Người cựu binh gần 10 năm bảo vệ đàn voọc gáy trắng ở Quảng Bình

22:06 | 01/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông "Tú Voọc" ở huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) người lính biên phòng về hưu gần 10 năm, tự nguyện đứng ra để bảo vệ những đàn voọc Hà Tĩnh, loài động vật được xếp vào mức nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Ngăn chặn thợ săn, bảo vệ voọc quý
 
Ông tên thật là Nguyễn Thanh Tú (SN 1962, trú tại thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa). Ông Tú có gần 30 năm phục vụ trong quân ngũ, thuộc lực lượng biên phòng, nay đã về hưu.
 
Ông là một trong những người đầu tiên phát hiện có đàn voọc đen gáy trắng xuất hiện tại xã Thạch Hóa. Nói về cái duyên với những đàn voọc gáy trắng, ông Tú cho biết, vào năm 2012, sau một lần lên núi, ông bất chợt nhìn thấy một đàn linh trưởng đang chuyền mình giữa các cành cây.
 
Người cựu binh gần 10 năm bảo vệ đàn voọc gáy trắng ở Quảng Bình - ảnh 1
Với kinh nghiệm của một người lính biên phòng, ông Tú nhận ra đây chính là đàn voọc gáy trắng quý hiếm, hay còn gọi là voọc Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

“Hôm đó tôi đang nằm nghỉ thì nhìn thấy gần chục con linh trưởng lông đen, đuôi dài, hai má và gáy có lông trắng, đỉnh đầu có chòm lông đen hất lên. Lúc đó tôi đoán đây chính là loài voọc gáy trắng quý hiếm. Chính vì vậy, tôi muốn bảo vệ loài linh trưởng này, ngăn chặn những ai muốn săn bắn chúng”, ông Tú kể lại.
 
Từ ngày phát hiện đàn voọc gáy trắng, ông Tú ngày nào ông cũng lên núi, len lỏi vào các lèn đá với mong muốn sẽ tìm thêm được những đàn voọc khác; đồng thời theo dõi, ngăn chặn những người đến để săn bắn loài linh trưởng quý này.
 
Bên cạnh đó, ông Tú Voọc còn đem toàn bộ kiến thức về loài voọc, giải thích rõ với những người thường xuyên săn bắn động vật. Với những nỗ lực của mình, người lính biên phòng đã hoàn toàn cảm hóa, xóa bỏ những ý định săn bắn voọc của nhiều người. Không chỉ vậy, ông còn vận động được thêm 4 người dân khác tại địa phương tự nguyện cùng ông bảo vệ đàn voọc Hà Tĩnh.
 
Người cựu binh gần 10 năm bảo vệ đàn voọc gáy trắng ở Quảng Bình - ảnh 2
Voọc gáy trắng có tên khoa học là Trachypithecushatinhensis, thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng, loài động vật hoang dã được bảo vệ tại phụ lục II, Công ước CITES 2008; nằm trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP và trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
 
“Chúng tôi làm việc này là tự nguyện, muốn góp một chút sức lực cho việc bảo tồn thiên nhiên. Việc làm của chúng tôi cũng có lần bị người ta dè bỉu, nói chúng tôi rảnh việc, lo chuyện bao đồng. Cũng không ít lần chúng tôi bị chính những người đi săn đe dọa”, ông Nguyễn Văn Hồng, một thành viên khác trong nhóm bảo vệ voọc chia sẻ.
 
Không chỉ bảo vệ cho loài voọc khỏi sự săn bắn, đánh bẫy của các thợ săn, ông Tú và những cộng sự của mình còn chăm sóc những chú voọc hết sức kỹ lưỡng. Ông thường xuyên ghi chép, đếm số lượng đàn và cá thể để theo dõi sự phát triển của loài linh trưởng này. 
 
Vào thời điểm hạn hán khốc liệt, lo ngại đàn voọc khô khát, nhóm của ông Tú mỗi ngày đều xách từng can nước leo lên các lèn đá, đổ vào các hốc lèn, duy trì nước uống cho đàn Voọc.
 
Gian nan chuyện bảo tồn bền vững
 
Sau một thời gian được bảo vệ nghiêm ngặt bởi ông Tú và nhóm bảo vệ cộng đồng do ông lập ra, đàn voọc Hà Tĩnh ở Thạch Hóa sinh sôi một cách nhanh chóng. Từ chỗ chỉ có một đàn với khoảng hơn 10 cá thể mà ông Tú nhìn thấy năm 2012, đến nay hầu như tất cả các lèn đá ở Thạch Hóa đều ghi nhận có sự xuất hiện của những đàn voọc, khoảng 11 đàn với gần 150 cá thể.
 
