Thị trường dậy sóng, doanh nghiệp thép sẽ chèo lái thế nào?

H.Mĩ 15:10 | 30/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh hiện tại có nhiều bất ổn, các doanh nghiệp thép đều xây dựng cho mình những sách lược mới để ứng phó.

 Thị trường thép dự báo có nhiều sức ép

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), quý I/2025 là một giai đoạn đầy thách thức đối với ngành thép Việt Nam, với sự đối lập giữa tăng trưởng nội địa và những khó khăn từ thị trường xuất khẩu do các chính sách thương mại bảo hộ như: Tuyên bố mở rộng Đạo luật 232 và thuế đối ứng của Mỹ; EU cũng sẽ cập nhật thay đổi chính sách phòng vệ thương mại trong tháng 3, áp dụng từ 1/4.

Bước sang tháng 4, Canada khởi xướng điều tra chống bán phá giá với dây thép carbon và hợp kim thép nhập khẩu từ Việt Nam. Ấn Độ áp thuế tự vệ tạm thời với thép cán phẳng hợp kim và không hợp kim nhập khẩu.

Đây đều là các thị trường xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam những năm qua, phụ thuộc vào từng mặt hàng. Vì thế, xuất khẩu nhiều mặt hàng thép trong quý I giảm mạnh.

Cụ thể, xuất khẩu các mặt hàng thép thành phẩm giảm 37% xuống 1,4 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu thép HRC giảm mạnh nhất tới 73,5% xuống 198.318 tấn. Tiếp đến, mặt hàng tôn mạ chịu ảnh hưởng lớn thứ hai khi xuất khẩu giảm 41,5% xuống 471.853 tấn.

Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam (H.Mĩ tổng hợp)

Xét về triển triển vọng, năm nay thị trường thép được đánh giá là có nhiều bất ổn. Theo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, Mã: TVN),  thị trường đang trong tình trạng cung vượt cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ân Độ, ASEAN gia tăng. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chịu tác động bởi chính sách chính sách thuế quan và phòng vệ thương mại mới.

Việt Nam đang bị điều tra áp thuế chống bán phá giá sản phẩm thép nhập khẩu vào các nước như Mỹ, Canada, EU, Australia, Malaysia, Thái Lan, Ân Độ, Hàn Quốc,…

Đối với các doanh nghiệp thép xây dựng, nhu cầu tiêu thụ thép phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản. Năm 2025 được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ là năm đầu tiên của chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo VNSteel xu hướng và tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản sẽ chỉ thực sự rõ nét dần từ nửa cuối năm 2025 trở đi.

Đối với các doanh nghiệp thép dẹt và tôn mạ, thị trường xuất khẩu năm 2025 được nhận định không còn thuận lợi do dưới tác động của các chính sách thương mại và thuế quan mới, các nước đối tác sẽ tăng cường chính sách bảo hộ hàng hóa nội địa. Trong nước, thêm nhiều nhà máy thép dẹt mới đi vào hoạt động, dẫn đến áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường nội địa.

Mặc dù vậy, thị trường nội địa vẫn được xem là điểm sáng cho các doanh nghiệp tiêu thép. VSA nhận định thị trường thép Việt Nam trong quý lI/2025 được kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố nội tại.

Theo đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt vào các dự án xây dựng công trình hạ tầng giao thông công cộng. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu lớn về thép xây dựng và các sản phẩm thép khác. Với sự phục hồi dần của nền kinh tế, nhu cầu thép từ các ngành xây dựng dân dụng và sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Các doanh nghiệp đang ứng phó thế nào

Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp thép trong ngành đưa ra những sách lược khác nhau. Với Hoà Phát (Mã: HPG), doanh nghiệp thép có quy mô lớn nhất Việt Nam cho biết, sẽ coi thị trường nội địa là lực đỡ chính nhờ việc tận dụng “sóng” đầu tư công.

Thậm chí sự kỳ vọng về kết quả kinh doanh năm nay tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp những yếu tốt bất ổn. Điều này đi ngược so với tâm lý của các doanh nghiệp khác ngành.

Theo đó, năm nay,  tập đoàn lên kế hoạch doanh thu 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 25% so với thực hiện năm 2024.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG), cho biết năm nay động lực chủ yếu tiêu thụ thép trong nước tiếp tục đầu tư công.

“Trước ngày 2/4 mọi người đang rất lạc quan vì chính sách thúc đẩy nền kinh tế của Chính phủ với mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay và 10% vào năm sau. Nếu tăng trưởng thực tế đúng như mục tiêu thì tình hình kinh doanh của Hoà Phát rất tốt", ông Thắng cho biết.

Ông giải thích, với những nền kinh tế như Việt Nam, khi tăng trưởng 8 - 10% thì vẫn phải đầu tư nhiều vào hạ tầng và đây là ưu tiên hàng đầu. Do đó, nhu cầu thép sẽ rất lớn.

