Những ngân hàng có lợi nhuận giảm trong quý I/2024
Theo thống kê, trong quý I/2024, có 9 ngân hàng báo lãi giảm so với cùng kỳ năm trước và một ngân hàng thua lỗ. Tổng cộng, lợi nhuận của những nhà băng này đã giảm 9%, trong khi lợi nhuận toàn ngành tăng 10%.
Phần lớn các ngân hàng nằm trong danh sách này có quy mô nhỏ. Đồng thời, nhóm những ngân hàng nhỏ cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm sâu nhất. Trong khi đó, lợi nhuận của các ngân hàng lớn thường chỉ đi xuống với tỷ lệ thấp và nguyên nhân thường do tăng trích lập dự phòng, thay vì sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh.
Chẳng hạn, ABBank báo cáo lãi sụt giảm nhiều nhất trong quý vừa qua trong bối cảnh lãi thuần của các mảng kinh doanh quan trọng như tín dụng, dịch vụ, ngoại hối giảm sâu đã khiến tổng thu nhập hoạt động (TOI) giảm 30,7% so với cùng kỳ. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro cao gấp rưỡi khiến lợi nhuận sau thuế giảm gần 69%.
Tương tự, Saigonbank, PGBank và NCB đều ghi nhận tổng thu nhập hoạt động giảm so với cùng kỳ, đa phần do thu nhập lãi thuần giảm mạnh.
Một số ngân hàng như Vietbank và Eximbank lại ghi nhận lợi nhuận giảm chủ yếu do chi dự phòng rủi ro tín dụng gấp nhiều lần cùng kỳ (Vietbank gấp 4,5 lần, Eximbank gấp 3 lần).
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng báo lãi giảm và có quy mô lớn như MB, VIB, ACB, Vietcombank nhìn chung vẫn duy trì được đà tăng tăng của tổng thu nhập hoạt động (trừ Vietcombank). Lợi nhuận nhóm nhà băng này giảm chủ yếu đến từ việc đẩy mạnh trích lập dự phòng, thay vì sự yếu kém trong hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, nhìn chung, kết quả kinh doanh của nhóm 4 ngân hàng lớn có lợi nhuận giảm vẫn đang đi đúng kế hoạch. Vietcombank đã thực hiện 24,8% kế hoạch năm, trong khi tỷ lệ của ACB là 22,2%. MB và VIB đều thực hiện 20,8% kế hoạch.
Trong khi đó, sau ba tháng, ABBank mới chỉ thực hiện được 7% kế hoạch đặt ra, Eximbank là 12,8% còn SaigonBank là 18,5%. PGBank là ngân hàng có tỷ lệ thực hiện kế hoạch cao nhất, đạt 20,9%.
Lợi nhuận giảm kèm nợ xấu gia tăng
Ngoài việc báo cáo lợi nhuận sụt giảm, nhiều nhà băng trong danh sách này cũng ghi nhận số dư nợ xấu gia tăng nhanh chóng. Trong đó, nhóm ngân hàng lớn có số dư nợ xấu tăng cao hơn, trong khi nợ xấu của nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ lại tăng ít hơn.
Chẳng hạn, số dư nợ xấu của MB đã tăng 56%, lên 15.294 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng 0,89 điểm %, nhanh thứ hai toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu của ACB và MB cũng tăng khoảng 0,24 điểm %, trong khi VIB là 0,6 điểm %.
Ở nhóm ngân hàng nhỏ, ABBank chứng kiến nợ xấu tăng 1,01 điểm % do dư nợ cho vay khách hàng giảm tới 19% so với cùng kỳ. Nợ xấu của ngân hàng ở mức 3,92% vào cuối quý I. Số dư nợ xấu của Vietbank tăng 22% kéo theo tỷ lệ nợ xấu đi lên 0,54 điểm %, ở mức 3,1%.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của SaigonBank, PGBank, Eximbank đều tăng không quá 0,5 điểm %. Tỷ lệ nợ xấu NCB được cải thiện thêm 0,74 điểm % chủ yếu do mức tăng trưởng cho vay gần 5,5%.