Nhà đầu tư nào sẽ đảm nhận cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc trị giá 18.200 tỷ đồng?

14:59 | 01/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án cao tốc Tân Phú- Bảo Lộc khoảng 19.470 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước khoảng 9.151 tỷ đồng, chiếm khoảng 47% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 của dự án.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất thực hiện dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Động thái được đưa ra sau khi Chính phủ đồng ý giao Lâm Đồng tổ chức thực hiện đầu tư, xây dựng tuyến cao tốc này giai đoạn 2021 - 2025 theo phương thức đối tác công tư (PPP), có hỗ trợ góp vốn của nhà nước.

Đơn vị đề xuất dự án này là liên danh nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung.
 
Nhà đầu tư nào sẽ đảm nhận cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc trị giá 18.200 tỷ đồng? - ảnh 1Gần 19.500 tỷ đồng làm cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Như tạp chí Doan Nhân Việt Nam thông tin trước đó cho biết theo đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án có điểm đầu dự án tại Km59+594 (lý trình Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú), giao với quốc lộ 20 tại Km 69+400, trên địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối dự án tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 67 km.

Dự án có quy mô nền đường rộng 22m với 4 làn xe ô tô, 2 làn dừng xe khẩn cấp, dải an toàn, dải phân cách, dải trồng cỏ. Các công trình khác có quy mô phù hợp với quy mô nền đường, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Do dự án có tổng mức đầu tư rất lớn khi đầu tư hoàn thiện theo quy mô nền đường 22m trong khi theo tính toán nhu cầu giao thông thì đến sau năm 2045 mới cần quy mô này. Vì vậy, sau khi cân đối giữa nhu cầu giao thông của dự án trong giai đoạn năm 2025 – 2045 và khả năng thu xếp vốn đầu tư dự án để xác định phương án đầu tư hiệu quả nhất là phân kỳ đầu tư dự án theo hai giai đoạn.

Cụ thể, trong giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư trong năm 2021 - 2025 với nền đường rộng 17 m, mặt đường rộng 14m với 4 làn xe ô tô. Đối với các đoạn có điều kiện khó khăn, có thể nghiên cứu đầu tư nền đường rộng 13,5m, mặt đường rộng 7m với 2 làn xe ô tô, dải phân cách mềm rộng 0,5m, làn dừng xe khẩn cấp rộng 5m, lề đất rộng 1 m.

Trong giai đoạn 2, dự án sẽ tập trung đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô nền đường rộng 22m sau năm 2045 hoặc thời điểm phù hợp với nhu cầu giao thông và khả năng thu xếp vốn. Kết cấu công trình đầu tư trong giai đoạn 1 phải đảm bảo phù hợp với việc mở rộng ở giai đoạn 2 trên nguyên tắc tiết kiệm tối đa vốn đầu tư và đảm bảo giao thông trên tuyến an toàn, thông suốt liên tục.

Theo tạp chí Tài chính Doanh Nghiệp UBND tỉnh Lâm Đồng dự kiến sẽ thu phí 2.000 đồng/km/phương tiện quy đổi. Lộ trình tăng giá vé 3 năm một lần, mỗi lần tăng 15%, trong thời gian khoảng 27 năm (từ năm 2025 đến năm 2052).

Đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong những đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt có tổng chiều dài 208km với quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã giao cơ quan thuộc bộ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần theo quy mô phân kỳ: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, đề xuất sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Sau khi xem xét, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước. UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì tổ chức huy động các nguồn lực hợp pháp theo quy định để bảo đảm phần vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án khi được giao là cơ quan có thẩm quyền.

Các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các bộ ngành liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các thủ tục nhanh chóng theo quy định.Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về việc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là Cơ quan có thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/2.

Liên danh nhà đầu tư gồm Đèo Cả, Hưng Thịnh, Nam Miền Trung. Trong ba liên danh nói trên, ngoại trừ Nam Miền Trung được xem khá kín tiếng, còn lại Đèo Cả và Hưng Thịnh đều là những tập đoàn nổi tiếng với việc sở hữu và triển khai nhiều dự án có vốn đầu tư lớn.

Cụ thể, Đèo Cả được ví là "trùm" BOT khi sở hữu nhiều trạm BOT và các công trình hầm đường bộ BOT Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông. Mới đây, đơn vị này nằm trong liên danh trúng thầu cao tốc Câm Lâm - Vĩnh Hảo 8.900 tỷ đồng.

Hưng Thịnh được biết đến là một trong những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với quỹ đất hàng nghìn ha và nhiều dự án quy mô vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Cuối tháng 12/2020, Hưng Thịnh và Đèo Cả đã ký kết hợp tác chiến lược phát triển trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng.

Cùng ngày, Đèo Cả và Hưng Thịnh Incons, đơn vị tổng thầu thi công và xây dựng của Tập đoàn Hưng Thịnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác mở rộng thị trường từ xây dựng dân dụng, công nghiệp sang hạ tầng, giao thông, vật liệu xây dựng cơ bản, công nghệ vật liệu mới.

Hai doanh nghiệp sẽ hợp tác chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm về xây dựng và quản lý xây dựng, phát triển công nghệ trong lĩnh vực thi công, xây lắp và hạ tầng.

Theo đó, hai bên sẽ liên danh, liên kết đấu thầu, đầu tư và thi công các dự án về hạ tầng và dự án xây dựng, đồng thời mở rộng nghiên cứu các dự án về vật liệu xây dựng nhân tạo trong tương lai.

Mới nhất, ngày 22/2, HĐQT Công ty CP Hưng Thịnh Incons (Công ty thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh) đã thông qua nghị quyết bầu ông Hồ Minh Hoàng là thành viên độc lập HĐQT giữ chức danh phó chủ tịch HĐQT công ty.

Nguyễn Triệu