Nhiều khuyến nghị để phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam
21:21 | 10/12/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 và Diễn đàn các bên liên quan lần thứ nhất Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) sáng 10/12 đã đưa các khuyến nghị tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên chính, gồm: Năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, cải cách ngành năng lượng, tiếp cận năng lượng, dữ liệu và thống kê năng lượng.
Trước đó, vào năm 2018, Hội nghị cao cấp Đối tác năng lượng Việt Nam – VEPG đã thông qua 40 khuyến nghị chính sách cho lĩnh vực năng lượng Việt Nam. Một số trong các khuyến nghị đã dần trở thành các Quyết định chính sách. Trong vòng một năm vừa qua, các Nhóm Công tác Kỹ thuật đã cùng chung sức, phối hợp triển khai thúc đẩy các chính sách năng lượng quan trọng với sự điều hành sát sao của Ban chỉ đạo và sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả từ Ban thư ký Nhóm đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG).
Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, ông Rainer Brohm, Điều phối viên quốc tế, Ban Thư ký VEPG cho hay, các nhóm công tác kỹ thuật đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc hỗ trợ 40 khuyến nghị chính sách cụ thể nhưng cũng đã xác định các lỗ hổng và các thách thức còn tồn tại.
Đơn cử như ở nhóm 1 về năng lượng tái tạo, VEPG thực hiện hỗ trợ về giá FIT (giá bán điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện) và hợp đồng mua bán điện PPA cho năng lượng gió được sửa đổi, cơ chế khuyến khích điện mặt trời áp mái được sửa đổi; các tham vấn và hỗ trợ cho giá FIT mới cho điện mặt trời và chương trình điện mặt trời áp mái; thảo luận về cơ chế đấu thầu và tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới.
Song những thách thức ở nhóm 1 cũng được chỉ ra như về việc phát triển khung hỗ trợ (đấu thầu, giá FIT cho năng lượng sinh học, điện gió ngoài khơi); các biện pháp hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới...
Ở nhóm thứ 3 về tái cấu trúc ngành năng lượng, VEPG đã hỗ trợ thực hiện bắt đầu thị trường bán buôn điện Việt Nam vào đầu năm 2019; phát triển hợp đồng bán điện trực tiếp (DPPA) trong giai đoạn cuối sau khi tham vấn. Các thách thức ở đây là việc tiếp tục hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh, trong đó liên quan đến các cơ chế về trợ giá, giá chéo, phí phân phối...
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các nhóm công tác kỹ thuật trong năm qua. Thứ trưởng nhấn mạnh về những thách thức trong ngành năng lượng mà các bên cần nhận thức và cố gắng giải quyết trong những năm tới. Ngành năng lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế cũng như phúc lợi của người dân Việt Nam. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải có chiến lược mạnh mẽ và có tầm nhìn xa để hỗ trợ quá trình chuyển đổi Việt Nam sang nền kinh tế hiện đại, xanh và toàn diện.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An mong muốn Hội nghị cấp cao lần này sẽ đưa ra các khuyến nghị chính sách hiệu quả cho các cơ quan liên quan của Việt Nam về phát triển ngành năng lượng. Trong đó, mục tiêu cao nhất vẫn là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển; Xác định được cơ cấu năng lượng tối ưu và bền vững của đất nước; Thu hút mạnh mẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng; Tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, xanh hơn và các nguồn năng lượng tái tạo; Nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng điện của nền kinh tế. Song song với đó, cần tạo điều kiện để các đối tượng trong xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích từ các chính sách phát triển năng lượng bền vững với chi phí hợp lý, đặc biệt cần quan tâm, thích đáng đến nhóm đối tượng xã hội bị tổn thương, đến người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38. Rất nhiều Đối tác phát triển hợp tác tích cực với Việt Nam cũng đang là đối tác quan trọng của khối ASEAN. Thứ trưởng mong rằng tại Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2020 nói chung và Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN nói riêng sẽ có sự hiện diện và đối thoại tích cực của các Đối tác vì một đất nước Việt Nam phát triển bền vững và một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng, đóng góp tích cực cho cộng đồng thế giới.
Còn theo Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Pier Giorgio Aliberti, làm sao để đảm bảo điện tới vùng sâu, vùng xa đạt tới, câu chuyện quan trọng là vốn, cần có sự cải thiện, thu hút vốn, các quy trình thủ tục cho vay... Việc phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững không chỉ dựa vào các nhà đầu tư trong nước mà còn phải kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài nên cần phải có định hướng, chính sách rõ ràng, nhất quán. VEPG cần phải chỉ ra các điểm này để kiến nghị lên Chính phủ; từ đó, có sự lắng nghe, cam kết của Chính phủ trong việc đưa ra các chính sách.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức và chuyên gia để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển năng lượng.