Những giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid - 19
Giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất
Nghị định 52/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 có đối tượng áp dụng mở rộng hơn, thời gian giãn nộp kéo dài hơn so với Nghị định số 41/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong hơn 50 lĩnh vực cụ thể cả trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ; cũng như các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Việc giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng sức chống chiụ trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường do Covid-19 gây ra.
Trong bối cảnh dịch vẫn hoành hành và diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ở nhiều nước khu vực châu Á trong năm 2021, việc đồng bộ hóa các giải pháp với nội dung thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là cần thiết không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho người lao động, cũng như toàn bộ đời sống và sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương và cả quốc gia.
Việc giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng sức chống chiụ trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường...
Giảm lãi vay và cơ cấu thời hạn trả nợ
Ngoài các chính sách gia hạn thuế, tiền thuê đất, việc được vay vốn với lãi suất ưu đãi cũng là một biện pháp thiết thực, giúp hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực, chủ động có giải pháp hỗ trợ riêng đối với khách hàng, địa phương bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần thứ 3 và thứ 4. Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến nay, có 17 TCTD đã công bố công khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi.
Đồng thời, quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, DN khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tính đến cuối tháng 5/2021, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 258.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 337.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 677.000 khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỷ đồng.
Đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng cho hơn 480.000 khách hàng.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tuấn Anh- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới...
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân đánh giá mức độ hữu ích chính sách giãn thời gian khoản vay hoặc giảm lãi suất là khá cao. Cụ thể: 19% doanh nghiệp tư nhân đánh giá khá hữu ích, 39% đánh giá hữu ích, 21% đánh giá rất hữu ích. Tỷ lệ này với các doanh nghiệp FDI lần lượt là 22%, 34%, 15%.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách, biện pháp để thực hiện thắng lợi sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng xác định để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định ngày càng vững chắc hơn kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Việc huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế cho phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là các chính sách, biện pháp phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai xử lý nhanh, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn trong quá trình phát triển.
Được biết mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa dự thảo hàng loạt đề xuất miễn, giảm thuế phí, tiền sử dụng đất, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi vay…, giúp các doanh nghiệp vượt khó.
Theo đó, để tái cơ cấu nợ vay, hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung thông tư 01/2020 theo hướng cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31-12-2021. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh.
Sửa đổi, bổ sung nghị quyết 84 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh theo hướng mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp. Cơ chế này không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà bổ sung thêm doanh nghiệp trong các ngành chịu tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, so với cùng kỳ năm trước, cả nước có 29,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới, giảm 1,4%; có 14,7 nghìn DN quay trở lại hoạt động, giảm 0,5%; đồng thời, có 40,3 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 15,6%, trung bình mỗi tháng có tới 13,4 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có gần 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Chính vì vậy, doanh nghiệp đang cần các địa phương có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn nữa, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời trong sản xuất, tiêu thụ hàng hoá; đồng thời Chính phủ xem xét những chính sách hỗ trợ vĩ mô thêm cho doanh nghiệp, giúp họ “nâng sức đề kháng” và phục hồi nhanh chóng sau khi dịch bệnh đi qua, để cùng Chính phủ đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2021 này.
Hùng Dân
Xem thêm: doanh-nghiep-bds-xin-ho-tro-co-che-khong-ho-tro-tien