Hoà Phát hiện đang vận hành giai đoạn 1 của dự án Dung Quất 2 và dự kiến sẽ chạy toàn bộ dự án vào quý IV năm nay. Như vậy, với sự góp mặt của Dung Quất 2, ước tính sản lượng HRC tối đa của Hoà Phát có thể đạt khoảng 8,6 triệu tấn kể từ năm 2025. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đang tập trung cho mảng thép chất lượng cao, thép đặc biệt.

Doanh nghiệp này dự định giữ tỷ trọng xuất khẩu dưới 20%, còn lại sẽ tập trung cho nội địa. Trong kịch bản xấu khi sự phục hồi ở thị trường nội địa không như kỳ vọng, Hoà Phát cho biết sẽ sẵn sàng hy sinh biên lợi nhuận để mở rộng thị phần. Doanh nghiệp này có biên lợi nhuận lớn nhất trong ngành nhờ tự chủ được chuỗi sản xuất từ thép thượng nguồn đến các sản phẩm thép hạ nguồn thành phẩm.

Với ông lớn ngành tôn mạ như Hoa Sen, việc tiếp tục tập trung vào hệ thống phân phối vật liệu xây dựng, nội thất Hoa Sen Home sẽ đóng vai trò quan trọng trong năm nay.

Chia sẻ với cổ đông tại cuộc họp diễn ra vào ngày 18/3, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cho biết suốt 10 năm qua, Tập đoàn Hoa Sen tăng trưởng liên tục nhờ xuất khẩu với tỷ trọng đóng góp trên dưới 60%. Tuy nhiên, hàng hoá của Hoa Sen xuất sang Mỹ cùng lúc chịu thuế chống bán phá giá và thuế 25% theo Mục 232.

Ông Vũ cho biết trước đây Hoa Sen xuất khẩu 15.000 - 20.000 tấn mỗi tháng sang Mỹ, còn bây giờ không thể đạt mức này. Thị trường châu Âu cũng rất khó khăn, sản lượng xuất khẩu trước đây 20.000 -30.000 tấn/tháng, bây giờ chỉ còn 15.000 - 20.000 tấn/tháng. Thực trạng này cũng tương tự đối với thị trường Ấn Độ, Malaysia…

Tổng công suất của các cái nhà máy tôn thép mạ ở Việt Nam hiện nay đã gấp ba lần so với nhu cầu thủ thụ trong nước. Do vậy, ông Vũ cho rằng “ngành tôn thép trong thời gian tới giỏi lắm chỉ chỉ có đi ngang, còn xu hướng chung phải là đi xuống”.

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen ví von “những người điều hành doanh nghiệp cũng giống như người chơi cờ, khi thời cuộc thay đổi, ván cờ đã thay đổi thì nước đi cũng phải khác. Bối cảnh hiện nay khôn ngoan nhất là phải quay lại thị trường nội địa và Hoa Sen Home chính là được định hướng để làm điều này. Nếu chỉ duy trì mảng kinh doanh truyền thống thì Tập đoàn Hoa Sen sẽ giảm dần và từ từ biến mất…”.

Người đứng đầu tập đoàn dẫn chứng doanh thu của tập đoàn mỗi năm đạt khoảng 30.000 40.000 tỷ đồng, riêng hệ thống bán lẻ trong năm 2024 đạt trên 20.000 tỷ đồng. Biên lãi gộp của ngành tôn thép cao nhất là 10 – 12%, trong khi biên lãi gộp của mảng bán lẻ là 15 – 30%.

“Không có lý do gì phải nhốt Hoa Sen Home trong Hoa Sen Group, nhất là với khả năng 80% cửa hàng truyền thống phải đóng cửa trong tương lai gần. Tôi tin rằng với dân số  Việt Nam, kinh tế Việt Nam tăng trưởng thì doanh thu của hệ thống Hoa Sen Home đạt một vài tỷ USD là chuyện nhỏ, chúng ta có thể nghĩ đến 10 tỷ USD hoặc hơn”, ông Vũ bày tỏ tham vọng.

Từ 35 cửa hàng đầu tiên đi vào hoạt động trong năm 2021, đến nay hệ thống Hoa Sen Home đã có 120 cửa hàng trên toàn quốc. Mục tiêu trong năm 2025 là mở mới 20 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 140. Tiếp đến giai đoạn 2026 – 2030 sẽ mở thêm 25 - 35 cửa hàng mỗi năm để tiến đến cột mốc 300 cửa hàng vào năm 2030.

