Đề nghị 8 ngân hàng cung cấp hồ sơ liên quan ông Trịnh Văn Quyết cùng nhiều lãnh đạo FLC
Ngày 8/4, một lãnh đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết vừa đề nghị 8 ngân hàng cung cấp hồ sơ mở tài khoản, sao kê và sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch liên quan ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC, bị khởi tố ngày 29/3).
Các ngân hàng được đề nghị cung cấp hồ sơ gồm: Vietcombank, Techcombank, Sacombank, VPBank, BIDV, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).
Theo vị lãnh đạo này, cơ quan điều tra yêu cầu các ngân hàng phối hợp cung cấp gấp thông tin trước ngày 30/4 để phục vụ quá trình điều tra vụ án thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra ngày 10/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư.
Ngoài thông tin về ông Trịnh Văn Quyết, cơ quan điều tra đề nghị các ngân hàng trên cung cấp thông tin đối với 2 bị can là em gái ông Quyết gồm bà Trịnh Thị Thúy Nga, bà Trịnh Thị Minh Huế và một số cá nhân khác. Trước mắt, cảnh sát đề nghị cung cấp các thông tin cần thiết trong khoảng thời gian từ 1/12/2021 đến nay.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán"; "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán."
Theo điều tra ban đầu, hành vi của ông Trịnh Văn Quyết đã gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố, bắt tạm giam hai em gái của ông Quyết là bà Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS và bà Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC, với vai trò giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán."
Cơ quan chức năng xác định từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất lớn. Mục đích nhằm tạo ra cung, cầu giả.
Mục đích là đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá "trần" cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu (trung bình là 22.586 đồng/cổ phiếu, tăng 64%).
Sau đó, ông Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.