Nhiều chuyên gia Mỹ khẳng định hệ thống ngân hàng ổn định trở lại
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đánh giá dòng tiền gửi vào các ngân hàng khu vực đã ổn định sau những động thái của nhà chức trách nhằm khôi phục niềm tin và ngăn chặn những hệ lụy lan rộng.
Theo bà Janet Yellen, lĩnh vực ngân hàng của Mỹ đang ổn định sau vụ sụp đổ của các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank gần đây.
Trong bài phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội Ngân hàng Mỹ (ABA) diễn ra tại thủ đô Washington ngày 21/3, bà Yellen đánh giá dòng tiền gửi vào các ngân hàng khu vực đã ổn định sau những động thái của nhà chức trách nhằm khôi phục niềm tin và ngăn chặn những hệ lụy lan rộng.
Mới đây, bà Janet Yellen liên tục trấn an nhà đầu tư trong cuộc họp ngày 23/3. Theo đó, Bộ trưởng cho biết, Mỹ có thể áp dụng lại các động thái khẩn cấp liên bang đã dùng để hỗ trợ các khách hàng gửi tiền ở SVB, và Signature Bank.
“Chúng tôi đã dùng các công cụ quan trọng để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan. Và chúng tôi có thể sử dụng lại các công cụ này”, bà Yellen cho biết trong bài phát biểu viết sẵn cho buổi điều trần. “Chúng tôi đã thực hiện các động thái mạnh mẽ để đảm bảo an toàn cho tiền gửi của người dân Mỹ. Chắc chắn, chúng tôi sẵn lòng đưa ra thêm động thái nếu cần thiết”.
Phiên điều trần của bà Yellen diễn ra khi thị trường tỏ ra lo ngại về tình trạng rút tiền gửi ra khỏi các ngân hàng địa phương quy mô vừa và nhỏ sau sự sụp đổ của SVB. Nhiều người lo ngại liệu Chính phủ có sẵn lòng hỗ trợ các ngân hàng này nếu xảy ra tình huống rút tiền hàng loạt hay không.
Bên cạnh đó, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng chung quan điểm về sự ổn định trở lại của hệ thống ngân hàng Mỹ. Ngày 22/3, trong cuộc họp tại Washington, Chủ tịch Fed cho biết: “Hệ thống ngân hàng của chúng tôi rất vững chắc, với nguồn vốn và tính thanh khoản mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình”.
Ông Powell nói thêm, sự biến động trong hệ thống đó sẽ gây căng thẳng hơn nữa cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cho biết lạm phát vẫn “cao” và cam kết sẽ cùng các đồng nghiệp làm giảm giá cả.
Mới đây, Cục dự trữ Liên bang (Fed), tức ngân hàng trung ương Mỹ, đã quyết định tiếp tục hướng đi mà họ đã chọn để chống lạm phát: Tăng lãi suất một lần nữa.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã làm chậm tiến độ lạm phát thông qua một loạt các đợt tăng lãi suất. Đây là đợt thứ 9 liên tiếp Fed tăng lãi suất kể từ tháng 3 năm 2022. Lần này, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm.
Tỷ lệ lãi suất cao hơn đã làm giảm giá trị đầu tư tại một số tổ chức, khiến khách hàng hoảng sợ. Đầu tháng này, một cơn sốt rút tiền gửi đã khiến Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature sụp đổ.
Ông Powell thừa nhận rằng tình hình này đã khiến các nhà hoạch định chính sách tính tới việc tạm dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, họ đã quyết định tiếp tục tăng lãi suất.
Về phía các chuyên gia Việt Nam, việc ngân hàng Signature và ngân hàng Silicon Valley đã mất thanh khoản khiến giới đầu tư lo ngại về hiệu ứng domino cùng với nguy cơ khủng hoảng kinh tế, trả lời phỏng vấn trong talkshow Phố Tài Chính mới đây (ngày 20/3), TS. Vũ Đình Ánh, Nguyên Viện Phó Viện Quản lý giá, Bộ Tài Chính phân tích: “SVB bị phá sản. Đây là 1 vụ phá sản lớn thứ 2 kể từ năm 2008. Năm 2008, hệ thống tài chính của Mỹ gặp khủng hoảng và sau đó gây ra khủng hoảng toàn cầu. Theo báo cáo, giai đoạn 2008 - 2009, ở Mỹ có tới 11 nghìn ngân hàng đã phải phá sản. Với những yếu tố đó, tôi cho rằng các hiệu ứng domino là có. Tuy nhiên, nguy cơ này được giảm bớt rất nhiều. Thứ nhất, mặc dù hiện tại, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ nhưng quy mô tài sản chỉ 200 tỷ USD trong hàng chục ngàn tỷ USD trị giá thị trường tài chính, thị trường ngân hàng tại Mỹ. Thứ hai, sự việc lần này, các cơ quan của Mỹ có những phản ứng rất nhanh trong việc trấn an dư luận.”
Đồng tình với quan điểm của ông Ánh, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng loạt sự kiện gần đây về hệ thống ngân hàng sẽ khó có thể trở thành hiện tượng domino.
Thống kê cho thấy, có Ít nhất 186 ngân hàng khác ở Mỹ đối mặt rủi ro sụp đổ như SVB, nhưng ở quy mô vừa phải, không phải là quy mô có ảnh hưởng lớn đến hệ thống. Đồng thời, các chính sách của nhà chức trách cũng đã nhanh chóng được đưa ra để trấn an và đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Như vậy, về cơ bản thị trường cũng đã ổn định trở lại.
“Rõ ràng, lo ngại về suy thoái kinh tế 1 lần nữa đã được gióng lên. Xác suất của nó đã tăng lên trên 30%. Tuy nhiên, tháng 2/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ chỉ còn tăng 6% theo năm, tăng 0,4% so với tháng trước đã thể hiện tín hiệu nền kinh tế vĩ mô rất tích cực cho các cơ quan quản lý tiền tệ tài chính ở Mỹ có thể xem xét lại mức độ tăng lãi suất, giảm nguy cơ suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự báo năm nay đạt 5,5%. Như vậy, nguy cơ và mức độ khủng hoảng kinh tế nếu có xảy ra sẽ chỉ mang tính cục bộ và giảm phạm vi.” - chia sẻ của TS. Vũ Đình Ánh.