Niên độ 2024 - 2025, tập đoàn Hoa Sen xác định tập trung ổn định sản xuất kinh doanh, đặc biệt là mảng tôn thép truyền thống. HĐQT lập hai kịch bản kinh doanh cho năm 2025. Ở kịch bản thứ nhất, sản lượng mục tiêu 1,8 triệu tấn; doanh thu thuần 35.000 tỷ và lãi sau thuế hợp nhất 400 tỷ. Ở kịch bản thứ hai, sản lượng mục tiêu 1,95 triệu tấn; doanh thu thuần 38.000 tỷ và lãi sau thuế hợp nhất 500 tỷ.

 

Một doanh nghiệp cùng ngành khác với Hoa Sen là Nam Kim (Mã: NKG) lựa chọn hướng đi tập trung vào các sản phẩm ít chịu áp lực cạnh tranh. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra tuần trước, lãnh đạo của Nam Kim cũng nhận định rằng hiện ngành tôn mạ canh tranh rất khốc liệt. 

Do đó, chiến lược của công ty là phát triển các dòng sản phẩm mới, đa dạng hơn như. Theo đó, dự án nhà máy Phú Mỹ sắp đi vào hoạt động đóng vai trò quan trọng khi sản xuất các sản phẩm cấp, ít cạnh tranh, phục vụ cho công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô, cơ khí phụ trợ, điện gia dụng…

Nguyên nhân là bởi hiện tại các doanh nghiệp tôn mạ lớn của Việt Nam, trừ doanh nghiệp FDI, hiện chủ yếu tập trung phân khúc sản phẩm phục vụ cho ngành xây dựng. Do đó, chiến lược của Nam Kim sẽ giảm bớt áp lực cạnh tranh, đồng thời biên lợi nhuận cũng cao hơn.

Nam Kim xác định chiến lược trọng tâm năm 2025 là nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu – đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có biên lợi nhuận cao, như tôn mạ cao cấp cho ngành công nghiệp, ô tô và đồ gia dụng.

Năm 2025, Thép Nam Kim đặt mục tiêu doanh thu 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 440 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận giảm hơn 21% so với năm 2024. Công ty kỳ vọng tiêu thụ 1,05 triệu tấn thép, tăng nhẹ so với mức 1,02 triệu tấn đã đạt được.

Kế hoạch thận trọng được đưa ra giữa bối cảnh thị trường thép vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Ban lãnh đạo đánh giá ngành thép sẽ tiếp tục hồi phục nhưng mức tăng chưa có dấu hiệu tích cực chắc chắn.

Nguồn: Wichart, Nam Kim (H.Mĩ tổng hợp)

Đối với doanh nghiệp Nhà nước như VNSteel, việc đầu tư nâng cấp các nhà máy là điều cần thiết trong bối cảnh các trang thiết bị tại nhiều đơn vị thành viên đã quá lạc hậu.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc VNSteel, cho biết các cơ sở sản xuất thuộc công ty thành viên của Tổng Công ty đã tới hạn và nhiều năm qua không thể tăng trưởng công suất. Hầu hết nhà máy có tuổi thọ lên tới 20 năm, mới nhất cũng khoảng 10 năm, năng lực sản xuất đến hạn.

Do đó, tổng công ty có kế hoạch đổi mới công suất, đòi hỏi phải tăng cường đầu tư, trong đó có việc đầu tư thép Nhà Bè, góp vốn đầu tư dự án mới. Kế hoạch đầu tư này rất cần thiết và sẽ thay đổi sức cạnh tranh của công ty về dài hạn.

Năm nay doanh nghiệp dự kiến chi hơn 555 tỷ đồng để đầu tư mua sắm, nâng cấp tài sản cố định của công ty mẹ.

Trong đó, VNSteel đầu tư 542 tỷ đồng để phục vụ đầu tư dự án mới như tăng vốn điều lệ tại CTCP thép Nhà Bè đầu tư dự án sản xuất thép cán xây dựng bổ sung công đoạn luyện phôi 150.000 tấn/năm; mua lại 6% vốn góp của các đối tác nước ngoài tại Tôn Phương Nam; góp vốn đầu tư 1 nhà máy sản xuất luyện cán thép công suất 500.000 tấn/năm tại phía Nam.

“Chiến lược của VNSteel trong thời gian tới là giữ vững thị trường trong nước bằng việc giữ lượng tiêu thụ như năm ngoái song song các giải pháp tiết giảm chi phí, mở rộng xuất sang các thị trường khác như Trung Đông và Châu Phi. Và chúng tôi cũng sẵn sàng cạnh tranh ở thị trường trong nước”, ông Đa cho biết.

Năm nay công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 280 tỷ đồng. Con số này giảm khoảng 6% so với thực hiện năm 2024 xét về doanh thu và giảm 22% về lợi nhuận.

Mục tiêu lợi nhuận này cao hơn 100 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu được công bố vào hồi đầu tháng 4, trong khi doanh thu giữ nguyên.

 Nguồn: Wichart, VNSteel (H.Mĩ tổng hợp)