Người cựu binh gần 10 năm bảo vệ đàn voọc gáy trắng ở Quảng Bình - ảnh 3
Ông Tú Voọc (ngoài cùng bên phải) người lính biên phòng về hưu gần 10 năm, tự nguyện đứng ra để bảo vệ những đàn voọc Hà Tĩnh
 
Sự phát triển về số lượng cá thể voọc gáy trắng ở Thạch Hóa cũng đang gây được sự chú ý của các nhà nghiên cứu sinh vật trong nước và quốc tế. Rất nhiều người đã tìm đến Thạch Hóa để tìm hiểu, chụp ảnh, hay đơn giản chỉ để ngắm nhìn những chú voọc Hà Tĩnh.
 
Trước sự xuất hiện của voọc gáy trắng, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm Quảng Bình cũng đã tiến hành cắm biển cấm săn bắt dưới mọi hình thức đối với loài động vật này ở khu vực núi đá vôi của xã Thạch Hóa; đồng thời tuyên truyền thường xuyên đến người dân trên địa bàn.
 
Tuy nhiên đối với những người đang hằng ngày bảo vệ, gắn bó với những đàn voọc như ông Tú, ông Hồng, họ mong có nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa để giữ gìn, bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm.
 
Theo ông Tú, khu vực đàn voọc sinh sống vẫn thường có người dân đi vào bởi đây không phải là khu vực cấm. Mỗi lần có người lên núi, ông Tú và những người trong nhóm lại phải gọi điện í ới nhau tìm hiểu vì sợ họ xâm hại đàn voọc.
 
Người cựu binh gần 10 năm bảo vệ đàn voọc gáy trắng ở Quảng Bình - ảnh 4
Hiện tại, tất cả các lèn đá ở Thạch Hóa ghi nhận có sự xuất hiện của những đàn voọc, khoảng 11 đàn với gần 150 cá thể.
 
“Mình cũng chỉ khuyên bảo không bẫy voọc chứ không có quyền cấm họ lên núi. Họ cứ nói đi lấy mật ong những có bẫy voọc hay không mình không biết, thế nên phải giải thích, khuyên họ và ngăn chặn nếu thấy có hành vi. Mới đây còn có người vác cả súng lên bắn, khi chúng tôi báo với công an họ mới chịu bỏ đi.
 
Là người yêu quý voọc, hiểu được sự nguy cấp của loài động vật này, chúng tôi mong muốn các cấp sớm khoanh vùng khu vực đàn voọc sinh sống. Có thể thành lập tiểu khu bảo tồn để không ai xâm phạm đến loài động vật này”, ông Tú bày tỏ.
 
Với những đóng góp trong việc phát hiện và bảo vệ đàn voọc đen gáy trắng tại xã Thạch Hóa, ông Nguyễn Thanh Tú đã được nhận Bằng khen từ Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Bình. Một người khác trong nhóm tự nguyện bảo vệ đàn voọc là ông Nguyễn Văn Hồng cũng từng được UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen.
 
Người cựu binh gần 10 năm bảo vệ đàn voọc gáy trắng ở Quảng Bình - ảnh 5
Sự phát triển về số lượng cá thể voọc gáy trắng ở Thạch Hóa cũng đang gây được sự chú ý của các nhà nghiên cứu sinh vật trong nước và quốc tế.
 
Ông Phạm Hồng Thài, Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, từng trăn trở voọc đen gáy trắng sinh sống tại Tuyên Hóa đối mặt với những thách thức lớn về vùng sống, nguồn thức ăn, các tác động gây ảnh hưởng trực tiếp như: săn bắn, xâm lấn sinh cảnh, khai thác đá, khai thác củi... 
 
Các áp lực trên dễ dẫn đến nguy cơ giảm số lượng loài rất cao. Ông Thái muốn phát triển du lịch vùng Thạch Hoá, vừa nâng cao đời sống nhân dân, vừa tạo điều kiện cho khách tham quan, chiêm ngưỡng loài Voọc, có như vậy mới bảo vệ bền vững được loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này.
 
Voọc gáy trắng có tên khoa học là Trachypithecushatinhensis, thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng, loài động vật hoang dã được bảo vệ tại phụ lục II, Công ước CITES 2008; nằm trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP và trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
 
Ngoài ra, Voọc gáy trắng là loài quý hiếm có trong Sách Đỏ thế giới IUCN và Việt Nam đang ở mức nguy cấp. Đây là loài linh trưởng đặc hữu của vùng núi đá vôi Việt Nam.
 
Vũ Hoàng - Cẩm Kỳ