Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động để khôi phục sản xuất, kinh doanh
Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc phục hồi sản xuất, kinh doanh và thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Cho nên, các cấp, các ngành cần quán triệt và thực hiện nghiêm, thống nhất quan điểm để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Một tín hiệu đáng mừng là trong những ngày gần đây, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh. Nhưng chúng ta tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời cũng không mất bình tĩnh, hoảng hốt, hoang mang, lo sợ khi ở đâu đó lại xuất hiện ca nhiễm mới.
Chỉ còn hơn hai tháng nữa là kết thúc năm 2021, nếu các địa phương kiểm soát được dịch bệnh thì mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục được đứt gãy thị trường lao động, tạo việc làm ổn định cho công nhân. Khi khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực chống dịch và bảo đảm các nhu cầu khác của đất nước.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, trước tình hình công nhân, lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam ồ ạt bỏ về quê có thể gây nên tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện ngay các giải pháp cấp bách “giữ chân” người lao động.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động cho rằng, với quyết tâm cao và nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, dịch bệnh COVID-19 đã dần được khống chế, các địa phương đang khẩn trương bắt tay vào thực hiện lộ trình phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới”, “thích ứng, an toàn, linh hoạt”.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thời gian qua, một bộ phận công nhân lao động rời TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về quê tự phát. Tình trạng này có thể gây nhiều hệ lụy liên quan đến an toàn khi di chuyển, an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh ở địa bàn đi, nhưng xuất hiện tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động ở địa bàn đến.
Trước tình hình trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo Liên đoàn lao động các địa phương, công đoàn ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức, cách thức khác nhau đến từng người lao động, tại khu trọ, nơi cư trú, nơi đang làm việc hoặc qua ứng dụng công nghệ thông tin, về việc người lao động không tự phát rời nơi đang cư trú để về quê; nêu rõ các hệ lụy của việc về quê tự phát, động viên người lao động tiếp tục trở lại doanh nghiệp khi doanh nghiệp bắt đầu sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Khang nhận định, quan trọng nhất vẫn là khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, sự gắn bó, tinh thần đồng cam cộng khổ của người lao động với doanh nghiệp, với đất nước trong bối cảnh khó khăn chung. Công đoàn cơ sở nhanh chóng bàn bạc, thương lượng với người sử dụng lao động trong việc ban hành các chế độ, chính sách giữ chân người lao động như trả “lương tạm nghỉ việc”, hỗ trợ tài chính để người lao động tiếp tục duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình, tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả; viết thư hoặc nhắn tin mời người lao động đã về quê sớm trở lại doanh nghiệp, bố trí phương tiện đón người lao động từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi trở lại doanh nghiệp.
Tập trung hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động trong hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19; giúp người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận các gói hỗ trợ nhanh nhất, giảm bớt khó khăn, thực hiện mục tiêu duy trì, phục hồi sản xuất và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các chương trình hỗ trợ của địa phương, tăng cường xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ người lao động đặc biệt khó khăn hoặc người lao động đã về quê nay trở lại doanh nghiệp gặp khó khăn, giúp người lao động có điều kiện để bám trụ, sẵn sàng đồng hành với người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chủ động đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận, làm các thủ tục để người lao động có nhu cầu trở lại làm việc cho doanh nghiệp, đảm bảo quy định của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đến nay, cả nước đã hỗ trợ gần 16.000 tỷ đồng cho hơn 19 triệu người dân, người lao động (theo Nghị quyết 68/NQ-CP). Triển khai hỗ trợ khoảng 38 nghìn tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho gần 13 triệu lao động, gần 390 nghìn người sử dụng lao động (theo Nghị quyết 116/NQ-CP)… Công đoàn các cấp đã hỗ trợ đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 5.500 tỷ đồng.
Tại cuộc làm việc mới đây giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu nhiều giải pháp cụ thể như bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, bảo vệ, nâng cao lợi ích (cả vật chất và tinh thần) chính đáng và hợp pháp của người lao động; xây dựng chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động và công nhân, đi đôi với phát triển sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm ổn định…
Phát huy những kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch, liên đoàn các tỉnh, thành phố và công đoàn ngành cần tiếp tục triển khai các phong trào thi đua vượt khó, “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “năng suất cao, chất lượng tốt”, “mỗi người làm việc bằng hai” cùng cả nước phòng chống dịch, phục hồi kinh tế…
Tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, trước hết là kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp. Muốn làm được điều này, các cấp công đoàn phải là một kênh tham gia triển khai, đột phá chiến lược trong đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, người lao động hiểu, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia sẻ với khó khăn chung của đất nước, đoàn kết, đồng thuận đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn. Làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí… Phối hợp, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là người đứng đầu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bố trí, quy hoạch quỹ đất; có cơ chế phù hợp với cơ chế thị trường để huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để công đoàn, địa phương và các doanh nghiệp tham gia, đồng thời bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn cho công tác này. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng dự kiến bố trí thêm kinh phí để tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân.
Đảng, Nhà nước đã và đang rất quyết liệt, tích cực triển khai chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine, phấn đấu trong quý IV năm nay bao phủ vaccine cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có công nhân. Tin tưởng rằng, các cấp công đoàn, công nhân, người lao động và các doanh nghiệp sẽ phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo, nâng cao tính tự chủ, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch để góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.