Fed miệt mài tăng lãi suất bất chấp khủng hoảng ngân hàng, giới chuyên gia Mỹ nói gì?

Diên Vỹ (Theo Bloomberg/ CNBC) 15:08 | 23/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bất chấp một số nhà đầu tư phố Wall đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất trong bối cảnh ngành ngân hàng nước này đối diện với nhiều căng thẳng hai tuần gần đây, thông điệp cuối cùng được Fed đưa ra sau cuộc họp hôm 22/3 là tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, và không hạ lãi suất cho đến ít nhất năm 2024.

 

Fed đưa ra thông điệp cứng rắn, tâm lý bi quan bao trùm phố Wall 

Trong thông điệp đưa ra tại buổi họp báo cùng ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách. Ông Powell thậm chí còn cảnh báo về khả năng Fed tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt thông qua tăng lãi suất cao hơn dự kiến nếu cần trong nỗ lực kiểm soát lạm phát. Một thông điệp khác khiến thị trường thất vọng: các quan chức Fed không kỳ vọng sẽ sớm hạ lãi suất trong năm nay, ngay cả trong trường hợp lạc quan nhất. Những thông điệp cứng rắn được đưa ra chỉ chưa đầy hai tuần sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) - sự cố lớn thứ hai trong lịch sử ngành ngân hàng nước Mỹ.

Trong dự báo mới nhất của Fed, cơ quan này duy trì mức lãi suất đỉnh dự phóng ở 5,1%, tương đương phạm vi mục tiêu 5-5,25%. Biểu đồ dot-plot cũng cho thấy 10/18 thành viên của Ủy ban thị trường mở - FOMC - kỳ vọng sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất trong năm nay (bước tăng 0,25 điểm phần trăm).

 Fed quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa mặt bằng lãi suất liên bang lên 4,75-5% trong cuộc họp chính sách hôm 22/3 (Ảnh: CNBC)

Với thông điệp về việc tăng lãi suất như vậy, các quan chức Fed đang phát đi hàm ý về một kỳ vọng chung rằng cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ gần đây dù có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế, nhưng sẽ không lan rộng ra toàn hệ thống và trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính với quy mô lớn hơn. 

Thực tế, bản thân ông Powell trong cuộc họp báo hôm 22/3 cũng khẳng định sự không chắc chắn về tác động lan tỏa của các vụ sụp đổ ngân hàng trong thời gian qua đến hoạt động tín dụng, đồng thời nhấn mạnh rằng diễn biến quá nhanh trong vụ sụp đổ SVB cũng khiến nhiều nhà quản lý phải tự hỏi làm thế nào điều này có thể xảy ra. Chủ tịch Fed thừa nhận ban quản trị SVB đã ‘thất bại nặng nề’ trong hoạt động điều hành, và đưa khách hàng đến với những rủi ro lớn về thanh khoản và lãi suất.

Tuy nhiên, theo ông, các động thái quyết liệt của Fed, Bộ Tài chính Mỹ và Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã giúp bảo vệ tiền gửi của người dân cũng như niềm tin vào hệ thống ngân hàng. "Dòng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng đã ổn định trong tuần qua. Hệ thống ngân hàng đang phục hồi và dòng tiền gửi đang quay lại đúng quỹ đạo", Chủ tịch Powell nhấn mạnh, đồng thời cam kết sẽ sử dụng "tất cả các công cụ" để giữ an toàn cho hệ thống ngân hàng trong tương lai.

Người đứng đầu Fed khẳng định: "Hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn đang lành mạnh và linh hoạt với dòng vốn và thanh khoản mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình và sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ ngay khi cần thiết để giữ đảm bảo tính an toàn và lành mạnh cho toàn hệ thống.

Chúng tôi cũng cam kết sẽ rút ra bài học từ những vụ việc lần này, để ngăn chặn tình huống tái diễn. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần giám sát và siết chặt quy định hơn nữa để ngăn chặn các vụ sụp đổ ngân hàng và khủng hoảng tiền gửi khác".

Thất vọng trước thông điệp cứng rắn từ Fed, chứng khoán Mỹ cắm đầu lao dốc trong phiên 22/3. Chỉ số Dow Jones mất 530,49 điểm, tương đương giảm 1,63%, còn 32.030,11 điểm. Chỉ số S&P 500 bốc hơi 1,65%, còn 3.936,97 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,6%, còn 11.669,96 điểm. Cổ phiếu các ngân hàng khu vực dẫn đầu phiên bán tháo với sắc đỏ ngập tràn. 

Sự thất vọng càng lên cao trào trên phố Wall khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trước một Ủy ban thuộc Thượng viện rằng cơ quan chức năng hiện tại không làm việc về vấn đề “bảo hiểm bao trùm” cho tiền gửi tại các ngân hàng.  

Giới chuyên gia nói gì?

Trong một góc nhìn lạc quan, nhóm chuyên gia kinh tế Anna Wong, Stuart Paul và Eliza Winger thì nhận định với Bloomberg rằng: “Fed đã cân nhắc ưu và nhược điểm của cả hai cách tiếp cận: ngồi im chờ đợi giông bão tạm lắng hay tiếp tục tăng lãi suất, và rồi họ chọn cách thứ hai. Điều đó báo hiệu một cam kết vô điều kiện của Fed về việc cơ quan này sẽ bằng mọi giá ổn định lại lạm phát. Chúng tôi cho rằng họ đã đúng”.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ 2 tháng đầu năm vẫn cho thấy lạm phát ở mức nóng, với CPI tháng 1 tăng 6,4% và tháng 2 tăng 6% (so với cùng kỳ). Trong dự báo mới nhất của Fed, cơ quan này cho rằng lạm phát cơ bản vẫn khó hạ nhiệt trong những tháng tới. 

Nhưng ở chiều ngược lại, nhiều các ý kiến khác lo ngại rủi ro khi Fed tăng lãi suất quá nhanh và quá mạnh, và với bước đi như vậy, Fed có thể khó đạt 'hạ cánh mềm' như ông Powell kỳ vọng.

Nhà kinh tế trưởng Jay Bryson từ Wells Fargo nhận định: “Họ (Fed) nghĩ rằng họ có sẵn các công cụ cần thiết để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trong toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, chắc chắn có rủi ro rằng điều này sẽ là một quyết định tồi”.

Trong khi đó, James Knightley, nhà kinh tế trưởng tại ING cho rằng: “Đây là chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong 40 năm và với việc thúc đẩy chu kỳ này nhanh chóng hơn, Fed đương nhiên sẽ có ít quyền kiểm soát hơn với kết quả cuối cùng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gây ra những căng thẳng kinh tế và tài chính”.

Nhận định của Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng của Nationwide Life Insurance Co: “Một điểm mấu chốt là Chủ tịch Powell và FOMC dường như không chắc chắn về mức độ, thời gian và tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ như vậy”.