Những giải pháp nào sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua nỗi kinh hoàng Covid-19?
Dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới nhiều ngành nghề khiến cho tổng cầu của toàn nền kinh tế đi xuống và sức chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp đang giảm sút.
Theo ghi nhận của VTV, mọi năm, sau hè - mùa cao điểm khách du lịch nội địa, sẽ tới mùa cao điểm của khách quốc tế. Nhưng năm nay, do đợt 2 dịch COVID-19 các điểm du lịch vẫn trống trơn không một người khách.
Không nguồn thu, muốn giữ lao động cũng khó bởi ngoài chi phí trả lương còn khoản 30-35% tiền lương hàng tháng đóng bảo hiểm xã hội. Đây là gánh nặng quá lớn đối với các doanh nghiệp.
Trao đổi với VTV, bà Lê Thanh Thảo - Giám đốc Công ty du lịch Mặt trời Châu Á nói: "Tôi đã đề nghị liên tục từ kì 1 đến kì 2 hỗ trợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm cho nhân sự. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là khó khăn chung của nhà nước nên chúng tôi chỉ có đề xuất hoãn và không tính phạt nộp chậm. Cho đến giờ dù công văn đã gửi rất nhiều cho các cơ quan liên quan nhưng cũng chưa được giải quyết".
Kết quả từ cuộc khảo sát lần thứ 3 của Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) vào tháng 8/2020 đã thống kê, đợt tái phát dịch Covid-19 lần hai đã khiến 20% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải dừng hoạt động, 76% không cân đối được thu chi, 2% đã giải thể, chỉ 2% tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó có 47% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động khi đại dịch tái bùng phát.
Đặc biệt, những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong 6 tháng tới, theo các doanh nghiệp được khảo sát, 81% cho biết không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; 72% cho biết phải trả tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí công đoàn; 53% cho biết trả tiền vay ngân hàng, 42 - 45% cho biết lo trả tiền điện, nước, nhiên liệu đầu vào, tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng thiết bị…
Không chỉ ngành du lịch bị tác động trực tiếp, qua hai đợt COVID-19 toàn bộ cầu của nền kinh tế đã bị ảnh hưởng. Hợp đồng giảm, doanh thu hạn chế, một số doanh nghiệp đang thu hẹp hoạt động, một phần văn phòng cho thuê lại để giảm bớt gánh nặng chi phí.
Ông Tăng Văn Khánh - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn OCD chia sẻ: "Đối với chúng tôi, năm tài chính bắt đầu từ tháng 4 thì đến nay là 6 tháng số lượng hợp đồng và giá trị hợp đồng cho tới thời điểm này kí giảm 2/3 so với mọi năm. Trong khi các chi phí khác mình vẫn phải trả như tiền lương của nhân viên, tiền thuê văn phòng,...".
Hai đợt COVID-19 liên tiếp đã bào mòn nguồn lực của doanh nghiệp. (Ảnh: Báo Hải quan)
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) ở đợt dịch lần đầu, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là đứt gãy chuỗi cung, thì bây giờ vấn đề căng thẳng nhất là dòng tiền, doanh nghiệp giảm doanh thu, thậm chí không có doanh thu, không có khả năng thanh toán.
Điều này ảnh hưởng tới dòng tiền vào của doanh nghiệp khi có tới 76% trả lời hiện không cân đối được thu chi, trong đó 54% có dòng tiền vào chỉ đáp ứng dưới 50% chi phí, nên phải cắt giảm lao động.
Do đó, làn sóng cắt giảm lao động đã diễn ra trên diện rộng, khi ở đợt dịch đầu tiên đa phần doanh nghiệp đều cố gắng không sa thải lao động. Tác động của đợt dịch thứ hai khiến hơn 47% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.
Trong đó, 5% doang nghiệp đã cắt giảm 100% lao động; 15% doanh nghiệp đã cắt giảm từ 75% đến dưới 100% lao động; 13% doanh nghiệp đã cắt giảm từ 50% đến dưới 75% lao động; 10% doah nghiệp đã cắt giảm từ 25% đến dưới 50% lao động; 4% doanh nghiệp cắt giảm dưới 25% lao động và 27% doanh nghiệp không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm/giảm lương.
Trong khi khảo sát cũng cho thấy niềm tin có dấu hiệu suy giảm khi về hiệu quả các chính sách đã ban hành, do nhìn nhận rằng chính sách đã ban hành thiếu khả năng để được thực thi, dẫn tới kém phát huy hiệu quả, vì thế Ban IV đề nghị, tới đây các chính sách phải thực sự đưa mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp lên ưu tiên hàng đầu, chính sách nhanh ban hành, nhanh đưa vào thực thi và điều kiện cần phù hợp thực tế.
Cụ thể, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp đã kiệt quệ, đổ vỡ thì nên hướng tới chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm dòng tiền chi ra để họ cân đối, sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu, nhằm duy trì lao động, sản xuất, kinh doanh.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020 thay vì chỉ áp dụng với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng năm nay.
Ngoài ra, Chính phủ xem xét, trình Quốc hội giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020, thậm chí kéo dài sang 2021. Cùng đó hoãn thời gian đóng so với các quy định hiện hành, vì đây là dòng tiền rất lớn trong cơ cấu chi của doanh nghiệp.
Miễn đóng phí công đoàn năm 2020 và 2021 thay vì chỉ hoãn đóng một số tháng nhằm củng cố tinh thần doanh nghiệp. Chính sách này nếu được ban hành sẽ là biện pháp hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp duy trì dòng vốn, giảm thời gian với quy trình thủ tục hành chính.
Ban IV cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu tiêu dùng sau dịch.
Với ngân hàng, doanh nghiệp đề xuất mở rộng hình thức vay tín chấp; ưu đãi lãi suất với các khoản vay đầu tư, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại; khoanh, giãn thời gian trả nợ...
Doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ không tăng lương tối thiểu vùng ít nhất hết năm 2021 để giảm áp lực cho doanh nghiệp trong chi trả lương, chi các khoản bảo hiểm và kinh phí khác dựa trên lương. Các bộ, ngành không tăng phí, giá dịch vụ do nhà nước quy định; hạn chế tối đa thanh, kiểm tra.
Để đánh giá tình hình thực tế, Tổng cục Thống kê đã tiến hành cuộc điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động các doanh nghiệp lần thứ 2 trên phạm vi toàn quốc qua hình thức trực tuyến để kịp thời nắm bắt được các vấn đề phát sinh.
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê - Ông Phạm Đình Thúy cũng đã phát biểu: "Cục sẽ đánh giá thực trạng và các thiệt hại lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải hứng chịu trong đợt Covid này cũng như việc phải ứng phó với Covid như thế nào. Thứ 2 là yêu cầu doanh nghiệp đánh giá kết quả của các gói hỗ trợ cũng như các chính sách và giải pháp mà chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp từ đầu năm đến nay".
Chỉ sau 4 ngày đã có khoảng hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia. Kết quả cuộc điều tra dự kiến được công bố vào cuối tháng 9 sẽ là cơ sở để Chính phủ xây dựng và điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sát thực tế hơn, đúng và trúng với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp để cùng vượt qua những cú sốc COVID-19 liên tiếp.
Hải Yến