Thị trường thép châu Á quý III có thể vẫn đối mặt dư cung, nhu cầu yếu?

H.Mỹ 07:43 | 21/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo S&P Global Commodity Insights, thị trường thép châu Á có thể tiếp tục diễn biến ảm đạm trong quý III, khi các bên tham gia theo sát diễn biến liên quan đến thuế quan của Mỹ, trong bối cảnh các trung tâm tiêu thụ lớn bước vào mùa thấp điểm do thời tiết hè và mùa mưa.

 

Báo cáo của hãng nghiên cứuS&P Global Commodity Insights cho biết dù tâm lý thị trường có phần cải thiện nhờ các biện pháp hạn chế sản lượng thép tại hai khu vực sản xuất trọng điểm của Trung Quốc là Đường Sơn và Sơn Tây hồi đầu quý 3, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy các biện pháp này đủ mạnh để điều chỉnh sự mất cân đối cung – cầu.

Thép cuộn cán nóng và phôi thép bị áp lực bởi xuất khẩu Trung Quốc

Giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại châu Á dự kiến sẽ dao động trong biên độ hẹp trong quý III do áp lực dư cung và biên lợi nhuận nhà máy suy giảm. Trước hàng rào thương mại ngày càng tăng nhằm vào thép HRC xuất khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là tại Việt Nam và Hàn Quốc, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã chuyển hướng sang Nam Mỹ và Trung Đông. Tuy vậy, tổng khối lượng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay vẫn giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 12,1 triệu tấn, theo số liệu Hải quan Trung Quốc.

Không chỉ sản lượng, giá xuất khẩu cũng chịu áp lực. Chênh lệch giữa giá HRC xuất khẩu và giá nội địa tại Trung Quốc chuyển sang dương vào cuối tháng 3 nhưng nhanh chóng trở lại mức âm khi bước vào quý II, cho thấy bán hàng trong nước mang lại lợi nhuận cao hơn.

Tâm lý yếu trong thị trường HRC cũng gây áp lực lên giá phôi thép thượng nguồn. Tính theo giá CFR Đông Nam Á, chênh lệch giữa HRC và phôi đã nới rộng từ 36 USD/tấn hồi tháng 3 lên 44 USD/tấn vào tháng 6. Đáng chú ý, mức chênh lệch này đã tăng liên tục trong hai năm qua, từ mức âm 20 USD/tấn hồi tháng 2/2024, theo dữ liệu của Platts.

Ngoài ra, nhiều nước như Trung Quốc và Nhật Bản tích cực chào bán phôi do tiêu thụ HRC chậm. Số lượng giao dịch giao ngay, chào mua, chào bán và chào giá đối với phôi Trung Quốc và Nhật Bản theo điều kiện CFR Đông Nam Á tăng mạnh lên 14 trong quý 2, từ chỉ 4 trong quý 1, theo dữ liệu Platts.

Xuất khẩu phôi thép của Trung Quốc được dự báo tiếp tục ở mức cao

Theo S&P GlobalCommodity Insights, giá phôi thép tại châu Á nhiều khả năng tiếp tục chịu áp lực trong quý III do xuất khẩu phôi từ Trung Quốc tăng vọt. Trong quý II, giá phôi 5SP (130 mm, CFR Manila) được Platts ghi nhận ở mức 448 USD/tấn, giảm 3% so với quý trước, thấp hơn so với mức giảm 6% trong quý I. Xu hướng giảm đã tiếp tục trong quý II nhưng biên độ thu hẹp nhờ giá nguyên liệu thô ổn định.

Tổng lượng xuất khẩu phôi của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm đạt 2,64 triệu tấn, gấp gần 8 lần cùng kỳ năm 2024, theo số liệu hải quan. Chênh lệch giá giữa thép cây (rebar) và phôi FOB Trung Quốc đã thu hẹp còn 22 USD/tấn trong quý II, so với mức 27–33 USD/tấn hồi đầu năm. Mức chênh này đã tiệm cận với chi phí gia công phôi thành thép cây tại Trung Quốc (20–25 USD/tấn), thúc đẩy các nhà máy ưu tiên xuất khẩu phôi hơn là thép cây.

