Nhiều doanh nghiệp khổ vì hàng hóa vướng hàng loạt quy định chồng chéo, mâu thuẫn
Trong hội thảo mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, rất nhiều vấn đề liên quan đến kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu gây bức xúc cho doanh nghiệp đã được nêu ra.
Tại hội thảo tổ chức mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (thuộc CIEM) đã nhận định tình hình cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở nước ta đã được chuyển biến nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập.
Điểm đáng chú ý nhất là số mặt hàng phải thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm khoảng 22.000 mặt hàng, từ khoảng 100.000 mặt hàng (năm 2015) xuống còn 78.000. Tỷ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan hiện khoảng 19,4%, nhưng vẫn còn cách rất xa mục tiêu của Chính phủ là dưới 10%. Tính đến tháng 6/2020 đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối với 198 thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa.
Rất nhiều bước quản lý chồng chéo, phi lý
Tại Hội thảo này, vị đại diện CIEM cũng cho biêt cách vận hành quản lý kiểm tra chuyên ngành hàng hóa chưa hiệu quả, cách làm vẫn hình thức. Ví dụ, thủ tục vừa làm truyền thống qua giấy tờ và vừa làm online không đồng nhất, không giảm thiểu thủ tục mà còn vô hình trung gây khó cho doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng.
Chỉ trong gần 2 năm, số lượng văn bản liên quan đến quản lý, kiểm tra chuyên ngành ở nước ta đã tăng lên hơn 120 văn bản. Đây là con số quá nhiều, khiến tất cả các bên đều khó khăn trong việc cập nhật và áp dụng. Đã vậy, chất lượng văn bản còn chưa cao, thậm chí còn có những văn bản mâu thuẫn, trái ngược nhau.
Bà Thảo cho rằng cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện nay là quá mức cần thiết, không áp dụng đầy đủ nguyên tắc “quản lý rủi ro” theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro mới được áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực hải quan.
Hiện có tới 120 văn bản khác nhau về quản lý, kiểm tra chuyên ngành
Một trong những vấn đề gây khó cho doanh nghiệp nhất chính là quản lý còn chồng chéo. Có không ít tình huống một mặt hàng phải chịu sự quản lý của nhiều bộ ngành. Có mặt hàng nằm trong danh mục phải kiểm tra chuyên ngành của bộ này nhưng lĩnh vực sử dụng lại thuộc bộ khác quản lý.
Có nhóm hàng được bộ này cắt giảm thì bộ khác đưa vào diện quản lý. Có quy định đúng với bộ này thì lại mâu thuẫn với bộ kia. Ví dụ như mặt hàng quạt điện, đèn LED, máy giặt gia dụng, nồi cơm điện, bình đun nước nóng có dự trữ, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý phần kiểm tra chất lượng, còn Bộ Công thương lại kiểm tra hiệu suất năng lượng. Theo rà soát của Tổng cục Hải quan, có khoảng 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa hiện nay bị quy định chồng chéo.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nêu vấn đề: Thời gian qua, Việt Nam bỏ được nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành cùng hàng loạt giấy phép con. Nhưng sự cắt giảm, gỡ bỏ các giấy phép con chưa hợp lý dẫn đến việc kiểm tra chuyên ngành còn rối và sai thêm. Ông Cung lấy ví dụ như kiểm định an toàn thang máy. Người sử dụng phải lắp thang máy vào chạy mới kiểm định được an toàn.
Tuy nhiên, quy định theo pháp luật lúc này là kiểm tra thang máy phải kiểm định rời rạc các bộ phận. Mỗi bộ phận đều đạt theo tiêu chuẩn của riêng nó là được. Ông Cung đặt ra câu hỏi nếu tất cả đều đúng tiêu chuẩn nhưng lắp đặt thiếu, sai cách thì có phải không an toàn, phi lý không?
Một ví dụ khác ở ngành chế biến thực phẩm: Theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, nhà sản xuất chỉ được sử dụng chất hỗ trợ chế biến trong danh mục nêu tại phần 7, Quyết định 46/2007/QĐ-BYT. Nhưng từ năm 2007 đến giờ, đã qua 13 năm mà danh mục này chưa được cập nhật. Nó chắc chắn không theo kịp sự phát triển của ngành, quy định của các nước trong khu vực và quốc tế. Vì thế mà bấy lâu nay, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm vô cùng khó khăn trong việc sử dụng chất hỗ trợ chế biến.
Quy định về mã số mã vạch, nhãn hàng hóa giết chết doanh nghiệp
Tại hội thảo, vấn đề về quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài đối với hàng xuất khẩu được nhiều đại diện doanh nghiệp phản ánh.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) lấy ví dụ về quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu. Để đăng ký sử dụng MSMV nước ngoài này, DN phải làm rất nhiều giấy tờ, không được làm trực tuyến và phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Hiệp hội mã số châu Âu (GS1).
Có lúc doanh nghiệp chậm trễ, bỏ lỡ cơ hội làm ăn chỉ vì không xin kịp... cái mã vạch
Ông Nam cho biết điều đáng nói là trong quy định như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá năm 2007, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về ghi nhãn hàng hóa đều không đề cập và không có bất ký quy định nào nói đến MSMV. Nhưng đến NĐ74/2018/NĐ-CP thì bỗng dưng lại có quy định về MSMV. Việc cấp giấy xác nhận sử dụng MSMV nước ngoài hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước. Nó chỉ làm DN mất rất nhiều thời gian, công sức và cản trở rất lớn sản phẩm Việt xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hướng dẫn về ghi nhãn hàng hóa do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng ban hành cũng khiến một số doanh nghiệp nông nghiệp đau đầu. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) dẫn ví dụ cụ thể với chất axit citric. Đây là một chất bảo quản thông dụng, tự nhiên ở nhiều loại quả như cam, chanh và có trong cả chè, cà phê.
Nhưng quy định hiện hành axit citric lại là một trong những chất bảo quản. Nếu ghi đúng theo hướng dẫn, nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt chuẩn lại không được phép ghi nhãn không chứa chất bảo quản. Điều này khiến khách hàng có cái nhìn hiểu nhầm về sản phẩm khá nghiêm trọng.
Đại diện Eurocham còn nêu một đề nghị nữa cũng được DN khác hưởng ứng. Đó là cơ quan chức năng nên làm rõ hơn nữa việc cấp mã HS cho nhóm thực phẩm chức năng. Cách định nghĩa, phân loại thực phẩm chức năng hiện nay chưa rõ ràng, trong khi đây lại là một mặt hàng liên quan đến an toàn sức khỏe con người, cần sự kiểm soát kiểm tra chặt chẽ. Tổng cục Hải quan nên hỏi ý kiến Bộ Y tế để xác định chính xác thực phẩm trong phân loại.
Kim Chi