Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 3% năm 2023

Lạc Lạc 08:37 | 31/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng 30/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp báo kết quả công tác năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm 2023. Với những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế, thế nhưng toàn ngành vẫn đặt ra những kế hoạch thận trọng cho năm sau.

XUẤT KHẨU LÀ ĐIỂM SÁNG TRONG BỨC TRANH TOÀN NGÀNH 2022

Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ NN&PTNT đã tổng kết lại một số điểm nổi bật trong tình hình hoạt động của ngành nông nghiệp trong năm qua.

Đại diện Bộ cho biết, năm 2022 giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) đạt 3,36%, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88% (trồng trọt tăng 1,51%, chăn nuôi tăng 5,93%); thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; tỷ lệ che phủ rừng trên 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; kịp thời tháo gỡ nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu NLTS đạt kỷ lục mới. Năm 2022, xuất khẩu NLTS đạt kết quả cao kỷ lục 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD. Cũng trong 2022, nước ta đã ghi dấu những nỗ lực đàm phán và hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến, chanh leo, sầu riêng, khoai lang... sang Trung Quốc. Quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

 Ảnh: Nhịp sống thị trường

Đáng chú ý, năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD.

 

Ngoài việc tăng trưởng giá trị tuyệt đối, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho rằng thành công trong xuất khẩu của ngành nông nghiệp còn là mở cửa thị trường. Nhiều nông sản, trái cây đã chạm ngõ được các thị trường khó tính. Đặc biệt, trong năm 2022, Việt Nam đã ký được 4 nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng, chuối, khoai lang và tổ yến.

Chia sẻ với báo chí, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nông sản cũng đang tái cơ cấu để chiếm lĩnh các thị trường. Nếu chúng ta không tái cơ cấu chắc chắn và chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường thì sẽ không bao giờ có kết quả như vậy. 

 Thứ trưởng Phùng Đức Tiến - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Mai Trang

 

Cũng trong năm qua, thủy sản xuất khẩu ước đạt gần 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so với kế hoạch 9 tỷ USD. Đặc biệt, hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng đó là tôm với khoảng 4,2 tỷ USD (tăng khoảng 13% so với năm 2021), cá tra đạt 2,35 tỷ USD (tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước). Nhiều mục tiêu của ngành như "tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác", quản lý hạn ngạch khai thác thủy sản, giảm số lượng tàu cá nhất là loại dưới 15m... được thực hiện đồng bộ.

NỀN NÔNG NGHIỆP TIẾP TỤC CHUYỂN TỪ NÂU SANG XANH

Cũng theo Thứ trưởng, trong 11 sản phẩm của ngành nông nghiệp có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD năm 2022, có 2 sản phẩm mới là phân bón, thức ăn và nguyên liệu thức ăn. Ông đánh giá, điều này khẳng định ngành đang đi đúng hướng về tái cơ cấu cũng như triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững.

"Những con số tăng trưởng và cơ cấu thị trường cho thấy, nền nông nghiệp đang chuyển từ nâu sang xanh, trong đó có việc kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; kiểm soát chất lượng phân bón. 

Khi Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường thẩm tra luật bảo vệ thực vật, Việt Nam nhập khẩu 120.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nhưng đến nay chỉ còn 67.000 tấn, tương đương 1,62kg/ha, đứng thứ 80 trên thế giới và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. 

Phân hữu cơ xấp xỉ 3 triệu tấn, phân vô cơ được kiểm soát rất chặt và có chương riêng trong Luật trồng trọt” - Thứ trưởng nhấn mạnh. 

TRIỂN VỌNG 2023: NHIỀU THÁCH THỨC BỦA VÂY

Năm 2023 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới; đặc biệt là tác động từ xung đột Nga - Ukraine... Mặc dù vậy, ngành Nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu, như sau:

Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD. "Trên cơ sở thành công của năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát huy lợi thế về nông sản và mở cửa thêm các thị trường trong năm 2023. Toàn ngành nông nghiệp cam kết đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trước nhiều ý kiến cho rằng với sự tăng trưởng của năm nay, mục tiêu tăng trưởng 3% dường như hơi “thận trọng”, ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, nông nghiệp là một ngành đặc thù, hơn nữa 2023 sẽ là một năm rất khó khăn với thị trường chung cả nước. Vụ trưởng cho biết mức nền cao trong năm 2022 vừa là áp lực, vừa là động lực cho sự phấn đấu trong năm sau. Đạt được con số tăng trưởng 3% và xuất khẩu 54 tỷ USD cũng là một sự phấn đấu của toàn ngành.