Xuất siêu không đáng kể, hướng đi nào cho các doanh nghiệp trong nước?

Trang Mai 17:25 | 30/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục thống kê, luỹ kế 11 tháng 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 673,82 tỷ USD, vượt 5,3 tỷ USD so với cả năm 2021. Trong đó giá trị xuất khẩu đạt 342,21 tỷ USD, nhập khẩu đạt 331,61 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 ước tính xuất siêu 0,78 tỷ USD 

Doanh thu xuất khẩu trong tháng 11 ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,38 tỷ USD, tăng 0,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,8 tỷ USD, giảm 5,4%. Trong cơ cấu xuất khẩu, công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất với 89%, tương đương 25,97 tỷ USD. 

Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 87,46 tỷ USD, tăng 10,1% và chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 254,75 tỷ USD, tăng 14,6%. 

 Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2022. Ảnh: Tổng hợp từ Tổng cục thống kê

 

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 ước đạt 28,4 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,16 tỷ USD, tăng 6,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,24 tỷ USD, giảm 0,6% so với 11 tháng 2021. Trong cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu, nhóm tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất với 93,6%, tương đương 27,3 tỷ đồng.

Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 115,42 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 216,19 tỷ USD, tăng 9,6%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,6%, trong đó bao gồm nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm và nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng. 

Về thị trường, EU và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Hàng loạt khó khăn với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2022 ngày 28/11 tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; lạm phát gia tăng khiến Chính phủ nhiều nước thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn.

Bên cạnh đó, những mối lo khi đồng USD tăng sẽ tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đang đối diện với thực trạng đơn hàng giảm, siết chặt tín dụng gây khó khăn trong quá trình xoay vốn, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành ngày càng gay gắt. 

Theo VnEconomy, để vượt qua được những khó khăn hiện tại, hoàn thành được chỉ tiêu xuất nhập khẩu đề ra trong cả năm 2022, doanh nghiệp cần cập nhật tình hình bạn hàng, nước nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng của các nước có quan hệ với Việt Nam.

Tiếp đó cần thống nhất quan điểm không chỉ dựa vào các thị trường truyền thống và có kim ngạch nhập khẩu hàng hoá lớn từ Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang một số nước khác để bù đắp kim ngạch xuất khẩu truyền thống bị giảm sút.

Cuối cùng là cần đa dạng hoá mặt hàng, linh hoạt trong phương thức thanh toán, chủ động về nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất xuất khẩu, đa dạng hoá các phương tiện vận chuyển để giảm chi phí xuất khẩu đi các nước.