Nhìn lại bức tranh nông sản năm 2022 (P1): Vấn đề không nằm ở mở rộng sản xuất, mà ở thay đổi tư duy

Trang Mai 09:00 | 20/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), năm 2022, các chỉ tiêu cơ bản về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch được giao, cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch đúng hướng. Thế nhưng, để tạo dấu ấn bứt phá năm 2023, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn đã được dự báo trước, chuyên gia cho rằng quan trọng nhất vẫn là câu chuyện nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản Việt.

Dấu ấn rực rỡ năm 2022

Trong 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Điểm nhấn trong thành quả ngành năm qua là thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021 và chiếm tới gần 76% xuất siêu của cả nền kinh tế.  

 Infographic tình hình sản xuất nông nghiệp trong năm 2022. Nguồn: Tổng cục thống kê

Đây cũng là năm mở cửa được nhiều thị trường mới cho các loại nông sản của Việt Nam sau hàng chục năm nỗ lực đàm phán và hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, tổ yến, chanh leo, sầu riêng, khoai lang... sang Trung Quốc. Mặt hàng bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Cùng với gia tăng số lượng mặt hàng là giá trị nông sản cũng ngày càng được cải thiện. Năm qua, ngành nông nghiệp đã có thêm 3 mặt hàng mới bước vào “câu lạc bộ” kim ngạch xuất khẩu tỷ đô đó là cá ngừ, thức ăn gia súc, phân bón các loại và nguyên liệu.

Tính đến cuối 2022,  cả nước hiện đã có khoảng 5.400 mã vùng cây trồng, vật nuôi đã được cấp. Điều này phần nào thể hiện xu hướng người sản xuất đã chủ động điều chỉnh để sản xuất đúng với nhu cầu của thị trường.

Mã số vùng trồng có nghĩa là mã số “định danh” cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm đảm sự an toàn của nông sản trong từng giai đoạn từ trước và sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản cũng như quy cách đóng gói.

Mã vùng được cấp khi vùng nguyên liệu chỉ trồng một loại cây với diện tích 6-10ha theo quy trình người mua hàng định sẵn.  

Vùng trồng ở đây có nghĩa là một vùng sản xuất chủ yếu một loại cây trồng, hoặc tùy theo yêu cầu của nước nhập khẩu sẽ bao gồm một hoặc nhiều điểm sản xuất.

Chưa thể giải quyết nghịch lý sản lượng cao, giá trị thấp

Tại một diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc mới đây, ông Bob Wang - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), cho biết, cả Việt Nam và Thái Lan đều là những nước xuất khẩu trái cây lớn ở Đông Nam Á. Song điều ngạc nhiên là kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan lại vượt xa Việt Nam trong những năm gần đây. 

Ông chỉ rõ, về sản lượng trái cây 5,43 triệu tấn hàng năm, Thái Lan chắc chắn ở thế yếu so với sản lượng từ 12-13 triệu tấn của Việt Nam. Nhưng về mặt xuất khẩu năm 2022, người Thái dự kiến thu về 8,53 tỷ USD, trong khi của Việt Nam ước đạt 3,2 tỷ USD. Như vậy, sản lượng hoa quả xuất khẩu của Thái Lan chỉ bằng ½ chúng ta, nhưng doanh thu lại gấp gần 3 lần. 

Lý giải về điều này, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ trao đổi với PV rằng, vấn đề lớn nhất của nông sản xuất khẩu hiện nay nằm ở khâu bảo quản, chế biến và tư duy nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Một ví dụ mà vị chuyên gia đưa ra: sau 13 năm kiên trì đàm phán, Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam. Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay, sau khi ký nghị định thư, xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc tăng mạnh. Tính từ 17/9/2022 - ngày xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên đến nay, nước ta đã xuất khẩu hơn 20.000 tấn sầu sang thị trường Trung Quốc. Chỉ trong 1 tháng mở cửa, xuất khẩu sầu riêng thu về gần 79 triệu USD, tăng 294% so với tháng 10/2021. “Sầu riêng giá tăng gấp 3 khi có nghị định thư”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết. 

Nhìn xa hơn, trong thời điểm mùa đông ở Bắc Kinh (Trung Quốc), giá sầu riêng loại ngon nhất dao động từ 600 đến 800 nhân dân tệ/kg, tương đương 2- 2,8 triệu đồng/kg. 

Cơ hội là vậy, thế nhưng sầu riêng vẫn khiến nhiều người “sầu chung” bởi nhiều lý do. Thứ nhất, Trung Quốc vẫn ưa dùng sầu riêng Thái Lan do chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các khâu làm lạnh, đóng gói, bảo quản, độ tươi, ngon và giảm độ đậm đặc của mùi thơm chuyên nghiệp hơn Việt Nam khá nhiều. Thứ hai, Việt Nam đã có những khiếm khuyết rất lo ngại như: Lô hàng 3 tấn xuất sang Đài Loan (Trung Quốc) bị trả về do nghi vấn trái sầu riêng có "nhiễm kim loại nặng", có thể từ các khâu: đất, nước, phân bón, đóng gói và vận chuyển. Tương tự, lô hàng Xuất sang Côn Minh (Trung Quốc) cũng bị phát hiện có "gian lận thương mại" về mã vùng trồng do nông dân mượn vườn của nhau và nhập sầu riêng của Campuchia, dán nhãn mác, mã số vùng trồng Việt Nam. Chưa kể là trong lô hàng xuất đi có nhiều quả chưa đạt chuẩn, còn quả xanh, chưa đến độ thu hoạch. 

