Ngành xây lắp - đầu tư công đang bứt tốc: Đâu là cổ phiếu đáng chú ý?

Nga Chen 07:27 | 02/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Backlog của các nhà thầu lớn tăng kỷ lục, đưa loạt mã đầu tư công như VCG, HHV, LCG, C4G, FCN vào 'tầm ngắm' của nhà đầu tư nhờ định giá còn hấp dẫn so với triển vọng bứt phá.

Theo báo cáo của Mirae Asset, năm 2025, Chính phủ giữ mục tiêu tăng trưởng GDP 8 %, cao hơn mọi dự báo quốc tế và coi giải ngân đầu tư công 825,9 nghìn tỷ đồng (+21 % so với kế hoạch 2024) là động lực chính. Cả 100% kế hoạch vốn đã được giao sớm từ 4/12/2024, giúp 5 tháng đầu năm 2025 giải ngân 199,3 nghìn tỷ đồng, tăng 38,8 % so với cùng kỳ; riêng Bộ Xây dựng ghi nhận tiến độ cải thiện liên tiếp từ tháng 3 đến tháng 5.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025: So sánh các dự báo từ IMF, World Bank, Fitch Solutions, ADB và Chính phủ Việt Nam.

Nợ công 2024 ở 37 % GDP , xa trần 60 % – tạo “dư địa” tài khóa cho đầu tư hạ tầng. Lộ trình phát triển đến 2030 phân bổ thêm 35 tỷ USD cho đường bộ, 16,5 tỷ USD cho sân bay, 13 tỷ USD cho cảng biển, 10 tỷ USD cho đường sắt; riêng dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam (67 tỷ USD) dự kiến khởi công 2027 – 2035 . Những con số trên định vị chu kỳ bùng nổ mới cho nhóm doanh nghiệp xây lắp sở hữu năng lực thi công lớn và “backlog” dày. 

  Giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng theo năm: Dữ liệu và triển vọng cho ngành xây dựng.

Theo bảng so sánh của Fiinpro – Mirae Asset, tỷ lệ giá trị hợp đồng dở dang (backlog) so với doanh thu xây dựng năm 2024 của các doanh nghiệp xây dựng có sự phân hóa rõ rệt. Trong đó, VCG và HHV nổi bật khi cùng giữ tỷ lệ backlog/doanh thu ở mức xấp xỉ 3 lần – cao vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại như LCG (1,6 lần), C4G (1,5 lần) hay FCN (1,3 lần).

Mức backlog cao cho thấy VCG và HHV đang sở hữu lượng công việc đã ký kết đủ đảm bảo nguồn thu trong ít nhất 2–3 năm tới. Điều này càng đáng chú ý khi mặt bằng giá vật liệu xây dựng hiện chỉ tăng nhẹ 1–4% tùy loại, giúp ổn định biên lợi nhuận.

Có thể xem đây là “vốn liếng” quý giá, tạo lợi thế lớn cho VCG và HHV trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt về nguồn việc và chi phí đầu vào. Dưới đây là phân tích cụ thể hơn từng mã cổ phiếu tiêu biểu trong nhóm ngành này.

 

Vinaconex (VCG) là một trong những doanh nghiệp xây dựng và đầu tư hạ tầng uy tín tại Việt Nam, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực xây lắp, bất động sản và hạ tầng kỹ thuật – trong đó mảng xây lắp giữ vai trò cốt lõi, đóng góp phần lớn doanh thu và lợi nhuận nhờ năng lực thi công mạnh và kinh nghiệm lâu năm. Backlog hiện 21,3 nghìn tỷ đồng, bao trùm cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành, vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội. Ba hợp đồng mới ký đầu 2025 nâng tổng giá trị thêm 26,8 nghìn tỷ đồng.

Dự báo năm 2025, VCG sẽ đạt doanh thu khoảng 14.600 tỷ đồng (+13% so với cùng kỳ), lợi nhuận gộp 2.800 tỷ đồng (+40%), tương ứng EPS 2.012 đồng, P/E dự phóng 10,3 lần và ROE đạt 11,3%. Biên lợi nhuận gộp cao từ mảng bất động sản (khoảng 66%) giúp dự kiến hơn một nửa lợi nhuận năm 2025 sẽ đến từ hai dự án trọng điểm: Chợ Mơ và Green Diamond. Ngoài ra, công ty còn tiềm năng ghi nhận thêm lợi nhuận lớn từ việc bán một phần dự án Cát Bà Amatina từ năm 2026 trở đi.

