Nghệ An siết chặt việc hoạt động của các cơ sở sản xuất, KCN trong đại dịch
Ngày 21/8, Sở Y tế Nghệ An đã đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam; Sở Công Thương và UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp (CSSXKD, KCN) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế, của tỉnh đã ban hành.
Để ngăn chặn và xử lý kịp thời các nguy cơ lây nhiễm COVID-19, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp trên địa bàn phải thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá (quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia về “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá") đồng thời xây dựng kế hoạch và phương án Phòng chống dịch COVID-19 tại đơn vị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Yêu cầu toàn bộ người lao động trong các CSSXKD, KCN xét nghiệm bằng Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hàng tuần
Căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá để xem xét quyết định cho phép bộ phận, dây chuyền, phân xưởng của CSSXKD hoặc toàn bộ CSSXKD có được tiếp tục sản xuất hoặc dừng sản xuất để khắc phục đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm túc việc quản lý người lao động và tổ chức vận chuyển người lao động theo quy định.
Yêu cầu toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho CSSXKD trong khu công nghiệp (bao gồm các dịch vụ ăn uống, dịch vụ khách sạn, lưu trú cho chuyên gia, vận chuyển vật tư, hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì máy móc...) xét nghiệm bằng Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hàng tuần và báo cáo kết quả cho Trung tâm Y tế địa phương.
Cùng với đó các CSSXKD, KCN phảiTest nhanh kháng nguyên hoặcbằng phương pháp RT-PCRít nhất cho 20% người lao động khi đơn vị chưa có ca mắc COVID-19, ít nhất 50% người lao động khi có ca mắc COVID-19. Kiểm soát chặt chẽ việc đi và đến từ khu vực có dịch hoặc tham gia các sự kiện tập trung đông người có nguy cơ cao của người lao động; yêu cầu phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong khu công nghiệp và những người liên quan.
Kiểm soát chặt chẽ việc đi và đến từ khu vực có dịch hoặc tham gia các sự kiện tập trung đông người có nguy cơ cao của người lao động
Các phương tiện vận chuyển người lao động đảm bảo các quy định phòng, chống dịch, thực hiện tốt 5K đồng thời giãn cách (sử dụng dưới 50% công suất vận chuyển), nếucó cửa sổ phải mở, hạn chế sử dụng điều hòa, vệ sinh khử khuẩn phương tiện sau mỗi lần đưa đón người lao động.
Nếu có ca mắc COVID-19 tại CSSXKD, KCN, trước khi đưa các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đi cách ly y tế thì phải thực hiện phân nhóm theo từng dây chuyền, phân xưởng sản xuất và mức độ nguy cơ tiếp xúc; những nhóm có cùng nguy cơ bố trí cách ly y tế trong cùng phân khu cách ly.
Sở Y tế Nghệ An đề nghị Sở Công Thương phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam và UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các CSSXKD trên địa bàn tiếp tục đánh giá an toàn COVID-19, xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch và cập nhật trên bản đồ an toàn COVID-19. Kiên quyết yêu cầu tạm dừng hoặc tham mưu UBND tỉnh tạm dừng hoạt động đối với các CSSXKD không đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.
Như đã đưa tin, do tình hình phức tạp của dịch Covid-19 khi liên tiếp có các ca nhiễm trong cộng đồng, ngày 19/8, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định thiết lập cách ly xã hội 14 huyện, thành thị và thiết lập khu vực giãn cách xã hội với 7 địa phương còn lại. Tính từ ngày 13/6 đến nay, Nghệ An đã ghi nhận 993 ca dương tính ở 21 địa phương. Lũy tích số BN điều trị đã khỏi bệnh, ra viện, chuyển tuyến trên: 326. Lũy tích số BN tử vong: 01. Số BN hiện đang điều trị: 666.
Doanhnghiệp, người lao động “khó càng thêm khó”
Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) cho biết, do phải thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp phải điều chỉnh quy mô sản xuất, cắt giảm lao động; bố trí lao động ăn, nghỉ tập trung tại nhà máy, làm việc trực tuyến tại nhà hoặc phải bố trí xe đưa đón công nhân tập trung.
Doanh nghiệp buộc phải tạm dừng tiếp nhận, tuyển dụng lao động ngoại tỉnh, các chuyên gia người nước ngoài từ các địa bàn có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất và kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, kéo theo hàng ngàn người lao động buộc phải tạm thời nghỉ việc.
Cùng với đó, việc doanh nghiệp phải gồng mình vì các khoản phí tăng cao mỗi tháng, gây áp lực rất lớn về nguồn tài chính cho các doanh nghiệp vì ngoài việc phải bố trí nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch thì các doanh nghiệp còn phải đảm bảo thực hiện tổ chức xét nghiệm sàng lọc COVID-19 định kỳ hàng tuần 20% tổng số người lao động theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tiến hành các test nhanh, PCR 3 ngày/lần đối với số lao động đi qua các chốt kiểm soát...
Do dịch kéo dài khiến chi phí dịch vụ vận chuyển từ đường hàng không, đường bộ, đường thủy đều tăng cao dẫn đến nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá cả tăng cao, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch và tiến độ sản xuất của các doanh nghiệp.
Các thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước bị giảm sút, tình hình xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm đến thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới bị hạn chế cắt giảm, các phương tiện vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm đi qua các địa bàn bị phong tỏa gặp nhiều khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao làm tăng giá thành sản phẩm… đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, kéo theo nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động.
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu kép vừa duy trì sản xuất vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp phải tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có để bố trí hàng ngàn lao động ăn nghỉ tập trung tại nhà máy, số còn lại phải bố trí xe đưa đón tập trung hoặc làm việc tại nhà. Điều kiện sinh hoạt tại nhà máy thiếu thốn kéo dài, thời tiết nóng bức, phải xa gia đình, thường xuyên phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tất cả những điều nói trên đã gây tâm lý bức xúc, ức chế cho người lao động, làm giảm năng suất và chất lượng lao động.
Một lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam cho rằng, trong thời gian TP. Vinh thực hiện cách ly xã hội theo Chị thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc yêu cầu người lao động đi qua chốt kiểm tra phải có giấy xét nghiệm trong thời hạn 3 ngày đã làm các doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều kinh phí và mất nhiều thời gian để xét nghiệm cho người lao động (số lượng này rất đông và chủ yếu tại Khu công nghiệp Bắc Vinh (1.708 người được bố trí xe đưa đón tập trung, chiếm 26,5%), đặc biệt Công ty CP May Minh Anh- Kim Liên (1.600 người, chiếm 53,3%.
Ông cũng cho rằng: "Khu công nghiệp là nơi tập trung đông người với mật độ rất cao, khó kiểm soát, nguy cơ rủi ro cao; để đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì sản xuất kinh doanh ổn định; không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Do vậy, đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An sớm có phương án ưu tiên bố trí nguồn Vaccine để tiêm phòng COVID-19 cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp tập trung đặc biệt là các địa bàn có nguy cơ cao như các Khu công nghiệp: Bắc Vinh, Nam Cấm, VSIP... trong thời gian sớm nhất".
Trong khi đó, công tác chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn còn một số bất cập, chưa thống nhất, còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp như: Một số xã ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn không cho người lao động rời khỏi địa phương để đi làm, nếu đi làm về thì phải cách ly 21 ngày; Theo quy định, việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất khi đi qua các chốt ra vào địa bàn tỉnh yêu cầu người lái xe phải có giấy xét nghiệm, nhưng có một số chốt khi trình giấy xét nghiệm của tỉnh khác thì không được chấp nhận.
Huy Hùng
Xem thêm: Nghệ An: Chống dịch với phương châm “cao hơn một mức, sớm hơn một bước”