Những con số `biết nói` xoay quanh hiệp định RCEP

11:41 | 17/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) chính thức được ký kết ngày 15/11, đây được xem như một siêu hiệp định. Một FTA lớn nhất thế giới, và mang lại nhiều lợi ích cho các nước tham gia.
Trải qua nhiều vòng đàm phán kể từ năm 2012 giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác đối thoại, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức được ký kết vào ngày 15/11/2020, đây được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới bởi bao trùm một thị trường khổng lồ có quy mô 24,8 nghìn tỷ USD và hơn 2,3 tỷ người.
 

8 năm đạt được" một hiệp định siêu khu vực"

 

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Hiệp định RCEP bắt đầu vào cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh (Campuchia). Như một sáng kiến của ASEAN nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước trong khối và 6 đối tác thương mại lớn
 
6 quốc gia này, bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand và Hàn Quốc, đều đã có thỏa thuận tự do mậu dịch (FTA) riêng lẻ với ASEAN. Với việc ký kết một thỏa thuận bao trùm là RCEP, thương mại giữa các quốc gia thành viên sẽ được thúc đẩy nhờ hàng rào thuế quan được hạ thấp, các quy định và thủ tục hải quan được quy chuẩn hóa, và cánh cửa thị trường được mở rộng hơn giữa các nước hiện chưa có FTA với nhau.
 
Những con số `biết nói` xoay quanh hiệp định RCEP - ảnh 1
 
16 nước bắt đầu đàm phán RCEP vào năm 2013, trong khi một thỏa thuận thương mại lớn khác là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang được đàm phán. Do Trung Quốc tham gia RCEP và Mỹ đang dẫn đầu TPP - thỏa thuận khi đó được kỳ vọng sẽ trở thành FTA lớn nhất thế giới - đã có nhiều ý kiến cho rằng RCEP sẽ là một cách để Bắc Kinh đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Washington trong khu vực.
 
Tuy nhiên, sau khi cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi TPP vì cho rằng đây là một thỏa thuận tồi cho Mỹ. Các nước còn lại trong thỏa thuận, gồm Việt Nam và Nhật Bản, tiếp tục đàm phán, đi đến ký kết, và thực thi TPP từ cuối năm 2018. Thỏa thuận này đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
 
Giống như CPTPP, Hiệp Định RCEP là một thỏa thuận không dễ dàng và là một nỗ lực của các nước chống lại chủ nghĩa bảo hộ cho dù nước Mỹ thời ông Trump chủ trương sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại.
 
Những con số `biết nói` xoay quanh hiệp định RCEP - ảnh 2
 
Nhìn lại hành trình 8 năm qua, như Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia Mohamed Azmin Ali đã gọi đó “8 năm đàm phán bằng máu, mồ hôi và nước mắt” với rất nhiều giai đoạn khó khăn. 
 
Sau khi rút Mỹ khỏi TPP, ông Trump đã áp thuế quan lên nhiều mặt hàng từ các đối tác thương mại của Mỹ mà ông cho là có hành vi thương mại bất bình đẳng. Đặc biệt, cuộc chiến thương mại mà ông châm ngòi với Trung Quốc đã kéo dài hơn 1 năm rưỡi, gây sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đến nay vẫn chưa có hồi kết. Trong bối cảnh như vậy, sự cấp bách phải hoàn tất RCEP càng gia tăng.
 

26.200 tỷ USD GDP - FTA lớn nhất thế giới 

 

Theo kế hoạch ban đầu, những mảng bao phủ chính gồm có thương mại hàng hoá và dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế/kỹ thuật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP), cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, thương mại điện tử và các vấn đề của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (vấn đề sau cùng bao gồm việc giúp gắn kết khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đang chiếm hơn 90% các doanh nghiệp thành lập trên toàn Hiệp định RCEP).
 
Khi được ký kết và đi vào thực thi, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với GDP chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD, chiếm 47,5% dân số thế giới. RCEP, gồm 15 nước thành viên, là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và tác động vượt ra khỏi tầm khu vực. Đóng góp khoảng 1/3 tổng sản phẩm (GDP) toàn cầu, 29,1% thương mại thế giới và 32,5% đầu tư toàn cầu.
 
Những con số `biết nói` xoay quanh hiệp định RCEP - ảnh 3
 
Không chỉ riêng ASEAN, ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan  và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%. 

Theo ước tính, RCEP loại bỏ khoảng 90% thuế quan, nhưng chỉ trong khoảng thời gian 20 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Mức độ bao phủ các dịch vụ của RCEP hầu như không chạm đến lĩnh vực nông nghiệp. Nhật sẽ duy trì thuế nhập khẩu cao đối với một số sản phẩm nông nghiệp như gạo, lúa mì, thịt bò, thịt lợn, sữa và đường, được cắt giảm theo TPP.

Tuy nhiên, RCEP đã tạo ra một bước đột phá mới trong việc hài hòa hóa các điều khoản về quy tắc xuất xứ khác nhau trong ASEAN và thiết lập các quy tắc nội dung khu vực để hàng hóa trung gian có nguồn gốc từ bất kỳ quốc gia nào trong số 15 quốc gia. 

Do đó, RCEP sẽ ​​có tác động kinh tế đáng chú ý. RCEP sẽ nâng GDP toàn cầu hàng năm vào năm 2030 thêm 186 tỉ USD (so với mức tăng 147 tỉ USD từ CPTPP). Lợi ích RCEP sẽ đặc biệt lớn đối với Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc. RCEP cũng sẽ thúc đẩy các nỗ lực của 3 quốc gia đó để đạt được FTA 3 bên của riêng họ.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực RCEP được ký kết sẽ giúp giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời đặt ra các quy tắc về truyền dữ liệu. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp ở các nước thành viên, đặc biệt những nước có quan hệ thương mại lớn và là những đối tác thương mại lớn của nhau.