Đèo Cả (HHV) có thế mạnh từ các dự án BOT, mang lại dòng tiền ổn định. Trong quý I/2025, doanh thu mảng BOT đạt 526 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ, với biên lợi nhuận gộp cao 69,8%. Mảng xây dựng hiện có backlog gấp khoảng 3,3 lần doanh thu xây dựng năm 2024, giúp đảm bảo nguồn thu dài hạn, tập trung vào các dự án trọng điểm như cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn và Vành đai 3 TP.HCM. Dự báo năm 2025, công ty đạt doanh thu 3.600 tỷ đồng (+9%) và lợi nhuận sau thuế 543 tỷ đồng (+10%), tương ứng EPS 1.146 đồng, P/E dự phóng 10,6 lần.

CTCP Lizen (LCG), tiền thân là Licogi 16, được thành lập từ năm 2001 với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng. Hiện công ty hoạt động chính trong 3 lĩnh vực: hạ tầng giao thông, bất động sản, và năng lượng tái tạo & xây dựng. Năm 2024, mảng xây dựng chiếm đến 98% tổng doanh thu. LCG đang sở hữu backlog 4.400 tỷ đồng, tương đương 1,6 lần doanh thu xây dựng năm 2024, tập trung vào các dự án lớn như cao tốc Vân Phong – Nha Trang, Hữu Nghị – Chi Lăng, Biên Hòa – Vũng Tàu và vành đai 4 Hưng Yên.

Dự báo năm 2025, doanh thu đạt khoảng 2.990 tỷ đồng (+6%), lợi nhuận sau thuế 134 tỷ đồng (+10%), tương ứng EPS 692 đồng và P/E dự phóng 13,7 lần. Biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng duy trì ở mức cao (~12%) – thuộc nhóm dẫn đầu ngành, tuy nhiên công ty vẫn đối mặt với rủi ro giá vốn tăng nhanh.

C4G là đơn vị chuyên thi công nền móng sân bay Long Thành và nhiều đoạn cao tốc Bắc – Nam. Hiện công ty có lượng công việc còn lại (backlog) trị giá 4.200 tỷ đồng, tương đương 1,5 lần doanh thu, cho thấy tiềm năng tăng trưởng rõ rệt. P/E quý I/2025 ở mức 18,7 lần – thấp hơn mức trung bình 5 năm là 23,8 lần, phản ánh dư địa tăng giá cổ phiếu nếu lợi nhuận tiếp tục cải thiện. Dự báo năm 2025, doanh thu đạt khoảng 3.700 tỷ đồng (+17%), lợi nhuận gộp đạt 499 tỷ đồng (+9,7%).

Fecon (FCN) tập trung vào thi công địa kỹ thuật và cọc khoan sâu cho các dự án điện gió, thủy lợi. Backlog hiện đạt 3.800 tỷ đồng, tương đương 1,3 lần doanh thu năm 2024. Dù P/E hiện khá cao (214 lần) do lợi nhuận ở mức thấp, nhưng biên lợi nhuận gộp đang phục hồi nhờ vào các hợp đồng kỹ thuật chuyên biệt có giá trị cao.

Triển vọng và rủi ro: Giai đoạn 2025–2030, ngành xây dựng – hạ tầng được hỗ trợ mạnh mẽ bởi ba yếu tố chính: giải ngân đầu tư công tăng tốc, lượng công việc còn lại (backlog) lớn, và chính sách tài khóa mở rộng. Đây là những chất xúc tác quan trọng giúp ngành duy trì đà tăng trưởng. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với một số rủi ro như: giá nguyên vật liệu biến động, thủ tục giải ngân chậm, cạnh tranh khốc liệt khi đấu thầu dự án và thanh khoản bất động sản yếu. Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp có: backlog lớn và đã chứng minh năng lực thi công, biên lợi nhuận gộp ổn định để chống chọi với biến động chi phí, cấu trúc tài chính lành mạnh và an toàn. 

Đánh giá đầu tư: Về mặt định giá, VCGHHV là hai cổ phiếu hấp dẫn nhất với P/E dự phóng khoảng 10 lần – khá thấp nếu so với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số. LCGC4G đang duy trì mức định giá hợp lý trong khoảng 14–18 lần. Riêng FCN phù hợp với nhà đầu tư ưa tăng trưởng dài hạn, nhưng lợi nhuận (EPS) còn biến động do nền lợi nhuận hiện tại thấp. Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021–2025, nhóm cổ phiếu xây dựng – hạ tầng, đặc biệt là VCG và HHV, được xem là “đòn bẩy” trực tiếp hưởng lợi từ làn sóng đầu tư hạ tầng mới của Việt Nam.