Người sáng lập DOJI Đỗ Minh Phú: Đại gia vàng bạc đá quý sở hữu dòng máu kinh doanh 3 thế hệ
“Ông trùm” vàng bạc, đá quý Đỗ Minh Phú là ai?
Ông Đỗ Minh Phú sinh ngày 11 tháng 09 năm 1953, tại Yên Bái, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội - ngành vô tuyến điện tử. Hiện nay, ông là người sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong TPBank và Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông từng kiêm hai chức vụ Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc suốt một thời gian dài trong Tập đoàn DOJI. Sau khi trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng TPBank vào ngày 20/4/2018, theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng, ông quyết định thôi làm chủ tịch của DOJI cùng với 5 doanh nghiệp khác là Công ty VBĐQ SJC Hà Nội; Công ty VBĐQ SJC Đà Nẵng; Công ty cổ phần Đá quý và Vàng Yên Bái; CTCP Đầu tư và thương mại Bông Sen Đỏ; Công ty TNHH Đầu tư BĐS DOJILand.
Chân dung người sáng lập Tập đoàn DOJI từ con số 0
Ngoài ra, ông nắm giữ một số chức danh ở các tổ chức phi doanh nghiệp khác như Phó chủ tịch hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, Đại sứ của Hiệp hội Đá quý quốc tế tại Việt Nam và Phó Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ.
Là đại diện của CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, ông Đỗ Minh Phú nắm trong tay 44,400,000 cổ phiếu TPBank, chiếm tỷ lệ 04.3%, tính đến tháng 3 năm 2018. Với số cổ phiếu này, theo giá trị cập nhật tại tháng 4 năm 2021, khối tài sản trên thị trường chứng khoán của ông lên tới 1,294.3 tỷ VNĐ.
Trong gia đình ông, con trai Đỗ Minh Đức và ái nữ Đỗ Vũ Phương Anh cũng lần lượt sở hữu 10,665,573 cổ phiếu TPB tới tháng 6 năm 2019 cho mỗi người. Giá trị cổ phiếu tương ứng lên tới 310.9 tỷ VNĐ/người.
Cơ duyên bước vào ngành vàng bạc, đá quý cùng dòng máu kinh doanh truyền suốt 3 thế hệ
Trong một buổi chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Minh Phú cho biết, thành công của mình hôm nay có một phần là do dòng máu kinh doanh từ xa xưa truyền lại trong huyết quản.
Bà nội ông là người làm ăn cơ trí, tham công tiếc việc. Bà có 300 mẫu ruộng, 100 chum mật và cả một đoàn khai thác gỗ. Cha ông là cán bộ về hưu nhưng vẫn tâm huyết thành lập doanh nghiệp năm 73 tuổi, tới khi ông cụ 90 tuổi vẫn điều hành công ty.
Tới đời mình, ông Đỗ Minh Phú cũng trở thành một nhà khoa học làm doanh nhân. Như nhiều người nhận xét, ông không chỉ say mê nghiên cứu mà còn nhạy cảm với thương trường, biết biến những ý tưởng của mình thành cơ hội kinh doanh và tạo ra các sản phẩm cần thiết cho thị trường.
Ban đầu, ông Đỗ Minh Phú được cử đi học ở Liên Xô nhưng do một số nhầm lẫn, ông không có tên trong giấy gọi nhập học. Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu đã “bù đắp” cho ông bằng cách viết giấy cho phép chọn bất cứ khoa nào của Đại học Bách Khoa.
Ông Phú quyết định theo đuổi ngành vô tuyến điện tử - khoa học máy tính. Trong suốt một thời gian dài sau khi tốt nghiệp, ông công tác tại trung tâm chuyên xử lý hình ảnh, các số liệu viễn thám (ảnh chụp vệ tinh).
