Nhớ Thủ tướng Phan Văn Khải - Người đặt nền móng hội nhập và phát huy vai trò kinh tế tư nhân

21:27 | 17/03/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Dấu ấn quan trọng mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam trong gần 2 nhiệm kỳ làm Thủ tướng (1997-2006) là: Đưa nền kinh tế nước nhà vượt qua khó khăn, phát triển tư duy hội nhập, mở cửa thị trường, phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, vai trò của doanh nghiệp.

Nhớ Thủ tướng Phan Văn Khải - Người đặt nền móng hội nhập và phát huy vai trò kinh tế tư nhân - ảnh 1
Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải. Nguồn: Internet. 
Chèo lái kinh tế đất nước vượt qua khủng hoảng

Ông Phan Văn Khải được bầu làm Thủ tướng tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá 10 vào tháng 9/1997, thời điểm mà nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ của khu vực châu Á.

Là một Thủ tướng vừa có quá trình chiến đấu nhưng được đào tạo bài bản về kinh tế tại Liên bang Xô viết, trải qua nhiều cương vị tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế của Trung ương Cục nên ông có một tầm nhìn kinh tế chiến lược.

Dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, lần đầu tiên trong thiết chế Chính phủ của Việt Nam hình thành một Ban nghiên cứu giúp việc cho Thủ tướng. Điều này đã giúp cho ông Phan Văn Khải có được những tham mưu, phản biện độc lập và hiệu quả trong quá trình hoạch định chính sách, đưa kinh tế đất nước vượt qua khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên của Ban nghiên cứu giúp việc cho Thủ tướng Phan Văn Khải kể lại: Các thành viên thuộc Ban nghiên cứu đều có tài sản rất lớn là chế độ “5 không”: Không biên chế, không lương, không chức vụ, không có cấp trên cấp dưới và quan trọng nhất là không bị ràng buộc, hạn chế gì khi góp ý kiến với Thủ tướng. Do không nắm quyền lực, không vướng bận về địa vị, quyền lợi, không lo “giữ ghế” nên các thành viên trong tổ chức tư vấn làm việc với tinh thần khách quan, thực sự cầu thị, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, cởi mở, thẳng thắn khi thảo luận với nhau cũng như khi báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng.

Trong gần 9 năm giữ cương vị Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam vượt qua khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP trung bình 7%.

Tư duy đột phá đưa kinh tế Việt Nam hội nhập

Theo TS. Trần Du Lịch, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, di sản của Thủ tướng Phan Văn Khải để lại chính là "đi trước một bước" tư tưởng về thị trường và hội nhập: "Cố Thủ tướng là người kiên trì với tư duy Việt Nam muốn phát triển phải đi vào thị trường và đi vào hội nhập". 

Nhớ Thủ tướng Phan Văn Khải - Người đặt nền móng hội nhập và phát huy vai trò kinh tế tư nhân - ảnh 2
Tổng thống Mỹ George W.Bush tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải tại Nhà Trắng năm 2005. Nguồn: Internet.
Hai chuyến thăm lịch sử - thăm Mỹ và Canada của Thủ tướng Phan Văn Khải đã mang lại thành công về nhiều mặt: Nâng cao vị thế của Việt Nam trong công tác đối ngoại trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế thương mại, đầu tư.

Theo báo cáo của VCCI, tổng giá trị các hợp đồng mà doanh nghiệp các bên đã ký kết thông qua 2 chuyến thăm đạt hơn 1,4 tỷ USD, thu hút vốn viện trợ đầu tư phát triển vào Việt Nam; tạo ra mối quan tâm cao đối với dư luận chung và dư luận tại Mỹ, Canada về Việt Nam; tăng cường các quan hệ hợp tác về nhân đạo, y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, an ninh quốc phòng.

Đáng chú ý, lần đầu tiên một vị Thủ tướng của nước Việt Nam thống nhất đi thăm Mỹ và chuyến đi có ý nghĩa lịch sử này được đánh giá là thành công tốt đẹp ngoài dự kiến.

Đây cũng là lần đầu tiên, thông qua chuyến thăm, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thương mại với quy mô đông đảo, đa dạng nhất cùng các mối liên kết hợp tác làm ăn với doanh nghiệp các nước, mở ra triển vọng trao đổi mậu dịch và đầu tư vào Việt Nam tăng cao.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Peter Peterson trong một cuộc phỏng vấn về sự kiện Thủ tướng Phan Văn Khải thăm hữu nghị chính thức nước Mỹ, đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải là cực kỳ quan trọng từ trước đến nay. Thậm chí còn quan trọng hơn cả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton. Cựu Đại sứ Mỹ cho rằng chỉ có người lãnh đạo của Việt Nam mới có thể giúp dân Mỹ hiểu về Việt Nam.

Sau chuyến thăm, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã đề nghị các bộ ngành, giới doanh nghiệp nhanh chóng triển khai thực hiện tốt những nội dung đã ký kết; tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu; thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào VN cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường Bắc Mỹ.

Luật Doanh nghiệp năm 2000 - quyết sách bước ngoặt

Trong năm 2000, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cùng có hiệu lực từ 1/7/2006.

Sự kiện này đánh dấu chặng đường 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam có được một khung pháp luật về đầu tư cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Nhờ đó, từ năm 2000 đến năm 2005, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt được những bước tiến dài. Đây cũng là thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với những cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và tự do hóa hoạt động đầu tư. Nhiều dự án công trình lớn được khởi công xây dựng như cầu Cần Thơ, cầu Vĩnh Tuy.

Nhớ Thủ tướng Phan Văn Khải - Người đặt nền móng hội nhập và phát huy vai trò kinh tế tư nhân - ảnh 3
Thủ tướng Phan Văn Khải dự khánh thành cầu Tân Đệ qua sông Hồng. Nguồn: TTXVN

Quan điểm "nuôi dưỡng sức dân" bằng việc coi trọng kinh tế tư nhân của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đến nay vẫn còn tiếng vang.

Khi đặt vấn đề giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải nói rằng: “Nếu người dân đầu tư hiệu quả hơn thì tại sao chúng ta lại thu tiền về nhiều?”.

Nhà nước không làm thay thị trường, cái gì thị trường làm tốt thì Nhà nước không nên làm. Đó là quan điểm rất rõ của ông Phan Văn Khải.

Chính nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người điều hành việc thí điểm cổ phần hoá. Ông Khải là người quyết định chính thức vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước từ 1995, từ thời ông còn giữ chức Phó Thủ tướng.

Năm 2000, dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, thị trường chứng khoán ra đời. Đó là một dấu ấn rất lớn, ông Khải quyết tâm xây dựng dù thời điểm đó còn rất nhiều khó khăn.

Sự đột phá trên, đặc biệt là những đột phá liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân của ông Phan Văn Khải đã làm chỗ dựa cho việc đàm phán để kết thúc Hiệp định thương mại Việt-Mỹ và Việt Nam gia nhập WTO năm 2006.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã đặt nền móng cho cuộc cải cách giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước, bộ ngành vào nền kinh tế, từng bước hình thành nền kinh tế thị trường, mở rộng quyền tự do cho các doanh nghiệp.

"Lịch sử kinh tế Việt Nam phải ghi công ông Khải như một Thủ tướng có nhiều ý tưởng, công lao cải cách, hội nhập. Một người kế thừa, xây dựng nên nền móng kinh tế vững chắc để Việt Nam có thể hội nhập, phát triển với kinh tế khu vực và quốc tế sau này".