Người nào được quyền đứng tên sở hữu đất dòng họ
Việc phân chia, đứng tên sở hữu đất dòng họ luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Theo anh Điệp chia sẻ, dòng họ anh gồm 6 chi, hiện đang tranh chấp mảnh đất 128 m2 do tổ tiên để lại. Hiện cả gia tộc đông người mâu thuẫn vì trưởng họ cho rằng chi nào cao hơn sẽ được quyền sở hữu toàn bộ mảnh đất này.
Luật sư Phạm Quốc Bảo (Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) đã tư vấn cho anh Điệp về việc phân chia, đứng tên mảnh đất này như sau. Theo điều 211 Bộ luật dân sự 2015, sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng... cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do thành viên cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.
Đồng thời, khoản 5 điều 100 Luật đất đai 2013 cũng thể hiện cộng đồng dân cư sử dụng đất công trình là dạng đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định ở khoản 3 điều 131 của luật này và đất đó không có tranh chấp, được UBND xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Do đó, nơi thờ cúng là thuộc sở hữu chung của cộng đồng, người đứng tên trên sổ đỏ chỉ là người đại diện đứng tên cho mảnh đất, không phải là người sở hữu mảnh đất đó. Bên cạnh đó, tại điểm i khoản 1 điều 5 Thông tư 23/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là cộng đồng dân cư, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên của cộng đồng dân cư (được UBND cấp xã xác nhận) và địa chỉ nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư đó.
Khi xin sổ đỏ với đất làm nhà thờ họ, cơ quan chức năng sẽ ghi người sử dụng là tên cộng đồng dân cư, do đó quyền lợi của các thành viên trong dòng họ là bình đẳng. Việc trưởng họ cho rằng chi nào cao hơn đương nhiên sở hữu mảnh đất ranh chấp 128 m2 trên là không đúng, bởi trong sổ đỏ sẽ ghi rõ người sử dụng là tên cộng đồng dân cư, và việc phân chia cho các thành viên dòng họ phải bình đẳng, công bằng.
Linh Chi (t/h)