Ngành thép vẫn chưa hết khó: Loạt doanh nghiệp tiếp tục lỗ lớn quý II, biên lợi nhuận Hoà Phát và Nam Kim hồi phục mạnh

Hoàng Kiều 13:40 | 05/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trái ngược với sự phục hồi ở Hoà Phát và Nam Kim, Thép Pomina, SMC và VNSteel tiếp tục báo lỗ lớn quý II trong bối cảnh giá liên tục giảm từ đầu quý II và nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vẫn thấp.

Quý II/2023, tiêu thụ thép nội địa không được cải thiện nhiều so với quý trước do thị trường trong nước vẫn yếu. Giá thép giảm chung theo giá thép thế giới.

Tổng thép xây dựng và thép cán nóng - cán nguội tiêu thụ nội địa của toàn thị trường Việt Nam trong quý đều giảm so với quý I/2023. Tiêu thụ thép xây dựng chỉ đạt 2 triệu tấn, thấp nhất từ năm 2022 trở lại đây và thấp hơn 8% so với quý I (2,2 triệu tấn) cho thấy chưa có sự thay đổi rõ ràng từ thị trường bất động sản trong nước và đầu tư công.

Sự phục hồi kém so với kỳ vọng của cầu thép Trung Quốc là rất rõ ràng khi các doanh nghiệp thép của nước này đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu và hạ giá để cạnh tranh gây áp lực cho giá bán thép thế giới. Cùng với nhu cầu yếu tại hầu hết các khu vực trên thế giới, giá thép xây dựng đã hạ liên tiếp trong quý II sau khi tăng vào quý I. Tại Việt Nam, chỉ trong quý II, giá bán thép cây đã trải qua 11 nhịp điều chỉnh giảm liên tiếp và rớt xuống mức thấp hơn mức đáy của năm 2022.

Nhìn chung, ngành thép trong nước chưa có khởi sắc về tiêu thụ nhưng áp lực về giá thành đã được xoa dịu đi phần nào nhờ giá đầu vào giảm.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

 

 

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ dữ liệu báo cáo tài chính.

Đứng đầu về tiêu thụ thép xây dựng và ống thép ở Việt Nam, doanh thu thuần của Hoà Phát đạt 29.496 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 11% so với quý I.

Quý II, doanh thu thuần từ mảng thép của Hòa Phát đạt 28.120 tỷ đồng, bằng gần 80% so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng đã cải thiện, tăng 13% so với quý I. Doanh thu xuất khẩu tăng từ 4.067 tỷ lên 10.439 tỷ, nâng tỷ trọng xuất khẩu từ 15% lên 35% trên tổng doanh thu hợp nhất tập đoàn.

 

 

Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu báo cáo tài chính hợp nhất.

Trong khi doanh thu bán hàng của Hòa Phát quý này tăng 8% so với quý trước, giá vốn hàng hóa và thành phẩm đã bán chỉ tăng 3%. Hòa Phát cho biết việc điều chỉnh mức tồn kho xuống thấp từ cuối năm ngoái đã giúp giá than và quặng đưa vào sản xuất thép phản ánh khá sát và tận dụng được các bước giảm của thị trường, đặc biệt đối với giá than, nhờ đó hạ giá thành sản xuất thép đáng kể so với những kỳ trước đó. Do đó, mặc dù giá thép giảm, biên lợi nhuận Hòa Phát vẫn được cải thiện trong quý này.

Lợi nhuận tập đoàn cũng phục hồi quý thứ hai liên tiếp sau khi lỗ lớn nửa cuối năm ngoái. Quý II, Hoà Phát lãi ròng 1.460 tỷ, bằng 36% cùng kỳ song đã tăng gấp hơn 3,6 lần quý I.

Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu báo cáo tài chính hợp nhất.

Còn Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần giảm 29% so với cùng kỳ còn 8.646 tỷ đồng song đã tăng gần 24% so với quý II.

Tuy nhiên, biên lãi gộp của Hoa Sen còn 10,3%, giảm mạnh so với mức 13,4% quý I. Lợi nhuận ròng giảm sâu còn 14 tỷ, giảm hơn 91% so với quý đầu năm và bằng 5% cùng kỳ 2022.

6 tháng đầu năm, Hoa Sen tiếp tục đứng số 1 thị phần về tiêu thụ tôn mạ với 26,6% và đứng thứ hai về thị phần ống thép (11%), xếp sau Hoà Phát.

 

 

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ dữ liệu báo cáo tài chính.

Thép Nam Kim - đơn vị chiếm 17,7% thị phần tôn mạ, xếp thứ ba toàn thị trường, ghi nhận sản lượng suy giảm so với cùng kỳ nên doanh thu thuần chỉ bằng 3/4 quý II/2022, đạt 5.500 tỷ. Song doanh thu quý II đã tăng 26% so với quý I.

Sau ba quý thua lỗ liên tiếp, Nam Kim ghi nhận lãi ròng 125 tỷ quý II, giảm 38% so với quý II/2022. Biên lợi nhuận gộp và biên lãi thuần của Nam Kim tiếp tục hồi phục, đạt lần lượt 9% và gần 2,3%.

Trái ngược với sự phục hồi lợi nhuận ở nhóm ba ông lớn, CTCP Thép Pomina (Mã: POM), Công ty Cổ phần Ðầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC), Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN) tiếp tục báo lỗ lớn quý II.

SMC ghi nhận doanh thu thuần giảm 15% so với quý I còn 3.291 tỷ đồng và chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái khi giá bán và sản lượng cùng suy giảm.

Kinh doanh dưới giá vốn cùng với việc gia tăng trích lập dự phòng các khoản phải thu từ các công ty trong Tập đoàn Novaland (Mã: NVL) khiến SMC lỗ ròng 392 tỷ quý II sau khi có lãi trong quý I.

Còn với VNSteel, dù sản lượng tiêu thụ giữ đà tăng liên tục trong tháng 5 và tháng 6, nhưng tổng sản lượng chung cả quý II chỉ đạt 655.600 tấn thép thành phẩm các loại, bằng 99% so với quý trước và giảm 19% so với cùng kỳ.

Giá liên tục giảm từ đầu quý II, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thấp khiến VNSteel phải cắt giảm sản xuất. Kết quả, doanh thu thuần quý II giảm 29% so với cùng kỳ còn 6.754 tỷ đồng. Lỗ lớn từ các công ty liên doanh, liên kết khiến VNSteel lỗ ròng 255 tỷ đồng quý II.

Quý II, chứng kiến doanh thu tiêu thụ thép nội địa của Pomina chỉ còn chưa tới 5 tỷ, cùng kỳ năm ngoái đạt 1.782 tỷ đồng, là nguyên chính khiến tổng doanh thu của Pomina chỉ bằng 21% so với quý II năm ngoái.

Kinh doanh dưới giá vốn đồng thời chi phí lãi vay lên tới 227 tỷ quý II đã ăn mòn lợi nhuận khiến Pomina lỗ ròng 350 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 5 thua lỗ của công ty.

 Nguồn: Báo cáo tài chính của Pomina.