NHNN: Tiền ảo không phải là tiền điện tử

18:07 | 07/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có dự thảo báo cáo về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử, trong đó khẳng định tiền ảo không phải là tiền điện tử.

Văn bản này được gửi đến các cơ quan liên quan lấy ý kiến, sau đó tổng hợp, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ. Theo NHNN, tại Việt Nam, khái niệm tiền điện tử đã xuất hiện và xâm nhập vào đời sống, nhưng do chưa có định nghĩa cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật nên thường được hiểu lẫn sang khái niệm tiền ảo (cryptocurrency).

Theo ECB, tiền ảo khác tiền điện tử ở một số điểm sau: Thứ nhất, đơn vị đo lường của tiền điện tử là đồng tiền truyền thống (như EUR, USD…) với địa vị tiền pháp định. Trong khi đó, tiền ảo là đồng tiền phát minh (như Đô la Linden, Bitcoin…), không có đơn vị tiền pháp định.

Thứ hai, tiền điện tử được chấp nhận bởi những người không phải là nhà phát hành. Còn tiền ảo thường được sử dụng trong một cộng đồng ảo nhất định.

Thứ ba, tiền điện tử chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, trong khi tiền ảo không có sự quản lý.

Thứ tư, tổ chức phát hành tiền điện tử được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật; cung tiền điện tử là cố định. Với tiền ảo, người phát hành là công ty phi tài chính thuộc khu vực tư nhân hoặc dưới dạng phần mềm mã nguồn mở; cung tiền là không cố định.

Ngoài ra, NHNN đã đưa ra nhiều định nghĩa của các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản: “Tiền điện tử là một trong những công cụ thanh toán bán lẻ điện tử gắn liền với giá trị lưu trữ hoặc công cụ thanh toán điện tử trả trước, trong đó người sử dụng phải nạp một số tiền trả trước để có thể sử dụng”.

Như vậy, rất rõ ràng, tiền điện tử mà NHNN đề cập đến ở đây là tiền tệ được số hóa, sau đó sử dụng trong môi trường công nghệ thông tin. Chẳng hạn ghi nợ qua thẻ, thanh toán qua thẻ, chuyển tiền qua hệ thống Internet Banking, ví điện tử…

Điều này đồng nghĩa với việc NHNN phân tách hoàn toàn tiền ảo khỏi tiền điện tử và trong "báo cáo về việc rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử" gửi Thủ tướng sẽ chỉ tập trung vào tiền điện tử - loại tiền hiện đã rất phổ biến hiện nay.

Trước đó vào tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Đề án đưa ra 6 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ “Rà soát, nghiên cứu và đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử” do NHNN chủ trì.

Đối với 5 nhiệm vụ còn lại, Bộ Tư pháp chủ trì 3 nhiệm vụ bao gồm: Rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan (hạn cuối tháng 8/2018); Lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo (tháng 12/2018); Nghiên cứu, lập đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện khung pháp lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo (tháng 12/2020).

Bộ Tài chính chủ trì nhiệm vụ “Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo” (hạn cuối tháng 6/2019). Trong khi đó, Bộ Công an chủ trì nhiệm vụ “Nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo”.

Theo Enternews