Nghị định 32/2019 tạo thuận lợi cho DN tư nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ công

10:20 | 30/05/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nghị định 32/2019/NĐ-CP được ban hành ngày 10/4/2019  không chỉ đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập mà còn đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công, tạo thuận lợi cho DN tư nhân tham gia.

Nghị định 32/2019 tạo thuận lợi cho DN tư nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ công - ảnh 1
Họp báo chuyên đề Giới thiệu về Nghị định 32/2019/NĐ-CP. Ảnh: Bảo Long/DNVN
Giới thiệu về Nghị định 32 tại cuộc họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức chiều 29/5, ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp nhấn mạnh: Nghị định số 32 được bố cục thành 5 chương và 30 điều, trong đó quy định cụ thể, rõ ràng về các điều kiện, phương thức thực hiện hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu dịch vụ công và dịch vụ công ích.

Nghị định đã quy định một cách toàn diện, thống nhất về các vấn đề liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công, tạo công bằng, minh bạch trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.

Nghị định được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các nội dung phù hợp tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg. Những quy định trong Nghị định 32 khắc phục những tồn tại, hạn chế, chồng chéo trong các quy định tại 2 văn bản này như trùng lắp nguồn kinh phí chi thường xuyên cho cùng một nội dung; một danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN nhưng lại có hai khái niệm khác nhau và tổ chức thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng khác nhau...

Với việc quy định rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu; trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập và nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công khác; trách nhiệm của cơ quan theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, Nghị định không chỉ đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập mà còn đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia.

Cụ thể, đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ công, khi thực hiện theo hình thức đấu thầu, các đơn vị sẽ được giao cụ thể về số lượng, đơn giá và đặc biệt, các đơn vị phải có đơn giá cạnh tranh, đảm bảo chất lượng dịch vụ do mình cung cấp.

“Điều đó sẽ làm tăng trách nhiệm sử dụng ngân sách cho đơn vị, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm tra, đánh giá được hiệu quả sử dụng ngân sách. Thông qua đó sẽ đổi mới cơ cấu ngân sách đầu tư cho dịch vụ công; đổi mới phương thức quản lý, quản trị của đơn vị sự nghiệp’, ông Trường nói.

Đối với các doanh nghiệp tư nhân hoặc các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của Nhà nước, Nghị định 32 quy định một cách toàn diện, thống nhất về các vấn đề liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công, tạo công bằng, minh bạch, giúp thành phần kinh tế tư nhân có điều kiện tham gia tốt hơn.

Nghị định 32 nêu rõ: Đối tượng áp dụng, ngoài những đơn vị sự nghiệp công còn có các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức, đơn vị; hợp tác xã có tư cách pháp nhân, các cá nhân hành nghề độc lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật có chức năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công phù hợp với yêu cầu.

Doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia đấu thầu rộng rãi cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Điều 20  Luật Đấu thầu, trừ trường hợp đấu thầu  hạn chế cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Điều 21 Luật Đấu thầu.

Tại cuộc họp báo, các chuyên gia đều nhấn mạnh khi vai trò của khu vực tư nhân trong tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công được đề cao, thành phần kinh tế này thường chủ động xây dựng cơ chế khuyến khích tốt nhất cho các nhà thầu xây dựng, nhà thầu và/hoặc bộ phận vận hành dự án thông qua cơ chế thưởng, phạt; tiết giảm đến mức tối đa các cấp quản lý từ đó góp phần giảm đáng kể thời gian và chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của dự…

Chính khu vực tư nhân cũng góp phần quan trọng trong việc đổi mới cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ công sẽ mang đến nhiều lợi ích. Điều này phù hợp với chủ trương “thoái sức” Nhà nước ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công không cần thiết, thu gọn bộ máy quản lý nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi.

Thực tế, hiện còn rất nhiều dịch vụ công đang do các cơ quan nhà nước thực hiện trong quy trình gần như khép kín, gắn với chức năng quản lý nhà nước, như các hình thức cấp phép, thẩm định năng lực. Cách làm này nhiều khi đẩy cơ quan nhà nước vào thế vừa làm luật, vừa giám sát và vừa là người chơi. Hệ quả là nguy cơ gây ra tình trạng không minh bạch, cơ chế xin-cho, “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Trong khi đó, trong nhiều trường hợp, khu vực tư nhân thể hiện vai trò sử dụng hiệu quả đồng vốn tốt hơn so với khu vực công.

Bên cạnh điểm mới tích cực của Nghị định 32, đại diện cho Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp lưu ý: Trong thời gian đầu, các cơ quan, đơn vị sẽ gặp một vài khó khăn khi triển khai thực hiện Nghị định. Thay vì giao dự toán như trước đây, các cơ quan, đơn vị phải tổ chức, sắp xếp lại dịch vụ sự nghiệp công để lựa chọn hình thức thực hiện. Tuy nhiên, khi đã đi vào nề nếp, việc triển khai sẽ thuận lợi, nâng cao trách nhiệm, ý thức sử dụng ngân sách.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và địa phương trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định 32 nhằm đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nghị định có hiệu lực từ 1/6/2019 và áp dụng từ ngân sách năm 2019.