Nhiều tổ chức kinh tế dự báo sáng sủa cho tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2023

Thùy Dương 17:36 | 14/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy mở cửa trở lại sau thời gian thực hiện Zero COVID, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế và chuyên gia có chung nhận định khá lạc quan cho viễn cảnh tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh trong năm nay.

Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng của Trung Quốc trong tháng 1/2023

PPI giảm 0,8% trong tháng 1

Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc, đo lường chi phí hàng hóa tại cổng nhà máy, đã giảm 0,8% so với cùng kỳ vào tháng 1/2023, ghi nhận sụt giảm 0,1% so với mức giảm 0,7% của tháng 12/2022. So với mức trung bình hàng tháng, PPI của Trung Quốc đã giảm 0,4% trong tháng 1.

Dong Lijuan, nhà thống kê cấp cao của NBS cho biết: “Giá các sản phẩm công nghiệp tiếp tục giảm trong tháng 1 do giá dầu thô quốc tế biến động và giá than trong nước trượt dốc”.

PPI của ngành khai thác dầu khí giảm 5,5% so với tháng trước, trong khi PPI của ngành sản xuất nguyên liệu hóa học và sản phẩm hóa chất giảm 1,3% so với tháng 12.

Chỉ số PPI của ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm phụ giảm 1,4% so với tháng trước, trong khi PPI của ngành truyền thông máy tính và sản xuất thiết bị điện tử khác giảm 1,2% so với tháng trước.

CPI cao hơn kì vọng trong tháng 1 

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng với tốc độ hàng năm là 2,1% trong tháng 1, cao hơn mức 1,8% được thấy trong tháng 12 nhưng thấp hơn mức kỳ vọng là 2,2%.

Mặc dù dữ liệu phản ánh một số phục hồi trong chi tiêu sau khi nới lỏng các biện pháp chống COVID-19, nhưng nó cũng cho thấy các ca nhiễm gia tăng và điều kiện kinh tế xấu đi khiến người tiêu dùng Trung Quốc cảnh giác với các khoản chi tiêu lớn.

Chi tiêu cũng tăng do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần, mặc dù không đáng kể. Nhưng dữ liệu hôm 10/2 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc còn phải trải qua một chặng đường dài để đạt được mức tăng trưởng trước đại dịch, làm giảm kỳ vọng của thị trường về sự phục hồi nhanh chóng của quốc gia này.

Nhiều nhận định lạc quan cho tăng trưởng GDP năm 2023

Quý IV/2022, GDP Trung Quốc tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021. Cả năm 2022, GDP tăng 3%, đạt hơn 121.020 tỷ Nhân dân tệ (17.950 tỷ USD), thấp nhiều so với mục tiêu Quốc hội Trung Quốc đề ra là mức tăng trưởng xung quanh 5,5%. Đây cũng là năm có tốc độ tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh trong vòng 47 năm qua.

Các chuyên gia nhận định, dù Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng do dịch tái bùng phát liên tục nên đã kìm hãm sản xuất, tiêu dùng cũng như đầu tư chững lại. Sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng của Trung Quốc - một chỉ số kinh tế quan trọng, chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Cục Thống kê Quốc gia nhận định, mặc dù hoạt động kinh tế các tháng cuối năm 2022 và tháng đầu năm 2023 đã phần nào ổn định nhưng nền tảng cho sự phục hồi kinh tế vẫn chưa ổn định. Năm 2023, Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung các giải pháp toàn diện để cải cách và mở cửa và tập trung vào việc củng cố niềm tin thị trường để thúc đẩy cải thiện nền kinh tế.

Gần đây, Chính phủ Trung Quốc cũng gỡ bỏ nhiều biện pháp quản lý chặt các tập đoàn công nghệ, nới lỏng các biện pháp quản lý đối với thị trường bất động sản.

Trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy mở cửa trở lại sau thời gian thực hiện Zero COVID, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế và chuyên gia có chung nhận định khá lạc quan cho viễn cảnh tăng trưởng của nước này trong năm nay. 

Theo đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo GDP Trung Quốc tăng 4,3% trong năm 2023. 

Lạc quan hơn nữa, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) công bố vào tháng 1 vừa qua,  Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể lên tới 5,2% trong năm 2023, tức tăng mạnh so với mức kỳ vọng 4,4% trong báo cáo hồi tháng 10/2022 . Con số này được IMF công bố ngay sau khi Trung Quốc cho hay đại dịch COVID-19 đã làm giảm tốc độ tăng trưởng (GDP) của nước này xuống 3% - ghi nhận lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở dưới mức trung bình toàn cầu trong hơn 40 năm.

 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng tỏ ra lạc quan với nhận định tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 4,6% trong năm nay. Các chuyên gia cũng cho rằng sự mở cửa trở lại của Trung Quốc đang tạo ra những động lực quan trọng cho kinh tế toàn cầu năm 2023.

Ở góc nhìn thận trọng hơn, tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2023 diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ ngày 16/1, một số chuyên gia ước tính tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc sẽ có xu hướng giảm từ mức trước COVID-19 là 6% đến 6,5% xuống khoảng 3% đến 4% trong năm nay. Tăng trưởng chậm lại là điều khó tránh khỏi khi quy mô nền kinh tế tăng lên; và quá trình này thậm chí còn được đẩy nhanh bởi nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là sự suy thoái mạnh trong lĩnh vực bất động sản, vốn là một trong những động lực tăng trưởng chính ở Trung Quốc trong hai thập kỷ qua.