Không chỉ riêng ASEAN, RCEP còn góp phần đem lại sự thịnh vượng chung và an ninh chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương bằng cách xây dựng sự chắc chắn và tin cậy chính trị, khiến châu Á thành nền kinh tế năng động, cởi mở, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia, cùng hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực. Tầm quan trọng của hiệp định này có ý nghĩa rất lớn đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh thế giới đang bị ảnh hưởng rất nhiều, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy bởi đại dịch COVID-19.

Vì vậy, việc ký kết được RCEP sẽ tạo nên một sức bật mới, một cú hích mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực, đặc biệt là các nước tham gia ký kết.

việc ký kết RCEP sẽ gửi đi một thông điệp vang dội về sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời thúc đẩy niềm tin vào sự ổn định và hội nhập của nền kinh tế khu vực. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, điều quan trọng đối với ASEAN là phải cho thế giới thấy rằng chúng ta đang mở cửa kinh doanh, với một nền kinh tế ổn định và hội nhập, tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất theo RCEP là việc tạo ra các quy tắc xuất xứ chung cho toàn khối. Sau khi được thực hiện, các nước RCEP sẽ chỉ yêu cầu một chứng chỉ xuất xứ duy nhất. Điều này sẽ cho phép các công ty dễ dàng vận chuyển sản phẩm giữa các quốc gia RCEP mà không cần phải lo lắng về các tiêu chí quy tắc xuất xứ cụ thể ở mỗi quốc gia hoặc cho từng bước sản xuất. Quy tắc xuất xứ chung cho khối RCEP sẽ giảm chi phí cho các công ty có chuỗi cung ứng trải dài khắp châu Á và có thể khuyến khích các công ty đa quốc gia xuất khẩu sang các nước RCEP thiết lập chuỗi cung ứng trong toàn khối. RCEP cũng bao gồm các điều khoản hạn chế về dịch vụ, đầu tư và tiêu chuẩn. Trong mỗi lĩnh vực này, các quy tắc tương đối khiêm tốn. Nhưng phần về sở hữu trí tuệ mạnh hơn dự kiến ​​và các quy tắc về bản quyền kỹ thuật số vượt ra ngoài những gì đã có trong CPTPP. Hiệp định không bao gồm các chương về lao động hoặc môi trường. RCEP có điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước. RCEP cũng bao gồm một chương cạnh tranh; tuy nhiên, không giống như CPTPP, nó không bao gồm các nguyên tắc đối với doanh nghiệp nhà nước.

 

Lần đầu tiên Trung Quốc tham gia FTA đa phương

 

Trung Quốc đã tìm cách thiết lập một mạng lưới FTA với các đối tác thương mại như một phần trong nỗ lực củng cố ảnh hưởng kinh tế của mình, và những nỗ lực đó đã tăng lên đáng kể khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại lớn hơn và áp đặt một loạt thuế quan đối với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Mexico và Liên minh châu Âu (EU).

Sau khi được ký kết, RCEP sẽ là FTA đa phương đầu tiên mà Trung Quốc tham gia, giúp tăng cường tầm ảnh hưởng kinh tế trong khu vực đồng thời mở đường cho khả năng tham gia của Bắc Kinh vào các FTA tiên tiến hơn.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, Trung Quốc đã đạt được các FTA song phương với 17 quốc gia và khối khu vực, và đang đàm phán thương mại tự do với 15 quốc gia. Trong khi đó, Trung Quốc đang đàm phán kéo dài với EU về một hiệp ước đầu tư, mặc dù khả năng tiếp cận thị trường vẫn còn là một trở ngại. Trung Quốc cũng đã đàm phán với Nhật Bản và Hàn Quốc kể từ năm 2012 về một FTA ba bên, nhưng đã đạt được rất ít tín hiêu tích cực cụ thể.

"Trung Quốc đã phá vỡ những nguyên tắc ngoại giao để đưa RCEP vượt qua ranh giới", Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, nhận xét. "Dù RCEP tương đối hẹp, ít nhất so với CPTPP, hiệp định này vẫn rất lớn khi bao phủ nhiều nền kinh tế và các loại hàng hóa. Và đây là một hiệp định hiếm hoi trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng lên ngôi như hiện nay". 

Những con số `biết nói` xoay quanh hiệp định RCEP - ảnh 4
 
Hiệp định này cũng là "trái ngọt" của những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Bắc Kinh nhằm hội nhập kinh tế nhiều hơn với khu vực kinh tế chiếm gần 30% GDP toàn cầu. Hơn thế nữa, tác động của hiệp định này có thể còn vượt ra khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 
 
Theo William Reinsch, một quan chức thương mại trong chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton và hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, việc RCEP có thể thay đổi được động lực trong khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc hay không còn phụ thuộc vào phản ứng của Mỹ. 
 
Chuyên gia này nhận định dù RCEP không phủ rộng như CPTPP, việc thực thi hiệp định này cũng có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn hơn khi cạnh tranh với khối hợp tác kinh tế do Trung Quốc hậu thuẫn với tổng GDP hơn 28.000 tỷ USD. 
 
Dù vậy, theo giới phân tích, nhiều quốc gia tham gia hiệp định này có thể quan ngại về việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Nhật Bản là một trong những quốc gia đang đánh giá lại chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Và động thái cấm nhập khẩu một số mặt hàng quan trọng từ Australia của Bắc Kinh càng cho thấy những rủi ro của việc phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 
 
 
Nguyễn Dung(t/h)