Nhập khẩu hàng hóa công nghệ của Việt Nam nằm trong top đầu khu vực
Theo Báo cáo, dịch COVID-19 kéo dài đã gây ra sự sụt giảm trong tăng trưởng năng suất tại các quốc gia đang phát triển và những quốc gia tiên tiến ở châu Á. Do đó, việc hạn chế những tổn thương kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn hậu đại dịch đã trở thành yêu cầu trong chính sách khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung.
Nhìn chung, những vết sẹo sâu về kinh tế do đại dịch gây ra cũng như sự tăng trưởng năng suất mờ nhạt trong giai đoạn trước đại dịch đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng dài hạn của khu vực này. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức đó, IMF cho rằng vẫn còn 1 con đường đầy hứa hẹn để thúc đẩy năng suất của châu Á – con đường chạy qua lãnh địa mà châu lục này vốn vẫn giữ vị trí tiên phong: đó chính là số hoá.
Khó khăn trong huy động vốn đang cản trở các doanh nghiệp châu Á chuyển đổi số
Lãnh địa số của châu Á đã nhanh chóng mở rộng trong những năm trở lại đây, bao trùm hàng loạt công nghệ mới đa dạng, từ tự động hoá trong sản xuất chế tạo đến các nền tảng thương mại điện tử, cho đến thanh toán số.
Theo các chuyên gia, từ con số 40% cách đây hai thập kỷ, châu lục này đã vươn lên nắm giữ 60% bằng sáng chế về công nghệ số và máy tính trong giai đoạn trước đại dịch. Châu Á, trong vai trò đầu tàu sản xuất chế tạo, giữ vị thế tiên phong toàn cầu trong lắp đặt robot công nghiệp. Trung Quốc là quốc gia sử dụng robot nhiều nhất, chiếm khoảng 30% toàn thị trường.
Sự tiên phong của Ấn Độ trong giải pháp hạ tầng số stacks (xếp lớp) đã biến quốc gia này thành một hình mẫu về cách thức kết hợp công nghệ thanh toán số và định danh để mở rộng tiếp cận tài chính. Tầng lớp dân số trẻ đang gia tăng ở Bangladesh, Indonesia và Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu các công nghệ mới và trở thành tập khách hàng tiềm năng đáng kể cho kinh tế số.
Trong bối cảnh này, đại dịch COVID-19 càng đẩy nhanh xu hướng số hoá trong khu vực. Tỷ lệ đơn xin cấp bằng sáng chế cho các công nghệ thương mại điện tử và làm việc từ xa đã tăng mạnh trong thời gianđại dịch; chi tiêu cho thương mại điện tử cũng tăng mạnh, trong đó châu Á hiện chiếm gần 60% tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến của thế giới. Năm 2020, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ tăng 40%–50%, một tốc độ tăng vượt trội phần lớn các quốc gia khác trên thế giới.
Sự tăng trưởng nhanh chóng này được thúc đẩy bởi xu hướng dịch chuyển khỏi phương thức thanh toán bằng tiền mặt và sự bùng nổ các phương thức thanh toán số thay thế, đặc biệt là thẻ trả trước và ví điện tử.
Tuy vậy, bà Antoinette Sayeh, Phó tổng giám đốc Điều hành IMF chỉ ra đưa số liệu đáng chú ý rằng, mặc dù châu Á đóng góp 60% số lượng bằng sáng chế của toàn thế giới, nhưng đổi mới sáng tạo lại không dẫn đến tăng năng suất. Điều này cho thấy, chất lượng đổi mới sáng tạo không phải lúc nào cũng cao một cách nhất quán và đòi hỏi phải có sự cải thiện về chất lượng các sáng chế để chuyển hóa thành năng suất cao hơn.
Các chuyên gia của IMF đặt vấn đề, điều gì cản trở đổi mới, sáng tạo ở các nền kinh tế đang phát triển châu Á và câu trả lời là: “Gần một nửa số doanh nghiệp vừa và nhỏ và khoảng một phần ba doanh nghiệp lớn ở các nước châu Á mới nổi và đang phát triển gặp khó khăn trong việc huy động vốn, đây là một rào cản lớn đối với việc áp dụng công nghệ”.
Cùng với đó, những hạn chế như khan hiếm lực lượng lao động am hiểu kỹ thuật số, những yếu kém về môi trường pháp lý, kể cả thiếu quy định đầy đủ về bảo vệ dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ đã cản trở chia sẻ thông tin và niềm tin vào việc áp dụng công nghệ.
“Thúc đẩy bảo hộ sở hữu trí tuệ là cần thiết, nhưng không nên tạo ra khoảng cách về mặt công nghệ giữa các doanh nghiệp. Tốc độ truyền bá tri thức chậm thì không thể dẫn đến nâng cao năng suất của nền kinh tế”, bà Antoinette Sayeh cho biết.
Theo các đại biểu, thúc đẩy năng suất lao động ở châu Á cần một cú hích từ số hoá, trong đó cần tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các quốc gia để cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ và thông tin; nâng cao khả năng tiếp cận tài chính sẽ giúp các nhà sáng chế giới thiệu các sản phẩm mới.
Việt Nam còn nhiều dư địa chuyển đổi số
Riêng với Việt Nam, các chuyên gia nhận định đây là quốc gia đã đạt được một số kết quả số hoá ấn tượng và còn nhiều tiềm năng về chuyển đổi số.
Cụ thể, trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á đang được hưởng lợi từ sự lan toả và phổ biến của công nghệ; nhiều nước trong khu vực đang nhập khẩu hàng hoá công nghệ cao nhiều hơn so với mức bình quân của thế giới. Trong đó, Việt Nam thuộc top đầu, chiếm khoảng 27% trên tổng nhập khẩu, cao hơn mức 15% của Thái Lan và 10% của Indonesia.
"Việt Nam còn nhiều dư địa để chuyển đổi số. Ví dụ, hiện nay mới có khoảng 7,1% doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp chính xác, tức là sản xuất theo phương pháp định lượng nhờ ứng dụng internet vạn vật, thay vì sản xuất định tính chỉ dựa vào kinh nghiệm. Công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chủ yếu đến từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Câu hỏi được đặt ra là các bạn đón nhận công nghệ đó thế nào, rồi xây dựng nó và truyền lại cho các doanh nghiệp nội địa", bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam nhận định.
Tại sự kiện, các chuyên gia IMF khuyến nghị, để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, để mở rộng đường biên giới hạn khả năng cần ưu đãi thuế, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, chi tiêu công cho nghiên cứu cơ bản.
Tiếp theo, tạo thuận lợi cho phổ biến, lan tỏa công nghệ ở những quốc gia như Việt Nam. Cụ thể như, hạ thấp hàng rào thương mại, đơn giản hóa các quy định quản lý FDI (cả trong lĩnh vực dịch vụ). Tạo thuận lợi cho chia sẻ tri thức giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp địa phương (mạng lưới nhà cung cấp).
“Tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa đại học và doanh nghiệp; nâng cao trình độ kỹ năng cho lao động. Thu hẹp khoảng cách số, cải thiện hạ tầng số và môi trường pháp lý”, chuyên gia IMF nhận định.
Cuối cùng là khuyến khích sự phát triển năng động của khu vực doanh nghiệp trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh thông qua đảm bảo một sân chơi bình đẳng; khuôn khổ phá sản đơn giản và hiệu quả để hỗ trợ cho tái phân bổ nguồn lực trong xã hội.