Nhiều thủ đoạn thao túng giá cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết được hé lộ
Trả lời câu hỏi của báo chí về kết quả điều tra các vụ án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi đến nay như thế nào (như vụ FLC, Tân Hoàng Minh, Việt Á); dòng tiền Việt Á hối lộ các quan chức CDC các tỉnh, thành phố như thế nào? Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, tất cả bị can trong vụ án Tân Hoàng Minh, FLC, Việt Á, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đều bị xác định vi phạm pháp luật hiện hành.
“Có đặc điểm ở những bị can này là rất nhiều trong số họ là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo. Họ đã lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm các quy định về đấu thầu, đưa hối lộ và nhận hối lộ”, Trung tướng Tô Ân Xô nói.
Đối với vụ FLC, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, theo kết quả điều tra ban đầu, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh thư của 26 cá nhân để lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán, để thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả tạo với 6 mã chứng khoán FLC, thu lợi bất chính ban đầu 975 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhà đầu tư.
Theo ông Xô, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tiếp nhận 557 đơn tố cáo hành vi thao túng thị trường của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.
Thông tin từ cơ quan công an thông báo trước đó, từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC đã chỉ đạo bà Trịnh Thị Thúy Nga, bà Trịnh Thị Minh Huế, bà Hương Trần Kiều Dung, bà Nguyễn Quỳnh Anh và các đối tượng có liên quan, cho mượn, sử dụng các tài khoản đã mở để mua/bán chứng khoán, thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đẩy giá cổ phiếu FLC từ 15.500 đồng/cp lên 24.050 đồng/cp.
Bà Trịnh Thị Thúy Nga là Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán BOS. Bà Trịnh Thị Minh Huế là cán bộ kế toán của Tập đoàn FLC. Cả bà Nga và bà Huế đều là em gái của ông Trịnh Văn Quyết. Bà Hương Trần Kiều Dung là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán BOS. Bà Nguyễn Quỳnh Anh là Tổng Giám đốc Chứng khoán BOS.
Ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã đặt lệnh bán 76.769.900 cổ phiếu FLC, trong đó khớp lệnh được 74,8 triệu đơn vị với giá trung bình 22.586 đồng/cp, cơ quan công an cho hay. Ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch Tập đoàn FLC nên cần phải công bố dự định giao dịch trước ba ngày làm việc nhưng thực tế là sau khi bán xong, ông Quyết mới công bố thông tin vào tối 10/1.
Cổ phiếu FLC bị hạn chế giao dịch
Từ ngày 1/6 tới đây, các cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC, ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros và HAI của Công ty cổ phần Nông dược HAI sẽ chỉ được giao dịch vào buổi chiều do các doanh nghiệp nói trên đều chậm nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Các quyết định hạn chế giao dịch đối với FLC, ROS và HAI được Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đưa ra hôm 25/5, căn cứ theo Khoản 1a Điều 39 Quy chế Niêm yết và Giao dịch Chứng khoán Niêm yết của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX).
Khoản 5 Điều 39 của Quy chế nói trên cho biết HOSE sẽ xem xét đưa các cổ phiếu như FLC, ROS, HAI ra khỏi diện bị hạn chế giao dịch sau khi các doanh nghiệp “hoàn tất khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch và không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán tối thiểu trong 6 tháng liên tục kể từ ngày ra quyết định bị hạn chế giao dịch hoặc kể từ ngày nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị hạn chế giao dịch được khắc phục hoàn toàn”.
Như vậy, để các cổ phiếu được giao dịch cả ngày trở lại, Tập đoàn FLC, Xây dựng FLC Faros và Nông dược HAI trước tiên cần phải công bố đầy đủ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021.
Ngoài ra, ba doanh nghiệp còn không được vi phạm quy định về công bố thông tin trong ít nhất 6 tháng kể từ ngày 25/5 hoặc từ ngày hoàn tất nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2021. Nói cách khác, sớm nhất đến 26/11/2022, các cổ phiếu FLC, ROS và HAI mới được giao dịch cả ngày trở lại.