Người dân Quảng Bình yên tâm chống dịch nhờ mô hình đi chợ hộ

16:13 | 06/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Do tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã triển khai mô hình “đi chợ hộ” mang lại hiệu quả cao.

"Đưa chợ về tới gia đình"

Xã Thanh Trạch có duy nhất một khu chợ đầu mối, đó là chợ Thanh Hà đóng tại thôn Thanh Khê. Nhưng do xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng từ các tiểu thương buôn bán hải sản nên phải đóng cửa để dập dịch.

Địa phương rộng lớn có số lượng dân số đông nên chợ đầu mối và cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, bách hóa, trang trại… đóng cửa. Vấn đề cần phải giải quyết nhanh khâu tiếp tế nhu yếu phẩm tới người dân, chính quyền địa phương này đã chủ động triển khai mô hình "đi chợ hộ".

UBND xã Thanh Trạch ban hành quyết định về việc thành lập bộ phận cung ứng hàng hóa

Ngày 30/8 xã Thanh Trạch đã ban hành quyết định 198/QĐ-UBND về việc thành lập bộ phận cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho người dân trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Mục đích, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, quyết không để bà con thiếu đói, đứt bữa, trước diễn biến dịch đang phức tạp. Việc cung ứng hàng hóa phải đảm bảo số lượng, chủng loại phục vụ cho đời sống người dân. Đội ngũ tình nguyện viên phải thực hiện nghiêm công tác phòng dịch.

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó chủ tịch xã Thanh Trạch cho biết: Để đảm bảo phòng dịch xã đã thành lập bộ phận cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân gồm: ông Nguyễn Trí Tuệ, phó chủ tịch xã - trưởng bộ phận; bà Hoàng Thị Thu Dung, cán bộ văn hóa - phó bộ phận; bà Lưu Thị Uých công chức văn phòng thống - kê bộ phận; bà Nguyễn Thị Thương Thương công chức Tư pháp - thành viên; ông Lưu Văn Thuấn phó bí thư đoàn - thành viên.

Nhiệm vụ của đoàn là rà soát điểm bán hàng, chủ động phối hợp để đánh giá khả năng số lượng hàng hóa cung cấp, tần suất hoạt động để đảm bảo mặt hàng đến điểm chốt. Việc triển khai hỗ trợ người dân chỉ đạo tổ hỗ trợ Covid cộng đồng tình nguyện viên thôn

“Các mặt hàng như rau củ quả và nhu yếu phẩm khác tổ công tác sẽ lấy tại siêu thị Bình Minh; thịt gà, vịt, ngan trang trại anh Tùng thôn Quyết Thắng; nông sản sẽ lấy tại đại lý bà Xuân thôn Quyết Thắng; hải sản Khu hậu cần nghề cá Việt Trung; cá tươi chủ hồ anh Huỳnh thôn Quyết Thắng… Các mặt hàng tổ yêu cầu chủ đơn vị niêm yết giá kèm theo. Để đảm bảo trong công tác vận chuyển xã yêu cầu các tình nguyện viên phải đảm bảo 5K trong quá trình di chuyển ra ngoài” - ông Tuệ cho biết thêm.

Được biết, các mặt hàng nhu yếu phẩm được gom về tại UBND xã rồi mới phân bố về từng thôn mới đem tới cho từng gia đình.

Yên tâm chống dịch tại chỗ

Việc người dân ở nhà nhiều ngày dẫn đến tâm lý hoang mang vì sợ thiếu thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt. Nhưng xã Thanh Trạch rất kịp thời đáp ứng nhu cầu người dân nên ở địa phương nhà nhà tuân thủ nghiêm không để tình trạng lợi dụng đi mua sắm để ra ngoài với mục đích khác.

Các mặt hàng nhu yếu phẩm được gom về tại UBND xã rồi mới phân bố về từng thôn mới đem tới cho từng gia đình

Do xuất hiện ổ dịch mới, nên công việc dạy học của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Loan, xóm 6 (thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch) cho hay: "Khi dịch bùng phát gia đình đã có mua được một ít thực phẩm dự trữ, nhưng đến nay xã nhà nằm trong "khu vực đỏ" nên tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến thiếu thực phẩm và mặt hàng sử dụng trong gia đình. Những ngày qua địa phương đã có mô hình "đi chợ hộ" chúng tôi rất yên tâm ở nhà thực hiện chống dịch theo chỉ thị 16".

Ngoài những gia đình trẻ có điều kiện dùng điện thoại thông minh để đặt hàng thì những gia đình người cao tuổi, người tàn tật… đều được đội tình nguyện viên thôn đến phát quà hỗ trợ đồng thời hỏi thăm mua sắm nhu yếu phẩm trong gia đình.

Mô hình "đi chợ hộ" khiến người dân yên tâm chống dịch

Ông Trọng Tấn, trú xóm 6, thôn Tiền Phong chia sẻ: "Gia đình toàn người lớn tuổi mắt kém không dùng được điện thoại thông minh để mua hàng, trước đang có ship hàng online nên con ở xa nó còn đặt mua hộ cho, giờ ship hàng cũng cấm để chống dịch nên gia đình cũng thêm phần lo lắng. Nhưng những ngày qua nghe nói xã có triển khai mô hình đi chợ hộ chúng tôi rất an lòng. Nhấc máy gọi cho thôn trưởng là họ cho người đến lấy phiếu đi mua đầy đủ chủng loại thịt, cá, rau, củ quả gì cũng có. Mô hình nó gần như một cái siêu thị di động, bảng giá có sẵn rồi người dân chỉ chọn và mua bao nhiêu là được".

Để chung tay dập dịch nhiều gia đình nằm ngay trung tâm mua sắm nhưng họ vẫn không ra ngoài, như gia đình anh Lê Chiêu Quảng trú thôn Thanh Khê cho hay: Gia đình nằm ở khu vực trung tâm mua sắm. Nhưng để đảm bảo an toàn cho mình cũng như toàn xã hội, gia đình tôi không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, hiện nay xã Thanh Trạch đang thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua tỉnh Quảng Bình đã có văn bản tiếp tục chỉ 16 tại các địa phương đang có người mắc Covid-19 trong đó có xã Thanh Trạch. Với khẩu hiệu chống địch nhưng đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho người dân, xã nhà đã triển khai mô hình "đi chợ hộ" rất kịp thời, tôi thấy mô hình này là rất cần thiết nó cũng là một cách để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Tình nguyện viên Ẹo To nói: “Dù mới hoạt động ngày thứ 5 nhưng người dân phấn khởi đón nhận mô hình này. Chính quyền rất vui và có thêm động lực để giúp dân và cùng chiến thắng dịch bệnh”.

Với khẩu hiệu chống địch nhưng đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho người dân, xã nhà đã triển khai mô hình "đi chợ hộ" rất kịp thời

Ngoài việc đảm bảo nguồn hàng cho mô hình “đi chợ thay dân” đang hoạt động, địa phương còn quan tâm tới các hộ gia đình sản xuất rau xanh, củ quả… tới các tiểu thương, quầy hàng để tiêu thụ. Thậm chí các tình nguyện viên chủ động mua giúp về trang trải trong gia đình hoặc giới thiệu cho anh em hàng xóm, đây là một việc chung tay giải cứu các mặt hàng nông sản đang bị ùn ứ do dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh này.