Những địa phương nào có thể thu ngân sách Nhà nước lớn nhất sau sáp nhập?

Anh My 15:31 | 04/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến sẽ đem đến nhiều sự thay đổi cho bức tranh kinh tế của các địa phương, đặc biệt là hoạt động thu ngân sách Nhà nước.

Theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, sau sáp nhập, cả nước sẽ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Phương án sắp xếp này dự kiến sẽ tác động đáng kể đến các chỉ tiêu kinh tế của địa phương, trong đó có tổng thu ngân sách Nhà nước.

Thống kê từ các tỉnh, thành phố cho thấy theo phương án sáp nhập tỉnh, những địa phương đạt tổng thu ngân sách cao nhất cả nước bao gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Hưng Yên và Đồng Nai.

Những địa phương dự kiến đạt tổng thu ngân sách Nhà nước lớn nhất sau sáp nhập. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê, UBND các tỉnh, thành phố).

Hà Nội thu 250.100 tỷ đồng, giữ vững vị trí ‘quán quân’

Theo Nghị quyết 60, TP Hà Nội là một trong 11 địa phương không thực hiện sáp nhập tỉnh và sẽ giữ nguyên địa giới hành chính như hiện tại.

Hà Nội hiện cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu ngân sách Nhà nước, với tổng thu quý I/2025 đạt 250.100 tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 69,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo thống kê của Sở Tài chính Hà Nội, trong tổng thu ngân sách Nhà nước ba tháng đầu năm, thu nội địa đạt 241.500 tỷ đồng, bằng 51% dự toán và tăng 70,6%; thu từ dầu thô đạt 800 tỷ đồng, bằng 18,6% dự toán và giảm 33%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 28,7% dự toán và tăng 55%.

‘Bám sát’ Hà Nội, tổng thu ngân sách của TP HCM mới ước đạt 201.344 tỷ đồng

TP HCM là một trong những địa phương sẽ thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh trong thời gian tới. Theo đó, TP HCM mới sẽ được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập TP HCM hiện nay với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP HCM hiện nay.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I vừa qua, hoạt động thu ngân sách Nhà nước tại TP HCM cũng ghi nhận kết quả ấn tượng với tổng thu cân đối quý I ước đạt 151.097 tỷ đồng, bằng 29,1 dự toán và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Còn tại Bình Dương, tổng thu ngân sách Nhà nước quý I ước đạt 24.733 tỷ đồng, bằng 34% dự toán Thủ tướng giao, bằng 31% dự toán HĐND tỉnh thông qua và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu thu ngân sách Nhà nước gần 25.514 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Như vậy, theo phương án sáp nhập tỉnh, tổng thu ngân sách của TP HCM mới ước đạt 201.344 tỷ đồng, “bám sát” Thủ đô Hà Nội.

Hải Phòng thu ngân sách hơn 60.000 tỷ đồng, cao thứ ba cả nước

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã thống nhất với phương án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng, lấy tên là TP Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Hải Phòng hiện nay.

Về tình hình thu ngân sách Nhà nước, theo phương án sáp nhập, TP Hải Phòng mới có tổng thu ngân sách quý I ước đạt 60.042,4 tỷ đồng, xếp thứ ba cả nước.

Cụ thể, tổng thu trên địa bàn TP Hải Phòng hiện nay ước đạt 47.873,4 tỷ đồng, bằng 40,54% dự toán HĐND và tăng 44,16% so với cùng kỳ năm trước, theo tổng hợp của Chi cục Thống kê thành phố. Trong đó, thu nội địa đạt 28.537,7 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 18.742,7 tỷ đồng.

Tại Hải Dương, ước tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 31/3 đạt 12.169 tỷ đồng, bằng 44,1% dự toán năm và tăng 69,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 11.148 tỷ đồng, thu qua Hải quan đạt 1.006 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách của Hưng Yên và Thái Bình ước đạt 25.218,7 tỷ đồng

Theo phương án sắp xếp, tỉnh Hưng Yên mới sẽ được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của cả hai địa phương. Hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình mới đây cũng đã hoàn tất lấy ý kiến đại diện hộ gia đình về Đề án hợp nhất tỉnh với tỷ lệ đồng thuận cao.

Theo số liệu từ Chi cục Thống kê hai địa phương, tổng thu ngân sách Nhà nước quý I của Hưng Yên và Thái Bình ước đạt 25.218,7 tỷ đồng. Trong đó, thu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ước đạt 12.109 tỷ đồng, tăng 19,06% so với cùng kỳ năm trước,với thu nội địa ước đạt 10.942 tỷ đồng, tăng 19,54%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 1.167 tỷ đồng, tăng 14,76%.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Thái Bình ước đạt 13.190,7 tỷ đồng, tăng 149,1% so với cùng kỳ. Cụ thể, thu nội địa ước đạt 3.754,7 tỷ đồng, tăng 97,1% so với cùng kỳ và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 250 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách của Đồng Nai và Bình Phước đạt gần 23.000 tỷ đồng

Danh sách các tỉnh, thành phố mới sau sáp nhập kèm theo Nghị quyết 60 cũng bao gồm việc hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.

Theo báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước, quý I vừa qua, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.337,71 tỷ đồng, bằng 24,65% so với dự toán HĐND tỉnh thông qua và giảm 15,41% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 3.001,03 tỷ đồng, bằng 25,03% dự toán và tăng 16,89% so với cùng kỳ; Thu từ hải quan ước đạt 336,69 tỷ đồng, bằng 21,72% dự toán và tăng 3,70% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, tính đến hết quý I, tỉnh thu ngân sách Nhà nước đạt trên 19.600 tỷ đồng. Trong đó, tổng thu nội địa của tỉnh đạt hơn 15.000 tỷ đồng, bằng khoảng 39% dự toán pháp lệnh năm; thu từ lĩnh vực xuất nhập khẩu đạt 4.600 tỷ đồng, bằng gần 25% kế hoạch được giao.

Theo đó, với phương án sáp nhập tỉnh như trên, tổng thu ngân sách của tỉnh Đồng Nai mới ước đạt 22.937,71 tỷ đồng, cao thứ 5 cả nước.