Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó trong việc làm thủ tục hành chính xuất, nhập khẩu

16:39 | 16/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu trong những năm qua đã có nhiều cải cách tích cực, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại khiến doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng như việc xác định mã HS và trị giá hải quan.

Doanh nghiệp muốn kiện hải quan… nhưng không giám!

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo về “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu”. Theo đó báo cáo dự trên kết quả phản hồi của 3.657 doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất - xuất khẩu, gia công, chế xuất, dịch vụ logistics và đại lý hải quan,...

Theo báo cáo, các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu đã cải thiện nhiều, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều điểm nóng khiến cộng đồng doanh nghiệp chưa hài lòng.

Tại hội thảo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết, nhóm thủ tục xác định mã HS và giá trị hải quan là vấn đề lớn, vấn đề nóng nhất mà nhiều doanh nghiệp khác nhau đang quan tâm, nếu như năm 2018 tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó trong thủ tục xác định mã HS giai đoạn trước khi khai hải quan ở mức 66,3% thì kết quả điều tra mới nhất lên đến 76,2%.

“cứ 10 doanh nghiệp được hỏi thì 5 doanh nghiệp phàn nàn về việc gặp trở ngại ở khai xác định giá trị hàng hoá”, ông Tuấn dẫn chứng.

Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó trong việc làm thủ tục hành chính xuất, nhập khẩu - ảnh 1

Ông Tuấn cũng cho hay, việc áp dụng mã HS nhiều khi không thống nhất giữa chính các cơ quan hải quan với nhau. Nhiều lúc doanh nghiệp bị truy thu xử phạt do cách hiểu khác nhau giữa các công chức hải quan thực thi.

Thế nhưng, việc doanh nghiệp tham vấn mã HS với cơ quan hải quan cũng không hề dễ dàng và kết quả giám định mã HS cũng mất nhiều thời gian. Thậm chí ông Tuấn còn kể có trường hợp một số nơi cơ quan hải quan “share trên trang bán hàng thương mại điện tử để xác định trị giá hàng hoá, trong khi doanh nghiệp không mua hàng trên mạng mà họ mua đơn trực tiếp với nhà máy nên doanh nghiệp không tâm phục khẩu phục”.

Ông Tuấn cho biết, nhiều doanh nghiệp cho biết họ muốn kiện hải quan nhưng họ lại… không dám!

Kỳ vọng được làm thủ tục online

Ông Trần Quang Trung, Hiệp hội Sữa Việt Nam, phản ánh, có hàng hóa hôm nay quy về mã HS này, hôm sau lại quy về mã HS khác, rất bất cập. Tỷ lệ doanh nghiệp phàn này ngày càng tăng, là dấu hiệu bất thường, cần nghiêm túc xem xét và cải cách.

Thủ tục vừa online vừa bằng giấy gây ra nhiều phiền phức. Nhiều doanh nghiệp xin cấp phép online không được. Hải quan yêu cầu nộp qua bưu điện, không cho gặp trực tiếp vì dịch COVID-19. Nhưng bưu điện cũng đang quá tải, trong khi hàng hóa cần xuất nhập khẩu. Do đó, cần đẩy mạnh làm thủ tục online để giảm thời gian, chi phí và sự phiền hà không đáng có cho doanh nghiệp, ông Trung nói.

Ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cũng cho biết, doanh nghiệp này mỗi năm thực hiện kê khai khoảng trên 40 nghìn tờ khai xuất, nhập khẩu. Gần 10% nguồn lực trên tổng số 400 nhân viên của công ty đang thực hiện các thủ tục hành chính, tốn rất nhiều chi phí. Nguyên nhân là do Hải quan điện tử đã được triển khai, song mới chỉ là “nửa vời”, nhiều thủ tục doanh nghiệp vẫn phải đến trực tiếp để làm.

Ngoài ra, khoảng 22,6% doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận đã từng thực hiện hành vi trả chi phí ngoài quy định. Trong khi đó, có 38,6% doanh nghiệp lo ngại có thể bị phân biệt đối xử nếu không trả phí ngoài quy định cho cán bộ giải quyết thủ tục hành chính.

Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp đưa ra khuyến nghị, các cơ quan, bộ, ngành sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính hải quan. Cùng với đó là đơn giản hóa các loại chứng từ, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn với các thủ tục xác định mã HS và tham vấn xác định trị giá hải quan.

Doanh nghiệp cũng đề xuất áp dụng hồ sơ điện tử triệt để hơn trong tương lai để đa số các thủ tục có thể thực hiện qua mạng internet một cách hoàn toàn chứ không phải vừa làm trên giấy, vừa làm trên mạng như hiện nay. Các Chi cục Hải quan cũng nên có một cơ chế kết nối, chia sẻ chung về lịch sử kiểm tra thực tế hàng hóa của doanh nghiệp để tránh kiểm tra trùng lặp.

H.A

Xem thêm: Những hàng hoá bắt buộc phải dán tem điện tử