SSI: Hoa Sen (HSG) doanh thu 2023 có thể giảm sâu nhưng lãi ròng lại tăng
Ngày 13/3, Công ty Chứng khoán SSI vừa có báo cáo phân tích CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG). Nhóm phân tích đánh giá triển vọng kinh doanh năm 2023 của công ty với doanh thu thuần dự kiến đạt 33.938 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ, lãi ròng đạt 263 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 5%.
Trước đó, khi công bố kế hoạch kinh doanh tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), công ty đã thận trọng đặt doanh thu thuần của cả 2 kịch bản đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng ở kịch bản khả quan sẽ cao hơn khoảng 20% cùng kỳ.
Theo kịch bản thận trọng, lãi ròng của HSG năm 2023 đặt ở mức 100 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng tiêu thụ giả định giảm 16% đạt 1,5 triệu tấn.
Theo kịch bản khả quan, lãi ròng tăng 20% so với cùng kỳ đạt 300 tỷ đồng nếu sản lượng tiêu thụ giảm 10% đạt 1,6 triệu tấn.
Trong cả hai trường hợp, giá bán trung bình được giả định ở mức hơn 22 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 18,5% so với cùng kỳ. HSG cho biết, 2 kịch bản đều cùng tiết giảm sản lượng, tồn kho, chi phí tài chính nhằm tăng biên lợi nhuận, hạ dư nợ ngắn hạn.
Theo ước tính của ban lãnh đạo, HSG ghi nhận lỗ ròng hơn 100 tỷ đồng trong tháng 1, nhưng quay trở lại lợi nhuận dương 50 tỷ đồng trong tháng 2 và dự kiến ghi nhận khoảng 100 tỷ đồng trong tháng 3. Với ước tính trên, công ty sẽ đạt được lợi nhuận dương trở lại trong quý II niên độ tài chính 2023.
Ban lãnh đạo cũng đánh giá khả quan về triển vọng lợi nhuận đến hết tháng 5 do giá HRC phục hồi khoảng 30% trong 3 - 4 tháng qua. Tồn kho HRC của công ty đủ để sản xuất trong 3 tháng tới, với chi phí trung bình khoảng 630 USD/tấn ở thời điểm hiện tại (trong đó lô hàng thấp nhất có giá 510 USD/tấn vào cuối năm 2022) so với giá thị trường hiện tại là khoảng 690 USD/tấn.
Các lãnh đạo HSG nhận định, xuất khẩu thép vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh vào rào cản thương mại. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong ngành.
Đánh giá chung cho toàn ngành, SSI nhận định giá thép và nguyên liệu thô ổn định hơn có thể giúp lợi nhuận của các công ty thép 'đi ngang' trong năm 2023. Tuy nhiên, nhu cầu yếu có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, chỉ ở mức 60 - 75%, điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận của công ty trong năm tới. Ngoài ra, khoảng cách giá giữa Việt Nam và các thị trường khác ngày càng thu hẹp sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu kém hấp dẫn hơn so với giai đoạn 2020 - 2021.
Ngoài kinh doanh thép, HSG còn phát triển khá mạnh về mảng nhựa. Với sản lượng tiêu thụ đạt 31 nghìn tấn, mảng nhựa của HSG ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt khoảng 2 nghìn tỷ đồng và 100 tỷ đồng trong năm trước, đứng thứ 3 tại thị trường nội địa sau CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) và CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP).
Công ty đã thành lập CTCP Nhựa Hoa Sen để quản lý mảng này và có thể cân nhắc tiến hành IPO và niêm yết công ty con trong giai đoạn 2023 - 2026.
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDirect đặt kỳ vọng của ngành thép là giải ngân đầu tư công dự kiến tăng 20 - 25% so với năm 2022. Về xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định sau khi mở cửa với nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản. Nhưng nhìn chung, VNDirect cho rằng, ngành thép vẫn khó khăn ở nửa đầu năm trong bối cảnh nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng... và có thể chỉ thực sự khởi sắc vào nửa cuối năm 2023.
Trên thị trường, giá cổ phiếu HSG kết sáng 14/3 về mức 15.550 đồng/cp, đã giảm 4,01% so với phiên gần nhất và 53,8% so với đỉnh gần nhất 1 năm trước (thị giá cổ phiếu HSG đạt 33.667 đồng/cp ngày 8/3/2022). Theo bản tin thị trường được VCBS công bố ngày 13/3, cổ phiếu HSG lọt top 5 mã cp được khối ngoại mua nhiều nhất trong tuần vừa qua.