Nghệ An có hơn 1300 doanh nghiệp được thành lập mới, gần 22 nghìn tỷ đầu tư vào Nghệ An trong năm 2021
Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, song kết quả thu hút đầu tư của Nghệ An trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 30,5% về số lượng dự án đầu tư, gấp 4,97 lần về tổng mức đầu tư so cùng kỳ năm 2020.
Để đạt được những thành tựu đó phải kể đến va trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ và nỗ lực lớn của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước thực hiện 13.219 tỷ đồng, đạt 94,2% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 19.520 tỷ đồng, đạt 75,9% dự toán. Tính đến ngày 20/9/2021, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 1.643,094 tỷ đồng, đạt 52,38% KH giao chi tiết.
Thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến. Tính đến ngày 20/9/2021, tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 77 dự án, điều chỉnh 102 lượt dự án; tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 21.950,01 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án tăng 30,5%, tổng mức đầu tư tăng gấp 4,97 lần.
Trong 9 tháng năm 2021, đã thành lập mới 1.321 doanh nghiệp, bằng 99,16% so với cùng kỳ.
Một số dự án có quy mô lớn được cấp mới như Nhà máy cấu kiện điện tử Everwin tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An (200 triệu USD); Dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện - Goertek 2 (35 triệu USD); Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 (750 tỷ đồng); điều chỉnh mở rộng giai đoạn 2 Khu công nghiệp WHA thêm 354,5ha.
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, song Nghệ An đã chủ động thực hiện hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư phù hợp tình hình, diễn biến của dịch bệnh. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) vào tỉnh Nghệ An, tháng 5/2021. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An (NAPC) cũng có cuộc xúc tiến trực tuyến về nhu cầu đầu tư của Tập đoàn Zuru (New Zealand). Đây là đơn vị mong muốn được đầu tư dự án nhà lắp ghép thông minh và đã được phía Nghệ An đồng ý cũng như cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để cho tập đoàn Zuru của New Zealand có môi trường đầu tư tốt nhất và mang lại hiểu quả cao nhất. Hai bên đi đến thống nhất sẽ có cuộc tiếp xúc trực tiếp nhanh nhất để hoàn thiện mục tiêu mà các bên đề ra.
Tiềm năng lớn cho các nhà đầu tư
Ban thường vụ tỉnh Nghệ An đã thông qua đề án phát triển và mở rộng các khu kinh tế, riêng khu Kinh tế Đông Nam sẽ điều chỉnh ranh giới lên 80.000 ha, bao gồm 70.000 ha đất liền và 10.000 ha mặt nước biển; trong đó, diện tích khu công nghiệp khoảng 15.000 ha và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An.
Đề án đã xây dựng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hiện thực hóa mục tiêu đề ra với lộ trình rất cụ thể. Trong đó, năm 2021 hoàn thành điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đến năm 2040; xây dựng phương án phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó mở rộng KKT Đông Nam lên khoảng 80.000 ha.
Năm 2022, Nghệ An sẽ chính thức mở rộng ranh giới KKT Đông Nam về phía Tây theo trục đường N5 nối Hòa Sơn - Đô Lương, trục đường N2 nối Quốc lộ 7A, trục Quốc lộ 48D nối thị xã Hoàng Mai với huyện Nghĩa Đàn, tuyến Quốc lộ 1A (đoạn tránh thành phố Vinh) và khu vực ven biển để phát triển cảng biển, du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ đổi tên thành KKT Nghệ An.
Nghệ An cũng sẽ trình Chính phủ bổ sung KKT Đông Nam Nghệ An vào nhóm các khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Với Đề án trên, mục tiêu của Nghệ An là xây dựng và phát triển KKT Đông Nam thành khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung Bộ, trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, Đông Hồi.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn 2050. Trong đó, Nghệ An có cảng biển nước sâu được xếp vào nhóm 2 gồm 6 cảng biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Như vây, Nghệ An đã và đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, như: HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 13/5/2021 về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An; xây dựng các đề án, chính sách về thu hút đầu tư; điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất tại các khu công nghiệp thuộc địa bàn thị xã Hoàng Mai, các huyện: Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc…
Tỉnh đã chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời xem xét, giải quyết thỏa đáng, nhất là công tác giải phóng mặt bằng các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp… để tạo đà cho một nền kinh tế phát triển