Xuất khẩu bán thành phẩm tăng cao đã thu hút sự chú ý của cơ quan chức năng Trung Quốc, nhưng giới phân tích cho rằng việc siết chặt xuất khẩu là điều không dễ. Một đại diện nhà máy lớn tại Trung Quốc nhận định: “Tất cả các nhà sản xuất thép đều đang vật lộn để tồn tại. Nếu có chính sách cấm xuất khẩu bán thành phẩm, giá thép trong nước sẽ lao dốc.”

Trung Quốc đã xóa bỏ thuế xuất khẩu 10% với phôi thép từ tháng 1/2019. Kể từ đó, khối lượng xuất khẩu tăng mạnh, từ 31.340 tấn năm 2021 lên 3,29 triệu tấn năm 2024, trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản trong nước gặp nhiều khó khăn.

Dù xuất khẩu HRC giảm, sự gia tăng của xuất khẩu phôi phần nào giúp giảm áp lực dư cung. Ông Paul Bartholomew, chuyên gia phân tích cao cấp tại Commodity Insights, cho biết: “Tăng trưởng xuất khẩu thép thành phẩm của Trung Quốc đã kéo dài hơn dự kiến, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn tháng 1–5. Xuất khẩu sẽ tiếp tục đóng vai trò như van xả áp lực cung.”

Ông cũng dự báo tiêu thụ thép nội địa của Trung Quốc sẽ giảm 2% trong năm nay, trong khi sản lượng thép thô tính đến nay giảm 1,7%. Ngoài ra, Trung Quốc dự kiến đưa vào vận hành thêm 182 triệu tấn công suất thép/năm trong giai đoạn 2025–2026.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng cảnh báo rằng giá thép trong nước Trung Quốc khó có thể tăng bền vững nếu không có cải thiện về nhu cầu. Một thương nhân tại Singapore nhận định: “Tăng giá bền vững không thể chỉ dựa vào cắt giảm nguồn cung. Dù Trung Quốc có kiểm soát sản xuất, giá vẫn chịu áp lực nếu thị trường nhận ra năng lực sản xuất chưa sử dụng còn lớn.”

Dù quan hệ thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu hạ nhiệt, thị trường vẫn lo ngại khi chưa có tuyên bố cuối cùng về chính sách thuế đáp trả của Mỹ, dự kiến công bố vào tháng 8.

Áp lực từ phôi thép đè nặng giá phế liệu tại châu Á

Nguồn cung phôi cũng ảnh hưởng đến thị trường phế liệu sắt tại châu Á, ngay cả khi giá phế liệu tại Mỹ – nước xuất khẩu lớn nhất thế giới – đã ổn định sau khi Mỹ áp thuế 50% đối với thép nhập khẩu hôm 30/5.

Giá phế liệu sắt tại châu Á giảm trong quý 2 do phôi cạnh tranh hơn và chi phí sản xuất cao. Chỉ số thép phế liệu HMS 1/2 80:20 theo điều kiện CFR Đài Loan do Platts theo dõi đã giảm từ mức đỉnh 319 USD/tấn ngày 13/3 xuống còn 294 USD/tấn ngày 30/6.

Giá điện mùa hè tăng cao tại Đài Loan từ tháng 6 khiến các nhà máy thép dùng lò điện hồ quang chuyển sang mua phôi thay vì phế liệu.

Bên cạnh đó, lượng phôi nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc tăng mạnh, làm gia tăng cạnh tranh và kéo giá phế liệu xuống. Chênh lệch giá giữa phôi và phế liệu chạm đáy năm nay ở mức 133 USD/tấn hôm 9/4, sau đó ổn định quanh mức 150–153 USD/tấn từ ngày 13/6.