Tại đây, với chuyên môn cao lại giỏi tiếng Anh, ông được GS. Nguyễn Văn Hiệu cử làm Tổng giám đốc một công ty liên doanh giữa viện khoa học Việt Nam với công ty Thái Lan, nghiên cứu về công nghệ xử lý đá quý, sau đó là Tổng giám đốc một công ty nước ngoài cùng lĩnh vực. Đây là tiền đề khiến ông nhận ra nhiều tiềm năng phát triển trong ngành và chính thức bén duyên với việc kinh doanh trong ngành vàng bạc, đá quý.
Ông đạt được nhiều thành tựu lớn trong ngành vàng bạc, đá quý cùng DOJI
Năm 1994, bất chấp mức lương 300USD ở chức vụ Giám đốc, một con số không nhỏ ở thế kỷ 20, ông Đỗ Minh Phú đã thành lập doanh nghiệp riêng về đá quý.
Bước đầu khởi nghiệp, ông chỉ có trong tay số vốn vô cùng ít ỏi là khoảng 200 triệu đồng. Số tiền tích cóp có được từ những năm làm việc ở Viện khoa học Việt Nam và những lần công tác nước ngoài của ông
Cơ sở ban đầu của công ty cũng chỉ là một ngôi nhà nhỏ, ở ngõ nhỏ là số 2,ngõ 69 phố Đặng Văn Ngữ, diện tích mặt bằng khoảng 60-70 m2 với vài chục công nhân. Đây chính là bệ phóng thành công, tiền thân cho Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD và sau này là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI. Tại công ty, ông vừa là Chủ tịch HĐQT, vừa kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, là người đưa ra những quyết sách chính để lãnh đạo cả công ty.
Năm 2007, ông xây dựng DOJI Plaza tại Hà Nội - là trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý.
Năm 2009, DOJI và chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sau quá trình tiến hành tái cấu trúc, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Tập đoàn DOJI nhanh chóng vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực vàng bạc đá quý, mở rộng phát triển đầu tư đa ngành và luôn nằm trong TOP 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong suốt cả thập kỷ đó.
Để đạt được những dấu mốc tăng trưởng bền vững như vậy, ông Đỗ Minh Phú biết rằng, kinh doanh vàng miếng không nên là chiến lược lâu dài của DOJI. Thay vào đó, ông tập trung phát triển mảng kinh doanh trang sức, đá quý.
Sau khi khẳng định vị thế uy tín và chất lượng thương hiệu DOJI, ông quyết định mở rộng các hoạt động đầu tư đa ngành, lấn sân các lĩnh vực tiềm năng như bất động sản, dịch vụ nhà hàng, kiểm định - đào tạo và đặc biệt là tài chính ngân hàng với ngân hàng TPBank.
Tập đoàn DOJI cũng là nơi khai sinh và cho ra đời nhiều doanh nghiệp lớn trong đó phải kể đến Công ty CP Diana, Bông Sen Đỏ, Bất động sản DOJILand, Công ty CP Artex Sài Gòn…
Năm 2018, sau khi trở thành Chủ tịch Ngân hàng TPBank, ông Phú quyết định rời khỏi vị trí điều hành của Tập đoàn DOJI. Song là người sáng lập nên đế chế kinh doanh này, ông vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cộng sự tại DOJI để vạch ra con đường đến đích thành công.
Thành công tiếp nối khi “rót máu mới” tại Ngân hàng TPBank
Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, Ngân hàng Tienphong Bank, nay là TPBank, từng là 1 trong 9 ngân hàng TMCP phải tái cơ cấu. Ở thời điểm cam go, ông Phú và em trai Đỗ Anh Tú thành công kết thúc thương vụ M&A đình đám khi bán lại thương hiệu Diana cho một công ty Nhật Bản. Cả hai đã đầu tư rất nhiều “tiền tươi thóc thật” vào đây để tiến hành tái cơ cấu.
