Nhiều người dân Nhật Bản chưa muốn mở cửa du lịch

Lê Thị Xuân Phương 16:01 | 18/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời gian qua, khi các quốc gia trên khắp châu Á bắt đầu đón khách du lịch quốc tế trở lại, Nhật Bản, một trong những điểm đến nổi tiếng nhất châu lục, vẫn đóng cửa im lìm.

Mới đây, tại một cuộc họp báo ở London (Anh Quốc), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo nước này sẽ nới lỏng kiểm soát biên giới vào tháng 6. Tuy nhiên, thông báo của Thủ tướng Kishida không phải là tin tức đáng mừng đối với một bộ phận người dân Nhật Bản.

Theo The New York Times, hơn 65% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát gần đây do đài phát thanh truyền hình Nhật Bản NHK thực hiện cho biết họ đồng ý với các biện pháp đóng cửa biên giới như hiện tại, trong đó chủ yếu là nhóm người cao tuổi. Theo tổ chức nghiên cứu PRB, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người lớn tuổi cao nhất thế giới, trong 3 người sẽ có gần 1 người trên 65 tuổi.

Ông Shion Ichikawa, nhân viên quản lý rủi ro tại một công ty internet cho biết: “Người cao tuổi có xu hướng thành kiến hơn với quyết định đón khách nước ngoài vì có thể ảnh hưởng đến mặt thể chất và tâm lý của họ”.

Theo Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO), Nhật Bản đã đón gần 32 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019 - tăng từ 6,8 triệu lượt chỉ 10 năm trước. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng khách đã khiến các điểm đến nổi tiếng như thành phố Kyoto phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu du lịch quá mức. Nhưng theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, du khách quốc tế đến Nhật Bản đã giảm từ gần 32 triệu lượt vào năm 2019 xuống chỉ còn 250.000 lượt vào năm 2021. Cư dân ở Kyoto nhận thấy sự im lặng đã trở lại thành phố khi Nhật Bản đóng cửa du lịch. Kyoto lúc này cổ kính như cách đây 20 năm.

Tuy nhiên, cư dân sống ở các thành phố lớn lại có những quan điểm khác. Cô Miyako Komai, một giáo viên sống ở Tokyo, cho biết đã sẵn sàng với quyết định mở cửa của chính phủ: “Chúng ta cần thêm nhiều du khách nước ngoài hơn nữa đến thăm quan để nền kinh tế Nhật Bản có thể phục hồi. Chúng tôi không muốn các biện pháp kiểm soát được tăng cường thêm. Chúng tôi cần bắt đầu sống một cuộc sống bình thường."

Hiện nay, gần như tất cả khách du lịch tại đất nước mặt trời mọc đều là khách nội địa. Theo đó, một số công ty du lịch Nhật Bản đã thiết kế lại các chương trình tham quan để phù hợp với sở thích của người dân địa phương.

Khách du lịch đeo khẩu trang trên đường phố quận Asakusa, Tokyo ngày 25/3/2020. Ảnh: Reuters. 

Du lịch nội địa bùng nổ, nhưng sở thích và xu hướng đã thay đổi

Khi đại dịch lên đến đỉnh điểm, người Nhật khá cảnh giác, thậm chí sợ hãi khi những người từ các vùng khác của Nhật Bản đến thăm quê hương của họ. Tại các công viên công cộng và địa điểm du lịch, còn có biển báo “cấm ô tô từ bên ngoài Wakayama”.

Nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát tại Nhật Bản, một số người Nhật đã lên kế hoạch cho những chuyến du lịch sau thời gian chôn chân tại nhà. Shogo Morishige, một sinh viên đại học, đã có chuyến đi trượt tuyết đến Nagano - nơi tổ chức Thế vận hội Olympic mùa đông 1998 - và cho biết địa điểm du lịch nội địa này đông đúc một cách kinh ngạc.

“Nhiều người như chúng tôi đã không đi du lịch trong một thời gian dài.  Hiện tại, dường như dịch bệnh đã không còn ở đây nữa rồi”, Morishige nói. "Tôi nghĩ không còn ai sợ hãi về nó nữa."

Xu hướng du lịch và sở thích của người dân Nhật Bản cũng thay đổi đáng kể sau đại dịch. Ông Dai Miyamoto cho biết: “Du khách Nhật Bản bắt đầu hạn chế thăm các thành phố lớn và chuyển sang những trải nghiệm ngoài trời. Vì vậy Japan Localized - nhà cung cấp các tour du lịch cho người nước ngoài nói tiếng Anh trước đại dịch - đã hợp tác với công ty du lịch địa phương Mai Mai Kyoto và Mai Mai Tokyo để cung cấp các tour đi bộ bằng tiếng Nhật".

Nhiều người Nhật chuyển sang lựa chọn những chuyến du lịch nội địa mang tính chất “mạo hiểm”. “Sau khi chuyển đến tỉnh Yamagata, tôi bắt đầu khám phá những địa điểm mà tôi thường không đến, chẳng hạn như các khu trượt tuyết,  suối nước nóng trên núi, thủy cung và bãi biển đầy cát,” Shion Ichikawa, nhân viên quản lý rủi ro tại một công ty internet cho biết.

Nhật Bản dự kiến sẽ tăng giới hạn số người nhập cảnh từ 10.000 người lên 20.000 người/ngày. Ảnh: Benjamin Seetor/Straits Times.  

Ông Lee Xian Jie, trưởng phòng phát triển của công ty du lịch Craft Tabby thì thông tin rằng người Nhật Bản cũng đang dành nhiều thời gian cắm trại và tắm suối nước nóng. Vì thế, các khu cắm trại trở nên phổ biến, dịch vụ cho thuê xe lưu động và bán thiết bị ngoài trời hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, trong khi những quán rượu sang trọng phổ biến với những người trẻ tuổi đang làm ăn khá tốt thì những quán rượu truyền thống đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tâm lý “sợ hãi COVID-19” của người cao tuổi.

Ông Lee nhận định sau khi dịch bệnh được kiểm soát, sở thích của khách du lịch đã thay đổi và mọi người có xu hướng tìm kiếm các hoạt động ở các khu vực nông thôn, nơi không quá đông dân cư. Ông Lee hiện sống ở phía nam Kyoto trong ngôi làng Ryujinmura và đang có kế hoạch tổ chức các tour du lịch ở thị trấn nông thôn này khi khách du lịch trở lại.

 

Ngày 17/5, Nhật Bản thông báo sẽ bắt đầu thí điểm mở cửa cho khách du lịch nước ngoài từ cuối tháng 5 này. Quyết định mở cửa được được đưa ra trên cơ sở dịch bệnh COVID-19 tại Nhật Bản đang dần được cải thiện, hệ thống y tế cũng như các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được đảm bảo.

Ban đầu, Nhật Bản sẽ chỉ chấp nhận khách du lịch từ 4 nước là Mỹ, Australia, Singapore và Thái Lan. Điều kiện tiên quyết để khách du lịch của các nước này có thể nhập cảnh vào Nhật Bản là phải tiêm đủ 3 mũi vaccine, khách du lịch sẽ phải sử dụng dịch vụ trọn gói, thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh theo yêu cầu của chính quyền và các công ty lữ hành.