Nhật Bản chi kỷ lục 43 tỷ USD để hỗ trợ đồng yen
Con số này lớn hơn rất nhiều so với số tiền 2.840 tỷ yen mà Tokyo đã dùng để mua yen, bán USD trong lần can thiệp đầu tiên vào ngày 22/9/2022. Kể từ đó, các nhà chức trách Nhật Bản đã tiếp tục can thiệp khiến thị trường tài chính trở nên khó khăn. Bộ Tài chính Nhật Bản không tiết lộ bất kỳ bảng phân tích nào về số tiền được chi tiêu trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến ngày 27/10.
Những lần can thiệp vào thị trường đều không được Chính phủ Nhật Bản thông báo chính thức, mà phần lớn là đồn đoán của thị trường. Sau khi đồng yen tăng lên gần 152 yen đổi 1 USD, các nguồn tin đã cho rằng Chính phủ Nhật Bản đã can thiệp vào ngày 21/10, dù cho các nhà đầu tư đều nhận định rằng động thái đó không thể đảo ngược xu hướng đồng yen ngày càng giảm trên thị trường khi chính sách tiền tệ của Nhật Bản và Mỹ tiếp tục "đi theo hai hướng khác nhau".
Các cơ quan quản lý tiền tệ của Nhật Bản dường như đã can thiệp một lần nữa trong ngày 24/10 khi đồng yen tăng giá chỉ trong vài phút so với đồng USD. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đã cảnh báo về các biện pháp cần thiết đó sẽ được thực hiện để chống lại sự biến động quá mức của thị trường.
Động lực chính để chính phủ ra tay can thiệp là do khoảng cách giữa lãi suất của Nhật Bản và Mỹ ngày càng gia tăng, trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết sẽ không nâng lãi suất trong thời gian tới, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo là sẽ tiến hành một đợt tăng lãi suất nữa trong cuộc họp chính sách vào cuối tuần này.
Izuru Kato, nhà kinh tế trưởng tại Totan Research, một tổ chức tư vấn của Nhật Bản, cho biết: “Đồng yen có thể sẽ suy yếu hơn nữa và xuyên thủng mốc 160 yen đổi 1 USD nếu không có các biện pháp can thiệp”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng các biện pháp như vậy chỉ có thể làm chậm đà giảm của đồng yen.
Tính đến cuối tháng 9/2022, Nhật Bản có 1.240 tỷ USD dự trữ ngoại hối, bao gồm chứng khoán nước ngoài, tiền gửi và vàng cùng những tài sản khác. Chính phủ thực hiện các biện pháp can thiệp mua đồng yen, bán đồng USD bằng cách sử dụng các quỹ.
Đồng yên yếu được coi là một lợi ích cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản, nhưng sự sụt giá nhanh chóng của đồng yen đã sức ép cho quốc gia khan hiếm tài nguyên này, làm tăng giá nhập khẩu năng lượng, nguyên liệu thô, thực phẩm và các hàng hóa khác.
Trước đó ngày 28/10, Chính phủ Nhật Bản đã công bố một gói kinh tế quy mô lớn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực do giá cả tăng cao cho người tiêu dùng, và hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh xung đột tại Ukraine (U-crai-na) và đồng yen yếu hơn. Tuy nhiên, chính phủ cũng hy vọng rằng việc đồng yen ở mức thấp nhất trong hơn 30 năm so với đồng USD sẽ thúc đẩy sự phục hồi của du lịch trong nước.
Thủ tướng Fumio Kishida cho biết chính phủ đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên thị trường ngoại hối cùng với BoJ. Về phần mình, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đã bác bỏ ý kiến cho rằng chương trình kiểm soát đường cong lợi suất của ngân hàng trung ương, nhằm giữ lãi suất ở mức thấp nhất, đã khiến đồng yen mất giá.