Ông Đỗ Minh Phú trong buổi Lễ kỷ niệm của Ngân hàng TPBank
Bản thân ông Phú cho rằng, quyết định lúc đó giống như “lao đầu vào đá”. Bản thân ngân hàng TPBank ở thời điểm đó có rất nhiều vấn đề, điển hình là 3 “Không”: Không có cách đúng, cách chuẩn để phát triển của một NHTM; Không có một đội ngũ lãnh đạo đủ năng lực; Không có đủ công nghệ.
Sử dụng nguồn tiền khoảng 184 triệu USD từ thương vụ M&A Diana, ông Phú đã trực tiếp đóng vai trò điều hành chủ chốt, là kiến trúc sư trưởng quyết tâm xây dựng lại ngân hàng TPBank. Vượt qua rất nhiều thử thách cuối cùng đã tái cơ cấu thành công, giờ đây, TPBank đã trở thành một ngân hàng có lợi nhuận lớn với mức định giá gần 20.000 tỷ đồng.
Trong kế hoạch những năm tới, vị Chủ tịch HĐQT khẳng định sẽ tập trung vào mũi nhọn ngân hàng điện tử với những mấu chốt như mobile banking và QR payment để đưa TPBank vào top 5 ngân hàng mạnh nhất Việt Nam.
Những cột mốc sự nghiệp 31 năm của ông Đỗ Minh Phú
1990 - 1992: Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Đá quý VIGEMTEC.
Từ năm 1992 đến năm 1994 : Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Đá quý VIGEMTEC
1993 - 1994: Trưởng phòng nghiên cứu Công nghệ xử lý Đá quý Viện Khoa học Vật liệu, Viện Khoa học Việt Nam.
1994 – 2006: Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công nghệ & Thương mại TTD.
Từ năm 1994 đến năm 2007 : Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD
Từ năm 2007 đến năm 2018 : Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI
2018– nay: Chủ tịch HĐQT TPBank
Ông từng làm: Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý SJC Hà Nội.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý SJC Đà Nẵng.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Hàng tiểu thủ Công nghiệp Sài Gòn (Artex Sài Gòn)
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà An.
Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư N&G - Chủ đầu tư khu công nghiệp hỗ trợ phía Nam Hà Nội HANSSIP.
Ông chính mà minh chứng minh thành công trên thương trường từ một nhà khoa học
Lọt TOP 24 doanh nhân xuất sắc - Bản lĩnh doanh nhân Việt Nam
Bản thân người sáng lập Tập đoàn DOJI từng khẳng định rằng, ông rất ngưỡng mộ ý chí tự lập tự cường của doanh nhân Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ có được khao khát để định vị thương hiệu trên bản đồ kinh tế thế giới, là động lực để làm nên những thương hiệu nổi tiếng khắp toàn cầu.
Thông qua đó, ông cũng thể hiện mong muốn được đưa thương hiệu Việt vươn ra ngoài biển lớn, để lại những dấu ấn quan trọng mang tầm cỡ quốc tế.
Ở độ tuổi hơn 60, trong khi nhiều đại gia bắt đầu thoái ẩn, tìm về với cuộc sống điền viên vui vầy bên con cháu thì ông Đỗ Minh Phú vẫn tiếp tục cống hiến cho kinh doanh, viết tiếp các chương sau của cuốn sách sự nghiệp đời mình.
Nhờ có bản lĩnh và ý chí như vậy, ông Đỗ Minh Phú đạt rất nhiều giải thưởng doanh nhân như là:
Lọt top 24 doanh nhân xuất sắc giải thưởng Ernst & Young;
Doanh nhân Thương mại dịch vụ xuất sắc;
Doanh nhân tiêu biểu - Cúp Thánh Gióng có thành tích xuất sắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, có đóng góp to lớn cho ngân sách Nhà nước, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động…
Xem thêm: Chân dung người kế nghiệp đế chế `kiềng 3 chân` siêu khủng: Vàng - ngân hàng - bất động sản của DOJI
Phương Thúy