Nhìn lại 5 dự án giao thông trọng điểm đã hoàn thành trong năm 2020

15:34 | 14/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cầu Thăng Long, đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, hầm Hải Vân 2... là một vài trong số những dự án giao thông trọng điểm được hoàn thành trong năm 2020.

Cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất

 
Ngày 29/6, Bộ GTV đã khởi công hai dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
 
Dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài bao gồm cải tạo, nâng cấp đường băng 11L/29R (1A) và đường băng 11R/29L (1B); xây mới 3 đường lăn thoát nhanh và nâng cấp các đường lăn hiện hữu; xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước...
 

Giai đoạn một, sân bay Nội Bài cải tạo 3.000 m đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn nối, hệ thống thoát nước. Giai đoạn hai sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại của đường cất hạ cánh 1B và hoàn thiện đường 1A, các đường lăn nối dự kiến hoàn thành trước 31/12/2021.
 
5 dự án giao thông trọng điểm đã hoàn thành trong năm 2020
 
Dự án sửa chữa nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn một gồm sửa chữa đường băng 25R/07L, dài 3 km, rộng gần 46 m; bốn đường lăn nối E1, NS1, W4, W6 cùng các công trình phụ trợ. Dự án có tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng, được thi công theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu trong 6 tháng và giai đoạn sau hoàn thành cuối năm 2021.
 
Hiện nay, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh hai sân bay này theo giai đoạn một đã cơ bản hoàn thành, còn một số hạng mục công trình phụ trợ Bộ Giao thông Vận tải đang đốc thúc các đơn vị để đưa vào khai thác đồng bộ trước 31/12.
 

Sửa chữa cầu Thăng Long


Cầu Thăng Long (Hà Nội), sau hơn 20 năm vận hành, lần đầu tiên công trình được sửa chữa tổng thể mặt đường ôtô, phần lề người đi hai bên, khe co giãn và hệ thống thoát nước trên cầu. Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 269 tỷ đồng.

Hiện nay, nhà thầu đã thi công xong hạng mục trải bê tông siêu tính năng trên mặt cầu, còn tiếp tục thi công 3.000 m3 bê tông nhựa polymer, dự kiến kết thúc vào 22/12. Sau đó cầu Thăng Long sẽ sơn kẻ lan can, lắp đặt trang thiết bị an toàn, chiếu sáng, hoàn thành vào ngày 31/12, đạt tiến độ mà Bộ GTVT đề ra.
 
5 dự án giao thông trọng điểm đã hoàn thành trong năm 2020
Lần sửa chữa cầu Thăng Long này có độ bền 10 năm
 
Trong các đợt sửa chữa thời gian qua, lớp phủ mặt cầu bê tông đều không đáp ứng được yêu cầu chịu tải, dính bám giữa lớp phủ mặt cầu với mặt cầu thép kém nên tuổi thọ không cao. Theo Tổng cục Đường bộ, sau khi sữa chữa lần này, cầu Thăng Long hoạt động ổn định ít nhất 10 năm, song cần bảo dưỡng duy tu lớp bê tông nhựa polymer sau 4-5 năm.
 

Tuyến vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long


Kết nối với cầu Thăng Long là tuyến vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Đây là một trong những đoạn đường có lượng phương tiện qua lại dày đặc, nhất là vào giờ cao điểm, ở thủ đô.

Để giảm tải lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án xây dựng đường trên cao và đường mở rộng bên dưới dài 5,5 km, tổng mức đầu tư gần 8.500 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến từ cầu vượt Mai Dịch, điểm cuối của tuyến đường giao với cầu Thăng Long.

Đường mở rộng bên dưới quy mô 6 làn xe đã hoàn thành vào tháng 10/2019, còn đoạn cao tốc trên cao quy mô 4 làn xe có tổng vốn đầu tư 5.340 tỷ đồng, đã hoàn thành vào tháng 10 năm nay. Tuyến đường dài 5,3 km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,8 km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426 m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404 m.

Sau khi hoàn thành, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ khép kín vành đai 3 Hà Nội, giúp các phương tiện từ các tỉnh phía Bắc đi đến phía Nam và ngược lại không phải qua trung tâm, giảm được thời gian lưu thông và ùn tắc trong nội đô.
 

Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2


Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 có tổng mức đầu tư 8.516 tỷ đồng, gồm nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1) và cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân; mở rộng hầm lánh nạn thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với 2 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe.
 
5 dự án giao thông trọng điểm đã hoàn thành trong năm 2020

Hầm đường bộ Hải Vân 2 được khởi công xây dựng từ tháng 12/2016, có chiều dài 6,2 km được xây dựng nhằm giải quyết tình trạng quá tải ở hầm Hải Vân 1. Đến cuối tháng 10/2020, hầm Hải Vân 2 đã được Bộ Giao thông Vận tải nghiệm thu, đảm bảo vận hành cuối năm nay.
 

Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi


Đây là tuyến cao tốc thứ hai được xây dựng ở đồng bằng sông Cửu Long, sau tuyến TP HCM - Trung Lương. Dự án này điểm có đầu kết nối với cầu Vàm Cống (Cần Thơ), điểm cuối nối với tuyến tránh TP Rạch Giá (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang).

Dự án được đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay Hàn Quốc hơn 4.500 tỷ đồng (200 triệu USD), còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách. Cao tốc được thiết kế quy mô đường loại A, vận tốc thiết kế 80 km/h, 4 làn xe, có dải phân cách cứng, kết cấu mặt đường láng nhựa. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư với quy mô 6 làn xe và mặt đường bêtông nhựa, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Theo quy hoạch, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ kết nối với dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mekong (gồm cầu Cao Lãnh, Vàm Cống và đường nối hai cầu dài 28 km, vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng) trở thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Cao tốc này còn kết nối với tuyến N2, thông suốt từ Bình Phước, Bình Dương và TP HCM về đến Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và tận mũi Cà Mau, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển do không phải đi qua Quốc lộ 1A.
 
 
Hà Ly