Nhiều doanh nghiệp Việt chi tiền tỷ nuôi dưỡng hoạt động phi pháp qua nền tảng xuyên biên giới
Hơn 1.000 tỷ đồng đã được các nhãn hàng tại Việt Nam chi cho các ứng dụng xem video, ứng dụng video game trực tuyến, ứng dụng mạng xã hội,... hoạt động trái phép - theo ước tính sơ bộ của Bộ Thông tin Truyền thông.
Thực tế này cho thấy nghịch lý: Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp Việt đang nuôi dưỡng cho những hoạt động trái pháp luật, phản văn hóa trên chính đất nước Việt Nam.
Nhãn hàng Việt chạy quảng cáo trên WeTV, IQIYI, HUNTER ASSASSIN...
Dễ dàng thấy các video quảng cáo của các nhãn tên tuổi như Omo, Comfort, Clear, Sendo, Bí đỏ Alpha... trên các ứng dụng xuyên biên giới IQIYI, WeTV, Egg Finder, Hunter Assassin... Đây là các ứng dụng trong lĩnh vực xem video và video game chưa được các cơ quan quản lý cấp phép hay nói cách khác là các ứng dụng hoạt động ngoài vòng pháp luật Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình quảng cáo trên ứng dụng IQIYI của Trung Quốc.
Các cơ quan quản lý Việt Nam có đầy đủ lý do khi chưa hoặc không cấp phép cho những ứng dụng này bởi tính chất nội dung, cách thức hoạt động của các ứng dụng này không phục vụ các giá trị cộng đồng, không tuân thủ các qui định của pháp luật Việt Nam. Nhiều ứng dụng loại này thậm chí còn cổ súy bạo lực, kích dục hay đưa thông tin xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.
Tuy nhiên, một thực tế là các ứng dụng ngoài pháp luật Việt Nam vẫn tìm mọi cách luồn lách vào Việt Nam, âm thầm tiếp cận với một lượng lớn người dùng Việt Nam. Thống kê sơ bộ tại các chợ ứng dụng, mỗi ứng dụng loại này tiếp cận từ vài chục nghìn tới cả triệu người dùng.
Ảnh chụp màn hình quảng cáo trên ứng dụng của Trung Quốc.
Chưa có bằng chứng về việc các ứng dụng xuyên biên giới trái pháp luật này dùng chính sách giá để lôi cuốn các nhãn hàng Việt lên đó quảng cáo thông qua các mạng quảng cáo tự động. Tuy nhiên, do hoạt động trái pháp luật, các ứng dụng này đã có nhiều lợi thế về chi phí khi không thực hiện các trách nhiệm thuế với Nhà nước Việt Nam, cũng như các chi phí đảm bảo thực thi các nghĩa vụ khác như các ứng dụng hoạt động hợp pháp.
Doanh nghiệp Việt chi tiền tỷ nuôi dưỡng hoạt động phi pháp
Trong thời gian qua, Bộ Thông tin Truyền thông đã có nhiều hoạt động nhằm lành mạnh hóa nội dung trên không gian mạng. Những nền tảng xuyên biên giới, gồm cả Facebook và YouTube, đều chứa nhiều nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ hình ảnh của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Quảng cáo của nhãn hàng Việt trên các ứng dụng video game chưa được phép kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Thêm nữa, nội dung trên các nền tảng, ứng dụng xuyên biên giới ngoài vòng pháp luật này còn dung dưỡng, cổ súy cho ngôn từ tục tĩu, dâm dục, xâm phạm đời tư cá nhân, kêu gọi hành động bạo lực tập thể, giới thiệu những hành vi như con đổ nước mắm lên đầu mẹ, ăn cá sống... Đó là sự cổ vũ cho những hành vi phản văn hóa, phi nhân tính, đi ngược lại văn hóa tốt đẹp của người Việt.
Trong mớ hổ lốn những thứ trái pháp luật, phản văn hóa, thiếu nhân văn ấy, đáng tiếc, đang xuất hiện ngày nhiều những video quảng cáo của các nhãn hàng Việt, trong đó có nhiều nhãn lớn như Unilever, Ford Việt Nam, Bảo hiểm FWD Việt Nam, Sen Đỏ...
Việc dòng tiền do các doanh nghiệp đang hoạt động tại thị trường Việt Nam kiếm được từ người tiêu dùng Việt Nam, được đổ lên trên những nền tảng, ứng dụng xuyên biên giới ngoài vòng pháp luật Việt Nam, đang thể hiện sự thiếu chính trực, thiếu trách nhiệm của những nhãn hàng lớn này đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Tràn lan nhãn hàng quảng cáo trên các game lậu không phép. Nguồn: VTV24
Theo Vietnamnet