Ông Thủy chỉ ra rằng chính do chất lượng không đảm bảo nên giá cả sầu riêng của Việt Nam cũng không ổn định, hiện chỉ bằng ⅓ của Thái Lan. Đáng nói, hiện quả sầu riêng của nước ta mới có ở sạp hàng 2 tỉnh phía Nam Trung Quốc, trong khi đối thủ trực tiếp đã vào được thị trường lớn tại Thượng Hải và Bắc Kinh, nơi có sức mua lớn và mức tiêu dùng cao, kéo theo đó là giá sầu riêng xuất khẩu của Thái Lan cũng cao hơn Việt Nam rất nhiều. 

So rộng hơn, cũng với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan, có thể thấy xuất khẩu rau quả của Thái Lan tăng đều đặn, từ 3,76 tỷ USD năm 2019 lên hơn 4,2 tỷ USD năm 2020 và 5,3 tỷ USD vào năm 2021. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt đỉnh 3,7 tỷ USD trong năm 2019, thậm chí vượt mức xuất khẩu gạo cùng kỳ; rồi giảm trong hai năm tiếp theo, xuống còn 3,26 tỷ USD vào năm 2020 và 3,55 tỷ USD vào năm 2021. 

 

Những con số thực tế đã nói lên rằng, Việt Nam vẫn đang "thua" Thái Lan về tư duy sản xuất. Ở những vùng chuyên canh trồng sầu riêng của Thái Lan, chất lượng, mẫu mã sầu riêng rất đẹp, cùng với hệ thống phân phối mạnh. Vài lợi thế nhất định của sầu riêng Việt trong hiện tại chưa thể xác lập đẳng cấp cao hơn so với hàng Thái, vị chuyên gia nông nghiệp phân tích.

"Việc không thể kiểm soát quy mô, vùng trồng, chất lượng sẽ rất dễ dẫn tới mất uy tín thương hiệu, thậm chí khiến người dùng “quay lưng”. Dù thị trường có tiềm năng đến mấy, thế nhưng không nắm giữ cơ hội thì sầu riêng sẽ thành “sầu chung" ", ông Thủy nói.

Bên cạnh sầu riêng, ông Thủy viện dẫn một mặt hàng khác của Việt Nam cũng đang đối diện với nhiêu diễn biến không thuận lợi là mật ong. Hiện nay, Mỹ là khách hàng nhập khẩu lớn nhất của mật ong Việt Nam, chiếm khoảng 95% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam và đã áp thuế chống bán phá giá (CBPG) mật ong Việt Nam từ 410,93-413,99%.  

Hiện nay, mức thuế CBPG với sản phẩm mật ong Mỹ áp dụng chính thức cho các doanh nghiệp Việt giảm còn 58,74 - 61,27%, tức giảm khoảng 7 lần so với trước đó. Mức thuế này được áp dụng với các lô hàng mật ong nhập khẩu vào Mỹ từ 25/8/2022. Thời gian áp thuế thông thường là 5 năm và DOC có thể tiến hành rà soát hành chính thuế CBPG hàng năm.

Dù đã giảm mạnh nhưng với mức thuế này, mật ong Việt Nam ở thế yếu khi cạnh tranh với mặt hàng này của nhiều nước khác xuất khẩu vào Mỹ. Cụ thể, mức thuế CBPG mà Mỹ áp dụng cho Ấn Độ chỉ 5,85%, trong khi mức áp dụng đối với Việt Nam cao gấp 10 lần. 

Hay với mặt hàng gạo, trong những năm vừa qua, Việt Nam tập trung vào mặt hàng gạo dẻo, gạo thơm,..., làm gạo tăng giá và vượt qua Thái Lan. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 10/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 425-430 USD một tấn, ghi nhận mức cao nhất trong một năm qua. Mức giá này đã khiến gạo Việt cao hơn hàng cùng loại của Ấn Độ khoảng 48-51 USD một tấn và Thái Lan 18-25 USD một tấn. Ước tính 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo đã đạt hơn 6 triệu tấn, thu về gần 3 tỷ USD, tăng hơn 17% về khối lượng và hơn 7% về giá trị so với cùng kỳ 2021.

Nhưng cũng chính do thiếu sự dự báo tốt nên gạo Việt Nam đã bị mất cân bằng cơ cấu ở gạo trắng, gạo ở phẩm cấp trung bình trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động và xã hội đang trong giai đoạn cắt giảm chi tiêu; dẫn đến thời gian qua phải nhập về 1 triệu tấn gạo trắng của Ấn Độ, ông Thủy cho hay. Lượng gạo nhập về chủ yếu phục vụ sản xuất bún, bánh, thức ăn chăn nuôi và sản xuất bia, rượu…

"Như vậy, vấn đề không nằm ở mở rộng quy mô sản xuất, mà nằm ở chính việc thay đổi tư duy. Nếu không chỉnh đón, chúng ta không những không tận dụng được hết cơ hội mà thậm chí có thể bỏ lỡ những thị trường hấp dẫn", ông Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.