỷ qua và tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng.
Để so sánh, mức thâm hụt trong năm 2005 là 14 tỷ USD, tương ứng 11,8% năm 2024. Có thể đây là lý do ông Trump muốn tăng mạnh thuế quan lên dược phẩm nhập khẩu.
Ireland
Ireland đứng thứ 4 trong danh sách và là một trường hợp rất đáng chú ý. Tương tự như Thụy Sỹ, dược phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Ireland - vào khoảng 37%.
Và điều đặc biệt là trong tổng 89,8 tỷ USD dược phẩm mà Ireland xuất khẩu trong năm 2024, có tới 33 tỷ USD được bán sang Mỹ, dẫn đến việc Mỹ chịu thâm hụt 28,5 tỷ USD với quốc gia này.
Tổng thống Trump từng nhiều lần chỉ trích rằng chính sách thuế suất thấp đã giúp Ireland thu hút các hãng dược lớn của Mỹ như Pfizer, Boston Scientific và Eli Lilly. Ireland quả thực đã trở thành trung tâm sản xuất lớn ở nước ngoài cho các doanh nghiệp Mỹ, tờ BBC cho hay.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ireland Micheál Martin hồi đầu năm nay, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố: “Người Ireland rất thông minh. Các vị đã thu hút các công ty dược và nhiều doanh nghiệp khác của chúng tôi… Hòn đảo xinh đẹp với 5 triệu dân này nắm trong tay toàn bộ ngành dược phẩm của Mỹ”.
Ngành dược phẩm Ireland có thể sẽ chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng nếu ông Trump thực hiện đúng tuyên bố áp thuế quan 200%.
Vào cuối tháng 6 - tức trước khi ông Trump đề xuất con số 200% - Bộ trưởng Bộ Tài chính Ireland Paschal Donohoe đã cảnh báo thuế quan có thể khiến nước này mất hàng chục nghìn việc làm trong ngành dược phẩm.
Không chỉ vậy, thuế quan còn có nguy cơ khiến dòng vốn tháo chạy khỏi Ireland, gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Những gã khổng lồ thầm lặng
Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt xếp vị trí thứ 11 và 16 trong danh sách những quốc gia xuất khẩu dược phẩm hàng đầu thế giới. Dù không nằm trong top 10 về giá trị xuất khẩu, cả hai vẫn đóng vai trò không thể thay thế trong chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu.
Ấn Độ được mệnh danh là “nhà thuốc của thế giới”. Quốc gia Nam Á này cung cấp khoảng 20% tổng lượng thuốc generic toàn cầu - tức các phiên bản giá rẻ hơn của thuốc biệt dược. Ví dụ, tại Mỹ, có tới 90% đơn thuốc được kê là thuốc generic. Trong số đó, khoảng 40% được cung cấp bởi Ấn Độ.
Ngành dược phẩm của Ấn Độ cũng đang tăng trưởng nhanh chóng. Kim ngạch xuất khẩu dược phẩm cả năm 2024 của nước này đạt 23,3 tỷ USD.
Tổ chức phi lợi nhuận The Bureau of Investigative Journalism viện dẫn một ước tính rằng thị trường xuất khẩu dược phẩm của nước này sẽ tăng trưởng gấp hàng chục lần, nâng tổng giá trị lên 350 tỷ USD vào năm 2047.
Về Trung Quốc, nước này đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu nhờ năng lực sản xuất API, thành phần cơ bản tạo nên tác dụng điều trị của thuốc.
Tính đến năm 2023, Trung Quốc chiếm khoảng 80% nguồn cung API dùng trong thuốc generic. Tỷ lệ này cho thấy Trung Quốc là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi sản xuất dược phẩm toàn cầu. Trung Quốc đạt được vị thế này nhờ một loạt lợi thế cạnh tranh bao gồm chi phí thấp, quy mô sản xuất lớn, năng lực kỹ thuật cao và sự hỗ trợ chiến lược từ chính phủ.
Sự phụ thuộc của thế giới vào nguồn cung API từ Trung Quốc là một con dao hai lưỡi.
Một mặt, các nhà cung cấp Trung Quốc giúp giá thuốc generic được duy trì ở mức phải chăng và giúp các nhà sản xuất thuốc generic sống sót với biên lợi nhuận tương đối thấp - thường chỉ bằng một nửa các nhà sản xuất thuốc biệt dược.
Mặt khác, sự tập trung của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc tạo ra điểm yếu dễ bị tổn thương trước các rủi ro như căng thẳng địa chính trị hoặc thảm họa tự nhiên.
Ví dụ, khi Trung Quốc tiến hành phong tỏa trong đại dịch COVID-19, các nỗi lo về nguy cơ API bắt đầu nổi lên. Tuy rốt cuộc thế giới đã tránh được sự gián đoạn trên quy mô lớn, tình huống đó đã thúc đẩy Mỹ, châu Âu và Ấn Độ nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc.