Những chuyến tàu nghĩa tình, đưa hàng nghìn công dân từ Miền Nam về Quảng Bình
4 nhóm đối tượng ưu tiên lần này vẫn tiếp tục là phụ nữ mang thai (tình trạng sức khỏe bà mẹ và thai nhi ổn định); phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; học sinh đang học tập tại các Trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vào thăm người thân; và cuối cùng là người già (nam từ 60 tuổi trở lên, nữ từ 55 tuổi trở lên) đi thăm người thân, nhưng mắc kẹt không về được.
Điều kiện công dân được Tổ công tác Quảng Bình tiếp nhận để đón về quê, phải có trong danh sách được đăng ký tại UBND xã trước đó, xã tổng hợp gửi cho UBND huyện phê duyệt và gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội "chốt" danh sách.
Muốn về quê, các công dân phải có xét nghiệm RT-PRC hoặc test nhanh kháng nguyên Âm tính với SARS-CoV-2, trong 72 giờ trước khi trở về địa phương. Công dân phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của tỉnh khi trở về quê và sau hoàn thành cách ly tập trung…
Các toa tàu đã được phun xịt khử khuẩn trước khi khởi hành. Hành khách và nhân viên phục vụ trên tàu đều đã được xét nghiệm Covid-19 và cho kết quả âm tính. Trên tàu có tổ y tế, sẵn sàng giải quyết các vấn đề xảy ra trong suốt hành trình.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, có 2.977 công dân được đón về lần này. Đoàn tàu số 1 chở 746 người, đoàn tàu thứ 2 chở 721 khách, đoàn tàu 3 chở 754 người và đoàn tàu thứ 4 chở 756 công dân. Sau khi rời ga Sài Gòn, các đoàn tàu dừng ở ga Dĩ An (Bình Dương) và ga Biên Hòa (Đồng Nai) để đón công dân tỉnh Quảng Bình đang sinh sống, làm việc ở 2 địa phương này.
Khi về đến Quảng Bình, tàu dừng ở các ga: Mỹ Đức, Đồng Hới, Hoàn Lão, Minh Lệ và Đồng Lê để các huyện, thành phố, thị xã lần lượt đón người dân của địa phương mình để thực hiện cách ly y tế theo từng xã, thị trấn. Công dân cũng được xét nghiệm nhanh và được phân loại dựa trên kết quả tiêm vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh để có biện pháp cách lý phòng dịch phù hợp theo quy định.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình - Trần Thắng cho biết, các địa phương trong tỉnh đã kích hoạt khu cách ly tập trung cấp huyện và mỗi xã có 1 điểm cách ly để đón công dân của mình về quê. Đặc biệt, trong quá trình cách ly y tế, các địa phương phải chú ý quan tâm đến đối tượng là phụ nữ mang thai, người già và trẻ nhỏ, nhất là về chế độ dinh dưỡng; sẵn sàng các giải pháp y tế nhằm giải quyết tốt các tình huống phát sinh và chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, toàn bộ công dân sau khi về địa phương sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế đúng quy định phòng, chống dịch Covid-19.
“Sở phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh và TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam để tập trung, xây dựng các phương án đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển, cũng như các phương án phòng chống dịch. Làm sao đó để bà con trở về đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch an toàn tuyệt đối”, ông Nguyễn Trường Sơn cho hay.
Trên chuyến tàu SE16 chở các công dân tỉnh Quảng Bình ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê, một sản phụ có dấu hiệu trở dạ. Tổ tàu cùng các bác sĩ đã hỗ trợ và sản phụ sinh ra một bé trai, mẹ tròn con vuông. Khi sản phụ Nguyễn Thị Nhâm (29 tuổi) có dấu hiệu trở dạ sắp sinh, tiếp viên trên tàu đã báo cho trưởng tàu SE16 Trần Văn Trí cùng các bác sĩ của đoàn công tác tỉnh Quảng Bình xuống toa hỗ trợ. Sản phụ đã sinh ra một bé trai nặng 3kg, mẹ tròn con vuông. Hai mẹ con được tổ tàu và bác sĩ theo dõi và chờ đến ga Diêu Trì (tỉnh Bình Định) để chuyển đến bệnh viện.
Anh Đinh Ngọc Huy (sinh năm 1991) không cất chiếc ba lô của mình lên kệ tàu hoặc mang trên vai mà chọn cách ôm trong lòng. Vì trong chiếc ba lô có một thứ vô cùng quan trọng đối với anh. Anh Huy tâm sự: “Trong đây là hài cốt của anh trai tôi. Tôi ở TP.HCM còn anh trai ở Bình Dương. Anh ấy đã qua đời vì Covid, tôi mới nhận tro cốt của anh tối qua 8/9 và hôm nay 9/9 tôi mang anh trở về. Đứa con duy nhất của anh trai tôi cũng đang ở quê nên tôi mang tro cốt của về với con mình"
"Sau khi lo cho anh ổn định tôi sẽ trở lại TP.HCM để tiếp tục cộng việc. Tôi nhận được thông tin tàu hỗ trợ về quê Quảng Bình từ Facebook, các trang tin thông báo của hội đồng hương… nên tôi đã đăng kí”, anh Huy chia sẻ.