Nhiều "ông lớn" ngành siêu thị phải đóng cửa chi nhánh vì COVID-19

10:38 | 03/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ Vinmart, Co.opmart, hay Lottemart... đều phải đóng cửa bởi dịch COVID-19 bùng phát ở các thành phố lớn trên khắp địa bàn cả nước.

Mới đây, tại Hà Nội xuất hiện một ổ dịch mới liên quan đến Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga - là nhà cung cấp sản phẩm thịt cho nhiều siêu thị, cửa hàng của VinCommerce tại Hà Nội. Sau khi nhận được thông tin trên, VinCommerce đã dừng nhận hàng từ nhà cung cấp này và tiến hành gấp các biện pháp phòng chống dịch. 

Tính đến cuối ngày 2/8, hệ thống VinMart/VinMart+ đã xác định tới 37 chi nhánh có liên quan tới chùm ca bệnh tại công ty Thanh Nga trong khu vực nội và ngoại thành lân cận Hà Nội. 

Hiện các siêu thị, cửa hàng có trong danh sách đã phối hợp cùng y tế địa phương tiến hành truy vết các F, cách ly y tế; phun khử khuẩn cửa hàng, siêu thị và thực hiện mọi biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn phòng chống dịch của các cơ quan chức năng.

Nhiều ông lớn ngành siêu thị phải đóng cửa chi nhánh vì COVID-19 - ảnh 1

Liên quan đến chùm ca công ty Thanh Nga, nhiều cửa hàng Vinmart/Vinmart+ phải tạm đóng cửa. Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển

Đại diện VinCommerce cho biết số cửa hàng, siêu thị này chỉ được mở trở lại khi đảm bảo an toàn và được sự cho phép của các cơ quan chức năng. 

Không chỉ các chuỗi cửa hàng/siêu thị của VinCommerce bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại Hà Nội, trước đó từ ngày 31/7 thì siêu thị Co.opmart Hà Đông có địa chỉ đường Cầu Bươu, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông cũng đã phải tạm ngưng hoạt động do có liên quan dịch tễ tới ca nhiễm COVID-19. 

Còn tại TP.HCM, làn sóng dịch bệnh bùng phát cũng làm một số siêu thị nổi tiếng không tránh khỏi cảnh đóng cửa để đảm bảo an toàn. 

Cụ thể, ngày 20/7, siêu thị lớn, đông người mua sắm nhất tại khu vực Thảo Điền (TP.Thủ Đức) là TopS Market Thảo Điền (trước là BigC Thảo Điền) bất ngờ tạm ngưng hoạt động vì có ca F0 từng đến đây mua sắm khoảng 10 ngày trước. 

Được biết, đơn vị đứng sau vận hành chuỗi thương hiệu bán lẻ TopS Market Thảo Điền là Central Retail - một tập đoàn đến từ Thái Lan, từng tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 năm tới vào hồi tháng 4 vừa qua. 

Central Retail cũng có một siêu thị khác bị đóng cửa bởi liên quan tới dịch COVID tại TP.HCM là GO! Nguyễn Thị Thập (BigC cũ, quận 7), hai siêu thị này đều có quy mô lớn, nằm tại vị trí đắc địa và có đông người qua lại, mua sắm mỗi ngày. 

Ngoài ra, còn một số thương hiệu bán lẻ lớn khác tại TP.HCM cũng phải tạm thời đóng cửa như siêu thị LotteMart Nam Sài Gòn (quận 7), LotteMart Phú Thọ (quận 11), Emart Gò Vấp (quận Gò Vấp) cũng tạm ngưng hoạt động để xử lý phòng chống dịch do có ca F0 liên quan, tuy nhiên, sau thời gian khoảng 1 tuần, một số siêu thị đều được mở cửa hoạt động trở lại.

Các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ cần làm gì để tránh đóng cửa mùa dịch?

Phòng chống dịch bệnh mà vẫn đảm bảo chuỗi cung ứng luôn là bài toán khó đối với các chuỗi bán lẻ trước diễn biến phức tạp của COVID-19. 

Nhiều hãng bán lẽ đã phải lên kế hoạch tự bảo vệ, áp dụng nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn của nhân viên và khách hàng. 

Cụ thể, đại diện Saigon Co.op trả lời VnExpress rằng thông thường các siêu thị gần khu phong tỏa dễ xuất hiện các F0 lui tới. Do đó, rất khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thương hiệu này phát hiện dấu vết là siêu thị nhanh chóng lên phương án kiểm soát, cho phun khử khuẩn và test COVID-19 cho nhân viên. Sau đảm bảo an toàn phòng dịch là từ 3-7 ngày sẽ được chính quyền địa phương chấp nhận mở cửa trở lại. 

Một số hệ thống khác sẽ lập tức  thông báo cho người dân biết về các trường hợp F0, F1 lui tới và hướng dẫn họ có thể đặt hàng online qua zalo, hotline hoặc website của siêu thị.

MM Mega Martket An Phú (TP.Thủ Đức) còn áp dụng hình thức mua hàng theo đợt. Mỗi đợt, siêu thị này chỉ mở cửa cho 30 người mua sắm. Khách sẽ đứng xếp hàng ở bãi xe theo đúng khoảng cách 2 m, bãi xe đầy thì siêu thị sẽ tạm ngưng đón khách mới trong khoảng 2 tiếng rồi mở trở lại.

Để hạn chế lây nhiễm sau khi đóng cửa thì một số siêu thị tại TP.HCM và khu vực phía Nam đã áp dụng nhiều phương án bán hàng mới như đặt phiếu hẹn giờ với khách, huy động nhân lực từ các cửa hàng nhỏ để đáp ứng lượng khách đông. 

Việc áp dụng 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế là điều kiện tiên quyết, nhiều siêu thị đã trang bị khẩu trang, kính bảo hộ, nước rửa tay... đồng thời tiến hành xét nghiệm và đề xuất việc tiêm vaccine cho toàn bộ nhân viên. 

Trước tình hình xuất hiện nhiều ca F0 khiến nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ bị đóng cửa thì Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo các đơn vị cung ứng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Công Thương.

Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, như BRG, Aeon, BigC, MM Megamarke có phương án tăng lượng hàng dự trữ để bảo đảm đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn.

H.S

 

Xem thêm: Siêu thị “méo mặt” vì tiền xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên mỗi lần tốn gần 1 tỷ đồng