Ngành thép nhập siêu gần 4 tỷ USD trong năm 2022
Cán cân thương mại ngành thép nghiêng về nhập siêu
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam đạt 8 tỷ USD, trong khi nhập khẩu lên tới 11,9 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại ngành thép năm 2022 nghiêng về nhập siêu 3,9 tỷ USD.
Cụ thể, trong tháng 12/2022, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 823.000 tấn, tương đương 584 triệu USD, tăng 40% về lượng và tăng 24% về giá trị so với tháng trước. Song so với cùng kỳ năm 2021, sản lượng và giá trị xuất khẩu lần lượt giảm 9% và 39%.
Tính chung năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,4 triệu tấn thép, tương đương gần 8 tỷ USD, giảm 36% về lượng và giảm 32% về giá trị so với năm 2021.
Thị trường xuất khẩu thép chủ yếu của thép Việt Nam là khu vực ASEAN chiếm 36,2%; EU chiếm 18,4%; Mỹ chiếm 10,5%; Hàn Quốc chiếm 6,8% và Hồng Kông (Trung Quốc khoảng 4,1%.
VSA nhận định đây là kết quả của việc phát triển đa dạng xuất khẩu sản phẩm và linh hoạt cơ cấu thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 12/2022, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt 946.000 tấn, tương đương 811 triệu USD, giảm 2% về lượng nhưng ngang mức về trị giá so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, sản lượng nhập khẩu thép tăng 4% song giá trị lại giảm 21%.
Tính chung năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 11,7 triệu tấn với trị giá hơn 11,9 tỷ USD, giảm 6% về lượng nhưng tăng 3% về giá trị so với năm 2021.
Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm Trung Quốc khoảng 41,6%; Nhật Bản chiếm 15%; Hàn Quốc chiếm 12,2%; Đài Loan chiếm 8,8% và Ấn Độ khoảng 6,5%.
Rủi ro phòng vệ thương mại vẫn thường trực
Thống kê của VSA cho thấy trong năm 2022, Việt Nam tiến hành rà soát cuối các vụ việc như AD02, AD01, AD04 và SG04. Trong đó, khởi xướng điều tra 9 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngược lại, có ba vụ kiện liên quan đến thép xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó hai vụ Mỹ kiện chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với ống thép và thép dây không gỉ; một vụ Mexico kiện chống bán phá giá với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.
Tại tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ", ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký VSA cho biết kể từ năm 2018 đến nay, Mỹ đã tiến hành khoảng 5 vụ việc điều tra với thép Việt Nam. Điểm chung nhất trong các vụ việc điều tra liên quan đến việc Việt Nam gia tăng xuất khẩu thép vào thị trường Mỹ. Để bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước, Mỹ có các chính sách phòng vệ thương mại.
“Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan dẫn đến ngành thép Việt Nam thường xuyên phải đối diện với vụ kiện phòng vệ thương mại là chi phí nguyên vật liệu đầu vào sản xuất, chi phí nhân công của Việt Nam đang ở mức thấp, chúng ta có lợi thế về giá hơn so với những nền kinh tế phát triển như Mỹ”, ông Thái cho biết.
Để ứng phó với những vụ việc điều tra của Mỹ, Tổng Thư ký VSA cho rằng Việt Nam cần phải huy động lực lượng từ cơ quan quản lý nhà nước, luật sư… và bản thân các doanh nghiệp cũng cần có nguồn lực tốt để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra.