Nghị định 100 sau 1 năm ban hành: Doanh nghiệp rượu bia Việt chịu nhiều “hà khắc”

21:04 | 08/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bị tác động sau 1 năm ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tiếp đó là sự chi phối của Luật Quảng cáo, Nghị định 24, doanh nghiệp rượu bia nước giải khát Việt nhận thấy phải chịu nhiều “hà khắc”.
Nghi dinh 100
Ảnh minh họa
 

Giảm nguồn thu ngân sách khoảng 30 nghìn tỷ đồng

 
Thống kê của Hiệp hội Bia-Rượu nước giải khát (VBA) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành bia, rượu, nước giải khát bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch COVID-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tiếp đó là chịu sự chi phối của Luật Quảng cáo nên sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn bủa vây.
 
Mặc dù đang có sự tham gia của hơn 220.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 60.000 tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên, thống kê của VBA cho thấy nhiều doanh nghiệp giảm sản lượng tiêu thụ đến 40-50%. Một số hàng quán dịch vụ ăn uống giảm đến 70-80% lượng khách so với cùng kỳ năm 2019.
 
Thống kê của Bộ Tài chính cũng cho thấy, chỉ tính riêng ngành bia, nếu như năm 2019, sản lượng bia tiêu thụ là 4 tỷ lít, tuy nhiên, đến năm 2020, con số này đã giảm đến 20%.
 
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2020 Sabeco ghi nhận đạt gần 20.100 tỷ đồng doanh thu, giảm 28,7% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế đạt 3.403 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 3.257 tỷ đồng.
 
Tại Habeco, kết quả kinh doanh lỗ 98,3 tỷ đồng ngay trong quý I/2020. Habeco cho biết, do ảnh hưởng lớn từ tác động kép của quy định về sử dụng rượu bia và đại dịch COVID-19 dẫn tới sản lượng tiêu thụ sụt giảm so với cùng kỳ. Sau hai quý lỗ, sang quí 3 tình hình kinh doanh của Habeco đã sáng hơn nhưng cũng chỉ tăng nhẹ 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
 
Tổng cục Thuế-Bộ Tài chính dự báo, việc giảm tiêu thụ rượu, bia có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 bao gồm việc giảm các khoản đóng góp từ các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có liên quan đến rượu, bia. Điều này sẽ có tác động ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội nói chung, dẫn đến tăng trưởng chậm lại, kéo theo nguồn thu ngân sách từ thuế sẽ giảm.
 

Quá “hà khắc”

 
Tại Diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát" vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA nhấn mạnh: Hiện nay dư luận đang có một cái nhìn chưa đúng về bia rượu và tác hại của nó. Trong những quy định của pháp luật được ban hành cũng có những điểm quá “hà khắc” bởi bia, rượu chỉ có tác hại khi nó bị lạm dụng quá mức.
 
“Nếu quy định của pháp luật về phòng chống, theo tôi nên phòng chống việc lạm dụng bia, rượu”, ông Việt nêu quan điểm.
 
Dẫn dắt thực chứng, Chủ tịch VBA chia sẻ, Việt Nam không phải là nước có mức tiêu thụ bia, rượu như truyền thông và dư luận đã đưa ra, mà hiện nay, chúng ta chỉ là một trong những nước có mức tiêu thụ ở cấp độ trung bình thấp trong khu vực.
 
“Theo thống kê của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2010 – 2016, con số tiêu thụ của chúng ta chỉ là 3,9 – 4,5 lít/người/năm, thế nhưng, cùng thời điểm, con số thống kê của WHO lại là 4,7 – 8,3 lít/người/năm, đây là những thông tin không đảm bảo tính khách quan, dẫn đến cái nhìn sai lệch từ định nghĩa, đánh giá đến ban hành các quy định của pháp luật”, ông Việt dẫn chứng.
 
 
Nghi dinh 100 1
Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA 
 
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng khẳng định Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm 2020 đã đặt ra các quy định chặt chẽ hơn đối với tiếp thị và quảng cáo bia, cũng như áp dụng các hình phạt nặng hơn khi điều khiển phương tiện giao thông dưới ảnh hưởng của bia, rượu với bất kỳ nồng độ cồn nào trong máu và hơi thở.
 
Có thể nói đây là bài toán nan giải đòi hỏi nhiều thay đổi trong chiến lược sản phẩm, quảng cáo, và tái lập thói quen tiêu thụ của người dùng. Quan sát tác động của Nghị định 100, cho thấy lưu lượng khách đến các quán ăn giảm rõ rệt và người dân có xu hướng chuyển sang các loại nước uống khác như nước suối, nước có ga...
 
Cùng với đó, theo ông Long, Luật Quảng cáo, Nghị định 24 ban hành ngày 24/02/2020 đưa ra các quy định khắt khe hơn trước về quảng cáo rượu bia, cụ thể liên quan đến quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15% và bia; hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu bia trong các tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình và thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập thông tin và mua rượu bia.
 
Đơn cử, việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15% và bia phải gắn kèm các nội dung cảnh báo: “Uống rượu bia có thể gây tai nạn giao thông”, “Uống rượu bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi” và “Người dưới 18 tuổi không được uống rượu bia”. Luật này cũng tác động đáng kể vào quá trình người làm marketing và công ty làm maketing lên chiến lược, sáng tạo và thực hiện các quảng cáo cho nhãn hàng bia rượu.
 

Phải có một khái niệm đúng về tác hại bia, rượu và cách phòng ngừa

Cũng tại Diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát", ông Nguyễn Văn Việt khẳng định: “Chúng ta đưa ra chính sách đúng khi quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống bia, rượu, tuy nhiên, cần phải có một khái niệm đúng về tác hại bia, rượu và cách phòng ngừa để có thể đưa ra các quy định ở mức độ khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tiễn thì chính sách mới đi vào cuộc sống. Nhất là khi năm 2020, các doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19”.

 

Nghị định 100 sau 1 năm ban hành: Doanh nghiệp rượu bia Việt chịu nhiều “hà khắc” - ảnh 1

Ảnh minh họa
 

 
Ông Việt đưa ra con số thống kê: Theo thống kê, năm 1990, mức tiêu thụ tại Việt Nam là 1,5 lít/người, nhưng cho đến nay con số này đã lên tới 40 lít/người, mức tăng này hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển truyền thống.
 
Trả lời câu hỏi việc xử phạt có ngăn chặn được tình trạng vi phạm giao thông không, ông Việt cho rằng điều này đúng về mặt lý thuyết, cấm người sử dụng rượu bia để tham gia giao thông là đúng. Nhưng phải làm sao để chứng minh được tỷ lệ tai nạn giao thông giảm là do Nghị định 100 mới là điều quan trọng.
 
“Tôi cho rằng chúng ta cần cho phép tỷ lệ nhất định, không nên siết hoặc xử phạt quá chặt để vừa có thể đảm bảo an toàn giao thông nhưng cũng đảm bảo nhu nhu cầu của người dân", ông Việt nói.
 
Đồng thời đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sản xuất các sản phẩm có độ cồn thấp hoặc không có độ cồn để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phù hợp với quy định của pháp luật và góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
 
Chuyên gia Ngô Trí Long đề xuất: Để giải quyết những khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc chi phí để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn; điều chỉnh phương thức tiếp cận thị trường theo hướng sản xuất những dòng bia mới, hoặc có thêm những sản phẩm thay thế để tránh tác động từ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
 
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Danh Huế – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông đưa ra khuyến nghị tại Diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát": Cần thay đổi ngay những chính sách tác động tiêu cực lên ngành công nghiệp này bởi vì ngành bia rượu nước giải khát hiện đang sử dụng hơn 220.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp. Hàng năm, toàn ngành đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 60.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hơn 60% người lao động bị mất công ăn việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách của Nhà nước.
 
Theo Luật sư Huế, mục tiêu của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đưa ra là đúng đắn, có nhiều điểm tiến bộ, tuy nhiên, một số điều khoản chưa hợp lý. Ví dụ như, cứ có nồng độ cồn trong máu là xử phạt, như vậy rất khiên cưỡng, vội vàng, ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, tới doanh nghiệp...
Được biết, trước đó, VBA đã có công văn gửi Thủ tướng cùng các Bộ ngành nhằm kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bia, rượu, nước giải khát.
 
VBA đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét giảm một số loại thuế, phítrong thời gian bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 để tạo điều kiện các doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 
 
Minh Hoa