Nguồn cung từ Trung Quốc làm dịu khủng hoảng năng lượng ở châu Âu?
Trung Quốc, nhà mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, đang bán lại một số lô hàng LNG dư thừa trong bối cảnh nhu cầu năng lượng nội địa yếu ớt. Điều này vô hình chung bổ sung nguồn cung mà châu Âu đang tìm kiếm bất chấp giá cao hơn.
Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty nghiên cứu Kpler. Với kim ngạch nhập khẩu 53 triệu tấn LNG, châu Âu đã vượt qua Trung Quốc và Nhật Bản trở thành nền kinh tế nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, đồng thời nâng tỷ lệ lấp đầy các kho chứa khí đốt trong khu vực lên đến 77%.
Nếu quỹ đạo hiện tại tiếp tục, châu Âu có khả năng đạt được mục tiêu đã đề ra là lấp đầy 80% các cơ sở lưu trữ khí đốt của mình vào tháng 11, trước thềm mùa đông.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại khiến nhu cầu năng lượng sụt giảm đã mang đến cơ hội cho châu Âu lấp đầy kho dự trữ nguồn cung năng lượng cần thiết trước mùa đông. Nhưng các chuyên gia cảnh báo ngay khi hoạt động kinh tế Trung Quốc phục hồi trở lại, tình hình có khả năng nhanh chóng đảo ngược. Thêm nữa, việc nhập khẩu nhiều hơn khí đốt từ Trung Quốc cũng có nguy cơ khiến châu Âu phụ thuộc vào năng lượng Trung Quốc. Dù vậy, điểm sáng tức thời là châu Âu có thể tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng nhãn tiền.
Tập đoàn JOVO của Trung Quốc, một nhà kinh doanh LNG lớn, gần đây tiết lộ rằng họ đã bán lại một lô hàng LNG cho một khách hàng châu Âu. Một nhà giao dịch ở Thượng Hải nói với Nikkei Asia rằng lợi nhuận thu được từ một giao dịch như vậy có thể lên tới hàng chục triệu USD hoặc thậm chí hàng trăm triệu USD.
Tập đoàn lọc dầu lớn nhất Trung Quốc Sinopec Group cũng thừa nhận trong một cuộc họp báo vào tháng 4 rằng họ đã bán lại một phần dự trữ LNG dư thừa vào thị trường quốc tế.
Truyền thông Trung Quốc cho biết chỉ riêng Sinopec đã xuất khẩu 45 chuyến hàng LNG, tương đương khoảng 3,15 triệu tấn trong thời gian qua. Tổng lượng LNG của Trung Quốc đã được bán lại có thể là trên 4 triệu tấn, tương đương 7% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu trong nửa đầu năm.
Có nhiều nguyên nhân khiến Trung Quốc vốn là nhà nhập khẩu LNG hàng đầu trở thành nhà xuất khẩu.
Thứ nhất, nền kinh tế chững lại do các biện pháp kiểm dịch COVID-19 nghiêm ngặt đã làm suy yếu nhu cầu trong nước. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Trung Quốc trong nửa đầu năm chỉ đạt 2,5%.
Xuelian Li, nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Marubeni cho biết: “Chính sách phòng dịch nghiêm ngặt ở các đô thị đã dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu về nhiên liệu công nghiệp và hóa chất, từ đó làm suy yếu nhu cầu khí đốt thấp hơn trong nửa đầu năm”. Bà dự đoán: "Có vẻ nhu cầu cũng sẽ không tăng nhiều hơn trong nửa sau của năm”.
Thứ hai là chỉ thị từ chính phủ trung ương để thúc đẩy sản xuất năng lượng, bao gồm cả than. Mika Takehara, nhà nghiên cứu cấp cao của Tổng công ty Quốc gia Dầu khí và Kim loại Nhật Bản cho biết: “Trọng tâm hiện nay là an ninh năng lượng, hơn là giảm tác động của môi trường”.
Theo truyền thông địa phương, tỉnh Sơn Tây đã tăng sản lượng than thêm 100 triệu tấn lên 1,3 tỷ tấn trong năm nay và sẽ tăng thêm 50 triệu tấn vào năm 2023. Sản xuất khí đốt của chính Trung Quốc cũng đang mở rộng quy mô. Theo công ty tư vấn khí Sia Energy, sản lượng khí đốt trong nước dự kiến sẽ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước vào năm 2022.
Mặt khác, lượng LNG nhập khẩu của Trung Quốc có thể sẽ giảm 20% trong năm nay. Việc Trung Quốc giảm nhập khẩu đã tác động đến giá quốc tế. Giá LNG ở Châu Á hiện vào khoảng 45 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh (BTU) - rẻ hơn 10 USD so với khí tự nhiên của Châu Âu, với giá trên 60 USD/triệu BTU.
Sự khác biệt về giá cả phản ánh sự chênh lệch về nhu cầu. Năm ngoái, khi Trung Quốc mua mạnh từ thị trường giao ngay, giá châu Á cao hơn châu Âu.
Hiện nay, châu Âu đang có nhu cầu khí đốt rất lớn. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu đang ở mức thấp nhất trong vòng 40 năm. Lượng khí chạy qua các đường ống chỉ bằng 20% so với cách đây một năm.
Châu Âu đã ứng phó bằng cách mua LNG trên thị trường giao ngay, bất chấp giá cao hơn và đã thông qua việc giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên 15% vào tháng 3 năm sau. Thông qua các biện pháp khẩn cấp này, khu vực kỳ vọng có thể vượt qua mùa đông sắp tới, ngay cả khi lưu lượng khí đốt từ Nga thấp hơn 80% so với bình thường.
Tuy nhiên, luôn thường trực rủi ro nhập khẩu khí đốt từ Nga cuối cùng có thể giảm xuống 0, Takashi Makabe, một nhà phân tích kinh doanh tại Goldman Sachs cho biết. Trong kịch bản đó, châu Âu sẽ phải mua hầu hết mọi nguồn nhiên liệu còn lại trên thị trường giao ngay - một nhiệm vụ phi thực tế. Kết quả tiềm ẩn của những diễn biến này là Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng của mình trên thị trường năng lượng.
Nếu Nga tiếp tục xuất khẩu thêm khí đốt sang Trung Quốc như một biện pháp trừng phạt châu Âu, Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng hơn để bán lại lượng khí đốt dư thừa của mình sang thị trường giao ngay và gián tiếp giúp đỡ châu Âu.