Nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động, lãi suất cho vay vẫn còn áp lực

Trang Nguyễn 16:57 | 22/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Về cuối năm, nhiều ngân hàng tư nhân đã đồng loạt giảm lãi suất theo cam kết để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao.

Sau động thái kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, bao gồm các khoản khuyến mại cộng lãi suất của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vào ngày 15/12, nhiều ngân hàng đã tiến hành điều chỉnh mức lãi suất huy động.

Mới đây, vào ngày 20/12, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bảo Việt (BaovietBank) tiến hành giảm mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 - 3 tháng còn 5,65%/năm và 5,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 8,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 9,4%/năm. Trước đó, lãi tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này lên tới 10,3%/năm cho kỳ hạn 15 tháng.

Cùng ngày, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) công bố biểu lãi suất huy động mới và giảm mạnh khoảng 0,4 - 1 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này đã giảm từ 10,5% xuống mức 9,5%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4 điểm phần trăm xuống 9,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5 điểm phần trăm xuống 9,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,4 điểm phần trăm xuống 9,4%/năm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải (MSB) cũng điều chỉnh giảm 0,4 điểm phần trăm lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn, áp dụng từ ngày 19/12. Mức lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng giảm từ 9,4%/năm xuống còn 9%/năm;  kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,3%/năm xuống còn 8,9%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng giảm từ 9,2%/năm còn 8,8%/năm.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) mới đây đã hạ mức lãi suất huy động cao nhất đối với sản phẩm tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 10%/năm về 9,2%/năm.

Tuy nhiên, khảo sát tính đến ngày 22/12, mặt bằng lãi suất huy động vẫn cao tại nhiều ngân hàng.

Theo biểu lãi suất áp dụng từ ngày 18/11 tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), lãi suất cao nhất niêm yết hiện là 9,85%/năm cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ. Tuy nhiên, ngân hàng này còn áp dụng biên độ cộng lãi suất thêm từ 0,7 - 1,1%/năm theo số tiền gửi tương ứng từ mức 10 triệu đồng, 100 triệu đồng... đến trên 500 tỷ đồng. Do đó, lãi suất cao nhất khách hàng có thể hưởng tại DongA Bank lên tới 10,95%/năm.

Với tiền gửi 6 -12 tháng, lãi suất tại DongA Bank dao động trong khoảng 9,35% - 9,45%/năm. Nếu cộng thêm biên độ từ 0,7 - 0,85%/năm theo số tiền gửi thì chỉ cần gửi từ 10 triệu đồng, khách hàng đã được hưởng lãi suất tới 10,05%/năm và từ 1 tỷ đồng trở lên là 10,2%/năm.

Còn tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), khách hàng gửi tiết kiệm online sẽ được ưu đãi cộng thêm lãi suất từ 1,6%/năm đến 2%/năm khi gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Thời gian áp dụng vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, từ ngày 3/12/2022 đến ngày 26/2/2023.

Như vậy, với lãi suất niêm yết cao nhất là 8,8%/năm cho tiền gửi online kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, khách hàng VIB có thể được nhận lãi suất tới 10,8%/năm theo chương trình ưu đãi trên.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng có mức lãi suất huy động gần 10%/năm. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 9,95%/năm; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) 9,9%/năm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 9,8%/năm; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 9,5%/năm; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 9,4%/năm…

Áp lực lớn đối với lãi suất cho vay

Sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và có các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, hiện đã có 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm.

Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại vẫn chạy đua về lãi suất huy động, nhu cầu tín dụng tại Việt Nam vẫn ở mức cao trong khi hạn mức tín dụng vẫn bị kiểm soát. Điều này được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất cho vay.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.

Về phía các ngân hàng thương mại, Chứng khoán SSI nhận định hiện ap lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn - tín dụng ở mức âm.

Tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm hiện tại đã trên 12%, trong khi tăng trưởng huy động vốn chưa tới 5%. Chênh lệch huy động vốn - tín dụng chưa có nhiều cải thiện, nên việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới. Cùng đó, cuộc chạy đua lãi suất huy động thời gian qua cũng tạo thêm căng thẳng cho lợi nhuận của nhà băng.

Hồi giữa tháng 12 qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề nghị các ngân hàng nghiêm túc kêu gọi đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm (đã bao gồm các khoản khuyến mại).